Nghịch lý 'ngốn' 100 tỷ, thưởng… 100 triệu đồng

Giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2018 vừa khởi tranh, lập tức tạo sức hút đặc biệt đối với người hâm mộ, nhất là cuộc đấu của nữ. Dù vậy, như một nghịch lý kéo dài, cuộc đấu vẫn được coi là hấp dẫn số hai của thể thao Việt Nam dù đầu tư 'khủng' lại chỉ có mức thưởng bèo bọt, mà ngay cả đội vô địch cũng chỉ nhận được 100 triệu đồng.

Chi tối thiểu 4-5 tỷ đồng/mùa

Kể từ 2004, thời điểm chỉ khoảng 2 tỷ hay thậm chí 1 tỷ đồng mỗi năm, chi phí cho một CLB dự giải VĐQG giờ đã tăng vọt, với mức trung bình 4-5 tỷ đồng. Tính sơ bộ, tổng kinh phí của 24 đội nam, nữ cũng đã trên 100 tỷ đồng. Đáng chú ý, một số đại diện theo mô hình mới như Đức Long Gia Lai, Sanest Khánh Hòa (nam) hay Bình Điền Long An, Ngân hàng Công Thương Việt Nam (nữ) đã chi tới trên dưới 10 tỷ đồng.

Trong khi đó, một vài đại diện của các địa phương khó khăn hay thuộc quân đội, như Than Quảng Ninh, Giấy Bãi Bằng (nữ) hay Quân khu 9, Quân đoàn 4 (nam) với 1,5-2 tỷ đồng. Còn diện phổ biến nhất vẫn là những đội ở khoảng 4-5-6 tỷ đồng, một mức được đánh giá có thể đáp ứng tương đối tốt nhu cầu thực tế.

Con số trên 100 tỷ đồng ấy chính là thành quả của quá trình xã hội hóa, khi nhiều doanh nghiệp đã tham gia tài trợ, nhận nuôi, hay kể cả thành lập CLB riêng. Nó cũng phần nào thúc đẩy các địa phương, đơn vị đang có đội bóng cũng phải thay đổi theo. Cao điểm, từng có nhiều giải, có tới 23/24 đội (trừ nữ Quảng Ninh) đều có đối tác hậu thuẫn.

Vô địch nhận… 100 triệu đồng

Ngay từ cuối những năm 1990 của thế kỷ trước, giải VĐQG đã được tổ chức theo mô hình xã hội hóa, thậm chí còn trước cả bóng đá. Những người làm bóng chuyền đã sớm biết huy động các nguồn lực, đặc biệt nhà tài trợ, địa phương tổ chức để tạo nên một cuộc đấu tự chủ và có sức hút. Thế nhưng, như một nghịch lý, mức thưởng cho các đội giành thứ hạng cao lại chưa bao giờ tương xứng, nếu không muốn nói là thực sự bèo bọt. Cụ thể, đội bước lên ngôi cao nhất mỗi mùa giải chỉ nhận được 20 triệu đồng, trong suốt một thời gian dài. Mức thưởng này phần nào chỉ mang tính tượng trưng, khích lệ; không bù đắp được gì cho chi phí hoạt động tăng lên không ngừng.

Phải đến năm 2009, chuyện thưởng mới có đột phá khi con số được nâng lên 100 triệu đồng. Nó đã ít nhiều trực tiếp tạo động lực thiết thực ở vài mùa rồi lại sớm trở nên lạc hậu. Phần nào đó, giá trị còn kém cả mức cũ 20 triệu đồng. Đơn cử “chuyên gia vô địch” giải nữ, Thông tin LienVietPostbank giờ đã phải chi tối thiểu 5 tỷ đồng mỗi mùa mới đảm bảo cho hoạt động, thay vì chỉ trên dưới 2 tỷ đồng như trước.

Mức thưởng lần lượt 100, 70 và 30 triệu đồng cho 3 đội đứng đầu, cùng một vài hạng mục khác đang áp dụng tại giải VĐQG, thực chất từ nguồn của nhà tài trợ, được ghi rõ trong điều lệ. Đó cũng đã là một sự quan tâm, nỗ lực đáng ghi nhận mà khó có thể đòi hỏi hơn, nhất là so với những gì nhận lại được từ chính giải đấu.

Nỗi buồn tủi

Các CLB có thể còn phải chấp nhận mức thưởng thấp dài dài bởi giải đấu của môn thể thao luôn đầy ắp khán giả vẫn gần như chưa có nguồn thu nào khác, ngoài một khoản tài trợ “cứng” mới chỉ tương đối đáp ứng nhu cầu ở mức thấp cho tất cả các mặt của một giải đấu. Trong khi đó, hàng loạt các mảng hoàn toàn có thể kiếm tiền, như tiếp thị tài trợ, bản quyền truyền hình… đều đang rơi vào tình trạng bất động và bó buộc, hay nếu có cũng chỉ theo kiểu được chăng hay chớ.

Sau hơn hai thập kỷ chuyển đổi, giải bóng chuyền VĐQG đã có một bước tiến dài về chất lượng tổ chức, chuyên môn với nhiều điểm ngang tầm quốc tế. Điều đó được minh chứng qua việc Việt Nam được Liên đoàn Bóng chuyền châu Á tín nhiệm và ưu tiên cho đăng cai nhiều giải tầm cỡ. Chỉ có điều, riêng chuyện tạo nguồn kinh phí, kiếm tiền vẫn là một khâu rất yếu.

Có vẻ như những người có trách nhiệm vẫn đang nhìn nhận và thúc đẩy mảng trọng yếu này giống thời bao cấp, chỉ biết mỗi việc vận động hay nói chính xác hơn là “xin tài trợ”.

Với cách nghĩ cách làm như thế, mức thưởng 100 triệu đồng mà đội bóng đăng quang giải VĐQG nhận được âu cũng là điều dễ hiểu.

Đội vô địch Thái Lan lĩnh thưởng 1 tỷ đồng

Mức thưởng 100 triệu đồng cho nhà vô địch giải VĐQG của bóng chuyền Việt Nam chỉ bằng đúng 1/10 tổng số, đội bước lên ngôi cao nhất nhận được từ Thai.League. Đơn cử, mùa bóng 2015-2016 CLB mà đội trưởng đội tuyển Việt Nam Nguyễn Thị Ngọc Hoa đấu thuê Bangkok Glass lĩnh phần thưởng 1 triệu baht (tương ứng với 650 triệu đồng) cho danh hiệu vô địch, cùng phần chia sẻ bản quyền giải đấu là 0,6 triệu baht (400 triệu đồng). Như vậy, chỉ tính riêng số tiền họ nhận được từ BTC giải đã lên tới trên 1,05 tỷ đồng. Chưa kể, đội bóng chuyên nghiệp hàng đầu Thái Lan này còn có một số nhà tài trợ riêng và các hoạt động khai thác hình ảnh khác. Nguồn thu này theo ước tính còn gấp 3-4 lần con số 1,05 tỷ đồng nói trên.

Hiện tại mỗi mùa nhà tài trợ chi 432 triệu đồng tiền thưởng cho cả giải nam và nữ. Các mức thưởng lần lượt là: Đội vô địch 100 triệu đồng, đội hạng Nhì 70 triệu đồng, đội hạng Ba 30 triệu đồng, đội giành giải khuyến khích 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có 3 giải phụ khác cho VĐV toàn diện nhất (2 triệu đồng), VĐV chuyền hai hay nhất (2 triệu đồng), tổ trọng tài xuất sắc nhất (2 triệu đồng). Mức thưởng này giậm chân tại chỗ kể từ 2009, tức là đã tròn 10 năm, mà có thể còn kéo dài. Mức thưởng 100 triệu đồng cho một đội bóng vô địch gồm tối thiểu 16 thành viên, rõ ràng quá thấp, nhất là so với bóng đá khi đội Quán quân Vleague lĩnh tới 3 tỷ đồng.

Nhị Hường

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/giai-tri/nghich-ly-ngon-100-ty-thuong-100-trieu-dong-77603.html