Nghịch lý con giống

Dịch tả lợn châu Phi bùng phát đã làm nảy sinh nhiều vấn đề trong chăn nuôi của người dân trên địa bàn tỉnh. Trong đó, bất cập nhất hiện nay là câu chuyện về nguồn giống, khi trên địa bàn tỉnh, số lượng cơ sở sản xuất con giống rất ít. Nghịch lý về con giống không chỉ ở riêng con lợn, mà còn ở nhiều con vật nuôi khác, như trâu, bò.

Bà Vũ Thị Lân, thôn An Lộc A, xã An Khang (TP Tuyên Quang) vừa vào đàn hơn chục con lợn. Gia đình bà duy trì chăn nuôi từ hơn chục năm trở lại đây, nhưng chưa năm nào, nguồn lợn giống khan hiếm và khó mua như hiện nay. Theo bà Lân, để có 9 con lợn vào đàn, bà phải đặt mua từ cả tháng trước, giá mỗi con giống 3 triệu đồng. Bà Lân cho biết, có lợn giống để chăn nuôi, nhưng gia đình “vừa nuôi vừa lo” vì không rõ chất lượng đàn lợn có đảm bảo không, có mắc các bệnh khác không…

Nỗi lo của bà Lân cũng là nỗi lo chung của nhiều hộ chăn nuôi tái đàn thời điểm hiện nay. Ông Đào Duy Quý, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, việc mua con giống tự do, trôi nổi, không rõ nguồn gốc, không được kiểm dịch sẽ có nguy cơ tiềm ẩn cao về dịch bệnh, mang mầm bệnh từ ngoài vào địa phương, đặc biệt các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như dịch tả lợn châu Phi, bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, tụ huyết trùng, dịch tả vịt...

Nhiều hộ gia đình ở Hàm Yên áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo cho bòđể có nguồn con giống chất lượng.

Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 39.000 lợn nái sinh sản, có khả năng sản xuất được khoảng gần 600.000 lợn con/năm, đáp ứng khoảng 65-70% nhu cầu giống. Trên thực tế, phần lớn lợn nái nằm ở các cơ sở chăn nuôi lớn DABACO, Công ty TNHH CJ Vim AGR; Trang trại Công ty CP Mavin Tuyên Quang, nhưng việc sản xuất lợn giống chủ yếu phục vụ nội bộ, không có xuất bán ra ngoài. Còn đối với các cơ sở, trang trại chăn nuôi có quy mô nhỏ hơn, do giá lợn thịt hơi cao nên các cơ sở chăn nuôi để lại nuôi thịt.

Sau khi dịch tả lợn châu Phi cơ bản được khống chế trên địa bàn tỉnh, nhu cầu tái đàn của người chăn nuôi tăng vọt, Công ty DABACO vừa cam kết cung cấp lợn giống cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh với số lượng 500 con. Số con giống này sẽ được ưu tiên cho những hộ có chuồng trại chăn nuôi khép kín, đảm bảo theo hướng an toàn sinh học.

Khan hiếm nguồn con giống không chỉ riêng ở con lợn, mà diễn ra đối với cả đại gia súc. Theo ông Quý, việc sản xuất, cung ứng con giống cho chăn nuôi đại gia súc trước nay đều do các hộ chăn nuôi tự sản xuất, cung ứng một phần cho các hộ có nhu cầu trên địa bàn. Những năm gần đây, do nhu cầu nuôi trâu, bò vỗ béo tập trung cần có con giống có khả năng tăng trọng nhanh, phù hợp với nuôi vỗ béo, việc nhập con giống từ ngoài vào để cung ứng, sau đó thu mua sản phẩm cho người chăn nuôi đã được các hợp tác xã trên địa bàn thực hiện.

Đơn cử như Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành 6 tháng đầu năm đã cung ứng 688 con trâu, bò cho người chăn nuôi. Lượng trâu giống chủ yếu được nhập khẩu từ các nước lân cận như Malaysia, Lào, thời gian gần đây, một phần do ảnh hưởng của dịch bệnh, một phần do nguồn cung từ nước ngoài cũng hẹp lại, nên đơn vị chuyển sang làm việc với các công ty chăn nuôi bò sữa trong cả nước để nhập bê đực, bò đực cung cấp cho người chăn nuôi.

Theo quy định của Luật Chăn nuôi, các cơ sở chăn nuôi trang trại, chăn nuôi nông hộ đều có quyền được sản xuất, kinh doanh con giống vật nuôi. Điều kiện là các cơ sở này phải đáp ứng các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật và quản lý giống và sản phẩm giống vật nuôi. Tuyên Quang hiện có trên 120.000 cơ sở, hộ chăn nuôi, trong đó khoảng 50% số cơ sở có khả năng sản xuất giống và cung ứng con giống. Ngoài một số trang trại của các doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Hồ Toản, Futuremilk, Công ty TNHH Hoàng Khai và 3 cơ sở sản xuất giống lợn, gồm: DABACO, Công ty TNHH CJ Vim AGR, Trang trại Công ty CP Mavin Tuyên Quang, thì hầu hết các cơ sở chăn nuôi còn lại đều nhỏ lẻ. Nguồn con giống từ các cơ sở nhỏ lẻ đa phần để đáp ứng nhu cầu nội tại, một phần nhỏ xuất bán cho các hộ có nhu cầu.

Sẽ không thể hình thành vùng chăn nuôi theo hướng hàng hóa, nếu câu chuyện con giống vẫn bị động như hiện nay. Về lâu dài, để tái cơ cấu giống trong chăn nuôi, Phó Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và Thú y tỉnh Đào Duy Quý cho biết, đối với chăn nuôi thâm canh, trang trại tập trung phải sử dụng các giống năng suất, chất lượng cao, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, đồng nhất sản phẩm. Trong đó, với con lợn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khuyến cáo sử dụng giống đực Duroc, Pietran, PiDu ... tạo con lai 3 máu hoặc 4 máu ngoại, tỷ lệ nạc trong thân thịt cao; chỉ sử dụng 1-2 công thức lai để đồng nhất sản phẩm.

Lợn nái nên ưu tiên sử dụng lợn nái ngoại cho vùng thấp như Sơn Dương, Yên Sơn; sử dụng các giống Móng Cái, lợn đen địa phương cho các huyện vùng cao. Đối với giống trâu, thực hiện bình tuyển chọn lọc những cá thể trâu đực, trâu cái tốt để ghép đôi giao phối, sử dụng tinh trâu cọng rạ (trâu nội hoặc trâu Murah) để cải tạo đàn trâu địa phương; đào tạo đội ngũ dẫn tinh viên, hỗ trợ các trang thiết bị phục vụ công tác thụ tinh nhân tạo. Coi việc nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho trâu là khâu đột phá trong sản xuất trâu hàng hóa. Đối với con bò, ưu tiên sử dụng tinh của bò thịt cao sản như Charolaise, Droughtmaster, BBB… tạo bò thịt chất lượng cao 3/4 máu ngoại bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo; nhập vào địa bàn những bò đực tốt dòng Zebu để cải tạo nâng cao tầm vóc đàn bò địa phương thuộc các huyện vùng cao.

Bài, ảnh: Trần Liên

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/nghich-ly-con-giong-135353.html