Nghiên cứu về thời đại Hùng Vương góp phần làm sâu sắc giá trị văn hóa, lịch sử Việt Nam

Thời kỳ sơ sử với văn hóa Đông Sơn là thời kỳ hình thành nên nhà nước sơ khai của các Vua Hùng. Nghiên cứu thời đại này luôn là đề tài khoa học được giới khảo cổ học, sử học và nhiều ngành khoa học xã hội khác quan tâm.

Việc nghiên cứu, phát huy các giá trị mà tổ tiên ta từ ngàn xưa sáng tạo ra mang ý nghĩa quan trọng đối với việc xây dựng và phát triển đất nước. PGS, TS Bùi Văn Liêm, Tổng biên tập Tạp chí Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã có những trao đổi giúp chúng ta hiểu hơn, yêu hơn những giá trị của lịch sử thời kỳ này.

PGS, TS Bùi Văn Liêm.

Phóng viên (PV): Có ý kiến cho rằng, những nét văn hóa Việt cổ cơ bản định hình từ thời Hùng Vương-An Dương Vương đã tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam sau đó, vừa có sự lan tỏa mạnh mẽ, vừa có sức sống bền bỉ, mãnh liệt, tồn tại và phát triển đến ngày nay. Dưới góc độ của một chuyên gia lịch sử, ông giải thích điều này như thế nào?

PGS, TS Bùi Văn Liêm: Về cơ bản ý kiến trên đã dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn đã được kiểm chứng. Theo tôi, để hiểu ngọn nguồn văn hóa Hùng Vương-thời đại dựng nước đầu tiên trong lịch sử dân tộc, chúng ta cần có và phải kết hợp những cơ sở vật thật, vật chất (khảo cổ học) với những ghi chép trong chính sử, trong văn bản học (văn bia, sắc phong...), văn hóa học (văn hóa dân gian, truyền thuyết, ca dao, tục ngữ...) và nhiều nguồn tư liệu khác nữa.

Về cơ bản, văn hóa Hùng Vương, văn minh Việt cổ nằm trọn trong khung niên đại văn hóa Đông Sơn (cách ngày nay khoảng 2.800 năm)-nền văn hóa có vị thế rất quan trọng trong thời đại dựng nước đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Văn hóa Tiền Đông Sơn-Đông Sơn với đầy đủ ý nghĩa của cụm từ như là điểm khởi thủy của nền văn minh Đông Sơn-văn minh Việt cổ. Nền văn hóa này hàm chứa tất cả các yếu tố vật thể và phi vật thể của một cộng đồng cư dân tạo lập các trung tâm lớn về quyền lực kinh tế, văn hóa xã hội và thể chế chính trị thời các Vua Hùng ở miền Bắc Việt Nam. Một trong nhiều bằng chứng là hệ thống mộ táng và nhiều di tích, trung tâm khác như Cổ Loa, Việt Khê, Làng Vạc... là minh chứng đã có sự phân cấp, phân tầng trong xã hội, một trong những tiền đề hình thành các kiểu, dạng nhà nước sớm thời Đông Sơn-thời kỳ Hùng Vương dựng nước. Sự kết hợp những yếu tố nội sinh và ngoại sinh đã tạo nên bước chuyển biến lớn, đưa đến sự hình thành nhà nước sơ khai-tiền đề cho văn minh Đại Việt sau này.

Những tư liệu khảo cổ học, truyền thuyết đã cho thấy, vào thời kỳ văn hóa Đông Sơn, nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, xã hội có nhiều chuyển biến sâu sắc và toàn diện. Đáng chú ý như vấn đề phân chia giàu nghèo, vấn đề trị thủy, vấn đề chống ngoại xâm, yếu tố giao lưu tác động/tiếp xúc rộng rãi với các văn hóa, nhà nước lân cận... Đây là cơ sở vật chất cho sự ra đời nhà nước thời đại Đông Sơn-thời đại Hùng Vương. Trong quá trình phát sinh, tồn tại và phát triển văn hóa Đông Sơn-thời đại Hùng Vương luôn có mối giao lưu có chọn lọc, tác động qua lại với các nền văn hóa văn minh khác ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, Nam Trung Quốc...

Du khách nghe giới thiệu về một điểm di tích trong quần thể Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ) năm 2018.Ảnh: TOAN LÝ.

PV: Sự kế thừa và phát huy, phát triển những giá trị văn hóa từ thời đại Hùng Vương ngày nay được thể hiện như thế nào, thưa ông?

PGS, TS Bùi Văn Liêm: Từ tư liệu, vị thế, giá trị và các mối quan hệ đã minh chứng văn hóa Đông Sơn-văn minh Việt cổ phát triển trực tiếp từ các văn hóa tiền Đông Sơn và có sức sống mãnh liệt vượt qua đêm trường hơn nghìn năm chống Bắc thuộc tạo cơ sở vật chất cho sự hình thành văn hóa/văn minh Đại Việt-Việt Nam về sau.

Việc nghiên cứu các giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương không chỉ khơi dậy niềm tự hào dân tộc, khát vọng phát triển của đất nước, làm sâu sắc hơn các giá trị văn hóa, lịch sử của nước ta mà còn góp phần giải quyết những vấn đề hiện nay cũng như tương lai qua các bài học lịch sử. Truyền thống yêu chuộng hòa bình, truyền thống đấu tranh giữ nước, cũng như xây dựng đất nước đã được kế thừa, phát triển từ thời đại Hùng Vương qua suốt chiều dài lịch sử dân tộc, là dòng chảy liên tục của lịch sử, văn hóa Việt Nam. Điều này góp phần giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử hào hùng của dân tộc, phát huy những tinh hoa của dân tộc và làm vẻ vang hơn những đức tính tốt đẹp quý báu cha ông ta.

PV: Theo ông, chúng ta cần làm gì để góp phần quảng bá những giá trị của văn hóa thời đại Hùng Vương cho thế hệ trẻ và bạn bè thế giới?

PGS, TS Bùi Văn Liêm: “Không gian lịch sử-văn hóa Hùng Vương” là vùng văn hóa cội nguồn của dân tộc Việt Nam. Theo Công ước về bảo vệ Di sản văn hóa và Thiên nhiên thế giới (Công ước Di sản thế giới 1972) của UNESCO, đó còn là sản phẩm của một vùng văn hóa chứa đựng sự độc bản (hay độc đáo), một chứng cứ đặc biệt về một truyền thống văn hóa, một nền tảng văn minh hiện còn đang tồn tại, được hình thành và phát triển trên nền tảng một nền văn minh đã mất hay tồn tại trong quá khứ. Việc đầu tư gìn giữ, bảo vệ, tôn tạo phát huy giá trị vốn có của di sản là việc làm cần thiết, cấp bách.

Do đó, theo tôi, chúng ta cần thực hiện ngay những hành động thiết thực như: Bảo vệ và vận động cộng đồng ra sức bảo vệ các di tích, di vật và tư liệu liên quan đến văn hóa Hùng Vương; bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, quảng bá về di sản văn hóa Hùng Vương tới toàn thể nhân dân và du khách; xây dựng bảo tàng về thời đại Hùng Vương, không gian chủ đạo là cội nguồn, sức mạnh và niềm kiêu hãnh dân tộc... Chúng ta cũng cần đẩy mạnh nghiên cứu về thời đại Hùng Vương như chuỗi phát triển từ thời đại Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh. Trong đó khơi dậy niềm tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm, những hành động thiết thực trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

HUY AN (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/nghien-cuu-ve-thoi-dai-hung-vuong-gop-phan-lam-sau-sac-gia-tri-van-hoa-lich-su-viet-nam-614006