Nghiên cứu, nâng cao giá trị kinh tế cây sen

Người dân tham quan mô hình trồng sen theo hướng hàng hóa ở thôn Hiệp Đồng, xã Hòa Xuân Đông, TX Đông Hòa. Ảnh: LỆ VĂN

Phú Yên là một trong những địa phương có tiềm năng, lợi thế phát triển cây sen. Để tăng hiệu quả kinh tế từ loại cây này, tỉnh thực hiện đề tài khoa học “Nghiên cứu và phát triển cây sen theo hướng hàng hóa tỉnh Phú Yên” do TS Lâm Văn Hà, Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam (Viện Thổ nhưỡng nông hóa) làm chủ nhiệm. Qua gần 3 năm thực hiện, đề tài mang lại những kết quả bước đầu.

Ứng dụng khoa học công nghệ

Theo TS Lâm Văn Hà, Phú Yên có điều kiện thuận lợi cho cây sen phát triển. Thời gian qua, nhiều mô hình trồng sen mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân với lợi nhuận cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa. Các vùng ruộng trũng thấp ở TX Đông Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa…, giá trị của cây sen được đánh giá cao cả trong du lịch văn hóa và ẩm thực, được người dân mở rộng diện tích trồng sen.

Vì thế, trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tỉnh định hướng chuyển đổi các vùng lúa ở nơi trũng thấp kém hiệu quả sang trồng sen, khai thác các mặt nước đầm lầy hoang hóa để đưa nghề trồng sen lên một vị trí mới trong ngành trồng trọt của tỉnh, đem lại thu nhập cao cho người dân.

Hiện bà con nông dân trồng sen chủ yếu là tự phát chưa có quy hoạch hợp lý, quy trình canh tác chưa được chuẩn hóa, các sản phẩm từ sen chủ yếu bán thô, chưa chế biến để tạo sản phẩm hàng hóa có giá trị nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. “Vì vậy, việc nghiên cứu chế biến các sản phẩm từ cây sen mang giá trị cao phục vụ du lịch và xuất khẩu cho tỉnh rất cần được quan tâm, từ đó tạo những nét riêng của sen Phú Yên”, TS Lâm Văn Hà nói.

Để sản xuất bền vững, Phú Yên đang chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó khuyến khích phát triển cánh đồng lớn và sản xuất theo hướng liên kết để nâng cao chuỗi giá trị, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất, trồng trọt nâng cao hiệu quả.

Để thực hiện đề án trên, việc đánh giá xây dựng vùng sinh thái thích nghi với cây sen hàng hóa và tuyển chọn các giống sen vừa thích nghi với điều kiện khí hậu vừa cho năng suất cao để đưa vào canh tác đại trà là rất cần thiết. Từ đó xây dựng vùng chuyên canh sen theo hướng chuỗi giá trị hàng hóa và chuyển đổi cơ cấu cây trồng 3 vụ lúa thành lúa - sen, hoặc sen - cá hoặc các vùng chuyên canh sen đặc thù gắn với du lịch.

“Từ những thực tế trên, tỉnh đã thực hiện đề tài nghiên cứu và phát triển cây sen theo hướng hàng hóa. Kết quả của đề tài nhằm chuyển giao nguồn giống sen tuyển chọn cho các hộ dân, HTX và các cơ sở trồng sen; phối hợp với các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh các sản phẩm từ sen để tạo nguồn sản phẩm đặc sắc, giá trị kinh tế cao phục vụ du lịch, thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần nâng cao đời sống của người dân, phát triển kinh tế cộng đồng”, Giám đốc Sở KH&CN Dương Bình Phú cho hay.

Đưa sen trở thành sản phẩm hàng hóa

Trước đây, gia đình ông Nguyễn Văn Phịch ở thôn Hiệp Đồng, xã Hòa Xuân Đông (TX Đông Hòa) chủ yếu canh tác lúa, nhưng thu nhập không cao. Nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết biến đổi thất thường, sâu bệnh, dịch hại thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng cây trồng. Bên cạnh đó, diện tích canh tác của gia đình ông nằm ở vùng đất trũng nên thường xuyên ngập úng do mực nước dâng cao...

Các nhà khoa học ở Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam nghiên cứu, chế biến rượu sen. Ảnh: LỆ VĂN

Khi triển khai đề tài “Nghiên cứu và phát triển cây sen theo hướng hàng hóa tỉnh Phú Yên”, được chọn làm mô hình trồng sen thử nghiệm, ông Phịch quyết định chuyển sang canh tác cây sen nhằm tăng thu nhập cho gia đình. “Mấy năm gần đây, tôi nhận thấy chi phí sản xuất lúa mỗi năm cứ tăng thêm, còn sản lượng sụt giảm. Đối với vụ lúa hè thu và thu đông, năng suất không cao, trong khi đó, chi phí đầu tư cho vụ mùa sản xuất khá nhiều. Được chọn trồng thử nghiệm, tôi thấy sen mang lại hiệu quả kinh tế cao nên gia đình quyết định chuyển sang loại cây trồng này”, ông Phịch bộc bạch.

Gần 3 năm trồng sen bán, ông Phịch đánh giá đây là loại cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, ít sâu bệnh và không tốn quá nhiều chi phí đầu tư. Đặc biệt, loại cây trồng này có thể canh tác liên tục trong năm.

“Tùy theo kỹ thuật mà mật độ gieo trồng khác nhau, từ 200-300 bụi/sào (500m2). Từ lúc xuống giống đến thu hoạch gương kéo dài trong 2-3 tháng. Sau mỗi đợt thu hoạch, chỉ cần làm lại đất là trồng lại vụ sau. Đặc biệt, có thể sử dụng cây sen vụ trước nên không phải tốn chi phí mua giống trong các vụ kế tiếp”, ông Phịch chia sẻ.

Theo ông Phạm Minh Trung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Xuân Đông (TX Đông Hòa), hiện nay hầu hết các diện tích ao đầm trũng úng của địa phương đã được khai thác để trồng sen, không còn bỏ hoang, góp phần giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ nông dân.

Theo các hộ trồng sen ở địa phương này, sen rất dễ trồng, ít tốn chi phí phân thuốc, làm cỏ như trồng các loại cây khác. Khoảng 4 tháng sau khi trồng, cây sen bắt đầu cho thu hoạch. Trồng sen chỉ tốn chi phí đầu tư cho lần xuống giống đầu tiên, nhiều năm sau đó chỉ chăm sóc và thu hoạch.

Hội thảo đầu bờ mô hình canh tác cây sen theo hướng hàng hóa

Mới đây, tại thôn Hiệp Đồng, xã Hòa Xuân Đông (TX Đông Hòa), Sở KH&CN phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam (Viện Thổ nhưỡng nông hóa) tổ chức hội thảo đầu bờ mô hình canh tác cây sen theo hướng hàng hóa cho 150 nông dân ở phường Hòa Xuân Tây, xã Hòa Xuân Đông (TX Đông Hòa) và xã Hòa Tân Tây (huyện Tây Hòa).

Tại đây, các nhà khoa học ở Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam đã thông tin về việc nghiên cứu và phát triển cây sen theo hướng hàng hóa tại tỉnh Phú Yên và tham quan các mô hình trồng sen có năng suất cao, cũng như hướng dẫn kỹ thuật thâm canh cho nông dân nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm từ cây sen.

Được biết, hội thảo đầu bờ lần này nằm trong hoạt động của đề tài KH&CN cấp tỉnh “Nghiên cứu và phát triển cây sen theo hướng hàng hóa tại tỉnh Phú Yên” do TS Lâm Văn Hà (Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam) làm chủ nhiệm được triển khai từ tháng 1/2021. Mục tiêu của đề tài là tuyển chọn được một số giống sen phù hợp với điều kiện sinh thái vùng, từ đó hoàn thiện quy trình canh tác, chế biến cây sen theo chuỗi giá trị hàng hóa nhằm phục vụ chuyển đổi cây trồng trên một số vùng đất lúa kém hiệu quả tại tỉnh.

VĂN TÀI

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/79/300624/nghien-cuu-nang-cao-gia-tri-kinh-te-cay-sen.html