Ngoại giao thời biến động - Bài 1: Việt Nam kiên định theo đuổi hòa bình
Thế giới đang diễn ra sự phân cực, xung đột mạnh mẽ, thu hẹp dần các không gian hợp tác. Trong bối cảnh ấy, Việt Nam luôn kiên định với các giá trị hòa bình.
LTS:2023 là năm Việt Nam có nhiều đối ngoại quan trọng như kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Anh, Pháp, Hà Lan, Nhật Bản, Canada…; kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ. Việt Nam cũng vừa kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành ngoại giao 28-8, ngày Quốc khánh 2-9.
Trong bối cảnh thế giới đang có nhiều chuyển động phức tạp về an ninh, kinh tế, tranh chấp chủ quyền, cạnh tranh nước lớn… ngành ngoại giao đối diện với những áp lực lớn buộc phải tìm cách thích ứng. Vệt bài “Ngoại giao thời biến động” của TP.HCM sẽ làm rõ những nội dung này.
**********
Chỉ tính từ năm 2020 đến nay, thế giới chứng kiến hàng chục sự kiện “nóng” về an ninh, đối ngoại, đặc biệt là đối đầu Mỹ - Trung Quốc, cuộc chiến Ukraine, chiến tranh ở Trung Đông, đảo chính ở Myanmar, đảo chính ở châu Phi…
Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam (VN) tại Mỹ, nhận định: Cơ hội và thách thức không tách rời nhau trong bối cảnh thế giới đối diện với sự trỗi dậy của chủ nghĩa đơn phương, sự mâu thuẫn, cạnh tranh chiến lược ở phạm vi toàn cầu, cùng với xung đột, chiến tranh leo thang.
Sự phân tách chưa từng có
. Phóng viên: Thưa đại sứ,làm việc và nghiên cứu trong ngành ngoại giao nhiều năm, ông có cảm nhận như thế nào về môi trường thế giới hiện nay?
+Đại sứ Phạm Quang Vinh: Nói thật, chưa bao giờ tôi lại cảm thấy thế giới đang bị phân tách mạnh mẽ như hiện nay kể từ sau Chiến tranh lạnh. Nhìn vào chính trường sẽ thấy cạnh tranh giữa các nước lớn gia tăng, điển hình là sự phức tạp trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc. Cùng với đó là sự điều chỉnh chính sách của các nước đồng minh khi cạnh tranh giữa hai cường quốc này được đẩy lên cao. Điều đáng chú ý là phân tách này rất đa dạng và đa chiều, lại đặt trong sự tùy thuộc chung lẫn nhau và vì vậy không phân thành các tuyến rõ rệt.
Ngoài ra là các thách thức nảy sinh, tác động sâu sắc tới môi trường an ninh và phát triển chung, từ dịch bệnh, biến đổi khí hậu, đến xung đột Ukraine hay các điểm nóng trên thế giới.
Nghiêm trọng không kém là các chương trình hợp tác vì sự tồn vong và phát triển chung của con người, như về biến đổi khí hậu, y tế - sức khỏe, dịch bệnh, nghèo đói, cứu trợ - nhân đạo… có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực do sự thiếu đồng thuận giữa các cường quốc và các nước.
Cơ hội lẫn thách thức đan xen
. Liệu trong khó khăn, thách thức đó có cơ hội nào cho ngoại giao VN?
+ Tôi vẫn thấy những điểm sáng. Thứ nhất, dù nước lớn cạnh tranh chiến lược nhưng xu hướng ở khu vực này vẫn tiếp tục là hòa bình, ổn định và hợp tác. Thứ hai, đây là khu vực phát triển năng động, là động lực tăng trưởng của thế giới. Thứ ba, chủ nghĩa đa phương và luật pháp quốc tế vẫn là xu thế chủ đạo. Đáng chú ý là vai trò và giá trị của ASEAN trong đóng góp chung vào hòa bình và hợp tác tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
VN có vai trò, vị trí quan trọng trong ASEAN và tại khu vực nói chung, đồng thời duy trì quan hệ tốt đẹp với các nước, bao gồm các nước lớn cho dù giữa họ là cạnh tranh nhau phức tạp.
Ở đây có mấy điểm đáng chú ý. Thứ nhất, quan điểm của chúng ta là chọn hợp tác với các nước và không chọn bên. Thứ hai, thúc đẩy quan hệ dựa trên sự tôn trọng và hợp tác cùng có lợi. Thứ ba, tăng cường năng lực quốc gia, đi cùng chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, làm bạn với các nước.
Ngày nay, thách thức và cơ hội đan xen rất phức tạp. Dù vậy, chúng ta đã kịp thời xử lý các phức tạp nảy sinh, vừa mở rộng hợp tác với các nước, vừa có thể kịp thời nắm bắt và chắt chiu từng cơ hội trong bối cảnh thế giới vốn rất phức tạp.
. Trong bối cảnh thế giới đầy các mâu thuẫn, nguyên tắc đối ngoại của VN là gì?
+ Điểm mấu chốt nhất đó là nhất quán chính sách đối ngoại hòa bình, độc lập tự chủ, đa dạng hóa và làm bạn với các nước. Trong đó, đầu tiên là phải đảm bảo tốt nhất lợi ích quốc gia, đi cùng với hợp tác cùng có lợi, đan xen lợi ích với các nước. Thứ hai, phải nhấn mạnh luật pháp quốc tế trong các quan hệ quốc tế.
Thứ ba, VN ủng hộ các khuôn khổ, cơ chế hợp tác nhằm giải quyết các vấn đề chung đang đặt ra. Thứ tư, chúng ta ưu tiên thúc đẩy quan hệ tốt đẹp với láng giềng, khu vực và các nước lớn, các đối tác chủ chốt, cũng như ưu tiên hợp tác với các tổ chức như ASEAN, APEC, Liên hợp quốc (LHQ).
Theo đó, khi nước lớn cạnh tranh nhau thì vấn đề không chọn bên là đúng rồi nhưng chưa đủ. Cùng với đó còn phải là chọn hợp tác với các nước, chọn luật pháp quốc tế, chọn lợi ích quốc gia, chọn hòa bình, phát triển, cũng như chọn ủng hộ chủ nghĩa đa phương, đối thoại và hợp tác ứng phó với các thách thức chung. Xin nhấn mạnh lại, điều quan trọng hàng đầu là nhất quán chính sách đối ngoại và làm thế nào để luôn giữ vững, tăng cường môi trường thuận lợi cho hòa bình an ninh cũng như sự phát triển của VN.
Sứ mệnh hòa bình của Việt Nam
. Giữa thế giới đầy biến động thì ngoại giao VN cần phát huy vai trò của mình như thế nào?
+ Mấy mươi năm qua, điểm nổi bật nhất và có ý nghĩa nhất trong đóng góp của VN với cộng đồng quốc tế là dù ở diễn đàn nào và với bất kỳ vấn đề nào, VN cũng kiên định theo đuổi giải pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Tôi nhớ giai đoạn 2020-2021, khi thực hiện vai trò ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, ưu tiên hàng đầu của VN là ngăn ngừa xung đột, ngoại giao phòng ngừa, giải quyết hòa bình các theo Điều 6 Hiến chương LHQ. Chúng ta cũng thực hiện nhiều sáng kiến về nhân đạo, bảo vệ thường dân, nhất là phụ nữ và trẻ em tại các nơi xảy ra chiến tranh, xung đột; thúc đẩy hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ.
Với nhóm năm nước ủy viên thường trực (Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc), VN cũng triển khai các hoạt động để họ tăng tương tác, trở thành cầu nối để thu hẹp khoảng cách về khác biệt, giảm thiểu sự bế tắc, căng thẳng tồn tại từ trước, tăng cường cơ hội đàm phán, thảo luận các vấn đề hệ trọng của LHQ.
VN cũng chú trọng triển khai các sáng kiến, hoạt động nhằm khắc phục hậu quả của chiến tranh và xung đột, như các hiểm họa về vấn đề bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Chúng ta cũng thường xuyên, liên tục cử lực lượng “mũ nồi xanh” tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ, như ở khu vực Abyei và phái bộ Nam Sudan. Ước tính chúng ta đã cử trên 500 chiến sĩ tham gia hoạt động ý nghĩa và thiết thực này.
Không chỉ ở LHQ, nhìn sang câu chuyện Myanmar, Iran hay xung đột ở Trung Đông, châu Phi, hay như sự kiện hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên không phải ngẫu nhiên đã chọn VN làm địa điểm tổ chức thượng đỉnh về vấn đề phi hạt nhân hóa… Những điều này dù ít hay nhiều cũng cho thấy đều có sự tham gia đóng góp, hỗ trợ từ phía VN.
Tôi muốn lưu ý rằng mâu thuẫn, xung đột, chiến tranh hay sự căng thẳng, đối đầu chiến lược là một quá trình thường kéo dài chứ không đơn thuần là vài sự kiện. Và muốn giải quyết triệt để, chúng ta cần thời gian, sự chung tay của cả cộng đồng quốc tế chứ không chỉ vài quốc gia. Ngoại giao VN rất ý thức được việc đó nên chúng ta cần kiên nhẫn, duy trì đóng góp, xúc tiến các giá trị chung.
. Xin cảm ơn đại sứ.
Đóng góp lớn của Việt Nam tại ASEAN
Một vấn đề mà tôi muốn nhấn mạnh là sự thành công của VN tại ASEAN. Chúng ta gia nhập tổ chức này muộn hơn nhiều nước khác nhưng vai trò, vị thế của VN và của ASEAN nói chung đang dần thay đổi mạnh mẽ. Còn nhớ giai đoạn 2020, khi VN làm chủ tịch ASEAN thì đại dịch xuất hiện, khu vực và cả thế giới lao đao.
Vào những lúc khó khăn nhất, VN đã đưa ra được nhiều sáng kiến hữu ích. Nhờ sáng kiến của chúng ta, ASEAN đã thành lập quỹ dự phòng, dự trữ về nhằm chống đại dịch COVID-19; tổ chức hơn 30 chương trình họp trực tuyến cấp bộ trưởng và tương đương; hai cuộc họp cấp cao ASEAN 36 và 37; hội nghị đặc biệt của các quan chức cao cấp (SOM); các cuộc họp tham vấn (SOM) ASEAN VN…
VN luôn tìm cách thúc đẩy ASEAN trở thành đối tác có tầm quan trọng chiến lược với các nước, nhất là các cường quốc; triển khai các sáng kiến phát triển , an ninh và giải quyết các thách thức chung tại khu vực.
Đại sứ