Nghiền nát 'hàng rào bộ binh' Đường 9 - Nam Lào 1971

Qua 4 nhiệm kỳ, Tổng thống Mỹ đã lập ra nhiều chiến lược hòng ngăn chặn tuyến đường vận tải chiến lược Hồ Chí Minh: 'Phòng tuyến chống xâm nhập', 'Hàng rào điện tử Mắc Namara', 'chiến thuật hủy diệt cửa khẩu'... đến đỉnh cao cuộc hành quân 'Lam Sơn - 719'. Mục tiêu xuyên suốt của Mỹ là, với hàng hoạt vũ khí, khí tài tinh vi, hiện đại sẽ chặn cắt, vô hiệu hóa tuyến vận tải quân sự Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh của ta.

Đường Hồ Chí Minh (nhánh Tây) khu vực huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, trong chiến tranh, Mỹ - ngụy thường xuyên tập trung quân, phương tiện quân sự đánh chặn hướng hành quân của ta. Ảnh: Hải Luận

“Đường 9 (Quảng Trị) là tuyến đường chiến lược quan trọng vận chuyển súng đạn, lương thực, thực phẩm... cho toàn bộ chiến trường miền Nam. Mỹ sử dụng không quân ngăn chặn, nhưng ta không hề lo sợ. Âm mưu của địch là sử dụng bộ binh để cắt đứt tuyến đường chiến lược và lập bức tường chắn ngang rừng Trường Sơn, đây mới là vấn đề ta quan tâm nhất” - Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn trao đổi với chúng tôi lúc ông còn sống.

“Ém” quân chờ máy bay Mỹ

Nếu như quân ta không đập tan toàn bộ “hàng rào bộ binh” dọc tuyến Đường 9 - Khe Sanh và Đường 9 - Nam Lào, thì không thể nào có những cuộc đánh lớn ở miền Nam được. Đây là bước phiêu lưu đầy chủ quan của các chiến lược gia Hoa Kỳ. Vùng này là chiến trường có địa hình rừng núi hiểm trở, không phải đất “dụng võ” của lính Mỹ lẫn ngụy.

Từ lâu, trong tầm nhìn của Bộ Chính trị xác định, đây là chính diện rộng nhất của tuyến chi viện bao gồm cả hành lang Đông - Tây Trường Sơn, một “cửa mở” quyết định nhất cho các chiến trường. Do vậy, ta tập trung lực lượng chủ lực tinh nhuệ nhất, đặc biệt lực lượng dự bị chiến lược ở miền Bắc sẽ không buông tha trước mọi thái độ của địch.

Đúng như dự đoán của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, ngày 30-1- 1971, Mỹ - ngụy cho mở màn cuộc hành quân quy mô lớn, được mang danh “Lam Sơn - 719”. Hơn 4 vạn quân ngụy, 6.000 quân Mỹ, gồm những đơn vị tinh nhuệ nhất, với 600 xe tăng, xe bọc thép, hơn 300 khẩu pháo hạng nặng, 1.000 máy bay các loại... Địch kết hợp bộ binh từ dưới Đông Hà theo Đường 9 lên Sê Pôn, cho máy bay lên thẳng đổ quân xuống ba cụm cao điểm Nam Đường 9 - Tây Trường Sơn. Đây thực sự là cuộc hành binh có quy mô lớn nhất, điển hình nhất trong quá trình thực hiện “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ.

Bộ Chỉ huy Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào đã tập hợp một số đơn vị chủ lực và Bộ đội Trường Sơn tham chiến. Bộ Chỉ huy Chiến dịch nhận định, chắc chắn địch sẽ áp dụng chiến thuật “trực thăng vận” quy mô lớn. Do vậy, quân ta đã bố trí thế trận tác chiến phòng không, tăng cường lực lượng cao xạ, súng máy chốt giữ các điểm cao khu vực Đường 9, tập trung những điểm có nhiều khả năng địch đổ quân, quyết đánh bại chiến thuật “trực thăng vận” ngay từ đầu.

Thực hiện lệnh của Bộ Tư lệnh Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, các sư đoàn chủ lực và Bộ đội Trường Sơn kết hợp nghi binh lừa địch vào đúng “túi lửa” phòng không mạnh nhất của Bộ đội Trường Sơn. Lúc đầu, pháo phòng không, tên lửa của ta vẫn “ém” quân nằm im lìm dưới những tán cây rừng già, chỉ cho các loại súng đại liên, súng bộ binh ra “đánh mồi” để “kéo” máy bay đến trận địa mai phục sẵn.

“Nhận được chỉ thị của Bộ Tư lệnh Chiến dịch và của đồng chí Văn Tiến Dũng, tôi điện ngay cho các đơn vị, binh trạm: “Phải nhử máy bay địch vào thật sâu, đúng vòng vây, sẵn sàng chủ động tiến công nhanh nhất vào đội hình trực thăng của chúng. Sử dụng tất cả các vũ khí, phát huy mọi tầm hỏa lực, kiên quyết tiêu diệt, với khẩu hiệu: “Cứ cho nó đến, quyết không cho về”. Chờ khi nào có trên 30 chiếc bay vào đúng “túi lửa” phòng không mới xả đạn”. Bộ đội ta kiên trì nhử đến ngày thứ 6, địch tổ chức một đoàn 50 trực thăng ào ào đổ quân xuống. Lập tức, ta phụt “túi lửa” ra tiêu diệt, chỉ 2 ngày đã quét sạch hơn 100 máy bay trực thăng. Đây là trận đánh “đẹp” hiếm có trên thế giới” - Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên kể lại.

Mở toang “cửa mở” quyết định nhất

Ngày 23-3-1971, chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào kết thúc, toàn thắng. Cuộc hành quân “Lam Sơn - 719” là cố gắng cuối cùng trong cơn “giẫy chết” của cuộc chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” thất bại thảm hại của Mỹ - ngụy. Âm mưu cắt đứt tuyến đường Trường Sơn bằng sức mạnh tổng lực trong tổng thể chiến lược chiến tranh ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược của địch đã hoàn toàn thất bại.

Mở toang vĩnh viễn được “cửa mở” quyết định nhất ở chiến trường Trường Sơn dọc Đường 9, bộ đội Trường Sơn bắt đầu nâng cấp, mở rộng nhiều tuyến đường, cơ cấu lại tổ chức để ngang tầm với nhiệm vụ và đáp ứng sự lớn mạnh ở các chiến trường miền Nam.

“Lúc đó, tôi có suy nghĩ, thắng lợi Đường 9 - Nam Lào, là thời cơ đến rồi, chúng ta phải có những bước chuẩn bị trước khi ký Hiệp định Paris về lập lại hòa bình ở Việt Nam. Vì muốn đánh lớn ở miền Nam, các lực lượng vận tải phải ngang tầm, nhưng Bộ đội Trường Sơn của chúng ta đã làm vượt tầm. Bộ Quốc phòng phê chuẩn phương án tổ chức mới, thành lập 4 Bộ Tư lệnh khu vực và mấy sư đoàn, mở các tuyến đường lớn cho xe cơ giới hành quân nhanh hơn, với 130.000 cây số vuông, quân số xấp xỉ 80.000 người, với 50 đầu mối trực thuộc Bộ Tư lệnh” - Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên nói về tầm cao chiến lược.

Thắng lợi Đường 9 - Nam Lào có ý nghĩa chiến lược của dân và quân ba nước Đông Dương, làm thay đổi quan trọng cục diện chiến tranh. Trên chiến trường miền Nam Việt Nam, Mỹ - ngụy chuyển hẳn sang thế phòng ngự. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã chủ trương phát triển thế tiến công chiến lược trên chiến trường miền Nam, đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, giành thắng lợi quyết định trong năm 1972, buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng trên thế thua.

Hải Luận

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nghien-nat-hang-rao-bo-binh-duong-9-nam-lao-1971-post438098.html