Nghĩa tình người cầm bút

Nhà báo, nhà văn Thép Mới (1925-1991) là người có phong cách riêng trong làng báo cách mạng Việt Nam.

Là người đi nhiều, viết nhiều, Thép Mới đã để lại hàng chục cuốn sách, hàng trăm bài báo mà không ít bài trong số đó như: "Trung thu độc lập đầu tiên", "Cây tre Việt Nam", "Hiên ngang Cuba"... đã trở nên quen thuộc với công chúng trong nước và bạn bè quốc tế suốt mấy chục năm qua. Dù quan tâm đến nhiều sự kiện lớn của đất nước nhưng Thép Mới không quên những con người cụ thể mà ông từng gặp, từng quen biết.

Cùng với lòng nhiệt thành cách mạng, sự nhạy bén nghề nghiệp, Thép Mới còn có may mắn hiếm có. Đó là từ những ngày mới bước chân vào nghề báo (tháng 8-1945), ông đã được sự dìu dắt của các nhà hoạt động cách mạng, các văn nghệ sĩ như: Trần Quốc Hương, Thôi Hữu, Nguyễn Huy Tưởng,... đặc biệt là sự chỉ bảo ân cần của Tổng Bí thư Trường Chinh, một nhà báo mẫu mực, cũng là người trực tiếp chỉ đạo công tác báo chí của Đảng lúc bấy giờ. Những "hành trang" quý báu đó được Thép Mới luôn trân trọng và mang theo trong suốt cuộc đời cầm bút đầy sôi động của mình. Ông kể lại những ngày làm Báo Sự thật cuối năm 1945 ở Hà Nội: "Ba chúng tôi-Lê Hữu Kiều, Thôi Hữu và tôi-chia nhau bao các vấn đề chính trị, thời sự, văn hóa, giáo dục, thanh niên, lối sống, các hoạt động chính trị và văn hóa của Thủ đô Hà Nội...".

Sau ngày Thôi Hữu hy sinh (16-12-1950), trong bài "Thương nhớ Thôi Hữu" (Tạp chí Văn nghệ số 27+28 tháng 12-1950 và 1-1951), Thép Mới viết: "Thôi Hữu là một nhân cách đặc biệt trong làng báo, làng văn cách mạng...". 40 năm sau, ông vẫn nhắc về người đồng nghiệp đáng kính thuộc lớp đàn anh: "Tôi rất thương tiếc anh Thôi Hữu, không chỉ vì tài năng mà vì anh là một người cộng sản làm văn học, làm báo, vào Đảng từ năm 1942, nhưng bản thân có thực tiễn viết và sáng tác, hiểu con người làm nghề viết...". Duy chỉ có một điều Thép Mới không kịp chứng kiến là đúng một năm sau khi ông mất, vào tháng 7-1992, các đồng nghiệp cầm bút của ông ở Báo Nhân Dân, Báo Quân đội nhân dân, chính quyền huyện Phú Lương (Thái Nguyên) và gia đình liệt sĩ Thôi Hữu đã tìm thấy và tổ chức quy tập phần mộ nhà thơ-nhà báo Thôi Hữu tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Vô Tranh, huyện Phú Lương, nơi yên nghỉ của ông từ 42 năm trước. Chắc hẳn đến khi đó, cố nhà báo-nhà văn Thép Mới mới thật sự yên lòng như tâm nguyện của ông lúc sinh thời: "Riêng anh, sẽ đối chiếu trước sau, sẽ soi gương lại mình rồi mới viết và phải viết để cung cấp thêm cho hậu thế những tư liệu có thể đi đến những phán xét công bằng" (trích trong cuốn "Sống động sự nghiệp báo chí" của Thép Mới, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành năm 2004).

Nhân kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9; 29 năm Ngày nhà báo, nhà văn Thép Mới đi xa (28-8), đông đảo công chúng yêu mến Thép Mới và các tác phẩm báo chí, văn học của ông lại có dịp nhớ về ông, trân trọng những đóng góp quý giá của Thép Mới đối với làng báo, làng văn. Và trên hết là nhớ về một nhân cách lớn của người cầm bút suốt đời trăn trở, băn khoăn trước vận nước, phận người.

LÊ AN KHÁNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/nghia-tinh-nguoi-cam-but-635460