Nghị lực vượt khó của nữ sinh dân tộc M'nông

Không may gặp tai nạn vào năm 8 tuổi dẫn đến mất một chân, H'Thảo vẫn kiên trì một mình đi bộ đến trường suốt quãng thời gian THCS, THPT và thi vào đại học với mong ước thay đổi số phận, báo hiếu cho ba mẹ.

Vươn lên từ hoàn cảnh

H’Thảo (người dân tộc M’nông) là sinh viên chuyên ngành Quản trị Nhân sự, trường ĐH Văn Hiến (TP. HCM). Là con thứ hai trong gia đình có bảy người con, hiện đang sinh sống tại Đắk Nông, với nghề làm rẫy, trồng cà phê. Thảo luôn ý thức bản thân phải cố gắng học hành để mang đến cuộc sống tốt hơn cho ba mẹ và bản thân. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh của Thảo học hết lớp 4 phải nghỉ học để phụ ba mẹ, Thảo và các em được ba mẹ tiếp tục tạo điều kiện đi học. Vì thế, cô càng trân trọng cơ hội này và luôn cố gắng nỗ lực trong học tập để không phụ lòng ba mẹ.

H’Thảo (giữa) là sinh viên chuyên ngành Quản trị Nhân sự, trường ĐH Văn Hiến (TP. HCM). (Ảnh: NVCC)

Bất ngờ gặp tai nạn giao thông vào năm lớp 3, dẫn đến khuyết tật một chân, cô bé 8 tuổi năm ấy vẫn nỗ lực không ngừng nghỉ để hoàn thành chương trình học các cấp, thi đỗ tốt nghiệp THPT và bước chân vào giảng đường đại học.

Vì nhà xa trường, ba mẹ lại không có thời gian nên suốt từ lớp 4 đến lớp 12, H’Thảo phải một mình đi bộ đến trường. Một mình đi bộ đến trường trong tình trạng khó khăn về cơ thể như vậy, nhưng Thảo chưa lúc nào muốn dừng lại từ bỏ, phó mặc cho số phận.

“Lúc xảy ra tai nạn, do chưa hiểu chuyện nên mình thấy bình thường. Sau hai tháng nằm viện và một tháng tĩnh dưỡng, thấy ở nhà chán quá nên mình đã đã xin bố mẹ cho đi học lại. Vì muốn đi học nên mình thấy phải chịu đựng vất vả là bình thường”, Thảo nói.

Nhiều lúc, thấy mệt quá, Thảo chỉ buồn một chút, rồi lại tiếp tục kiên trì. Cuộc trò chuyện với mẹ vào những lúc đó cũng khiến Thảo thức tỉnh và vực dậy tinh thần.

“Lúc đó, mình than mệt với mẹ, mẹ mới bảo: Đi học thôi mà cũng mệt hả? Câu nói đó đã làm mình sốc hết cả đêm nhưng sau khi suy nghĩ, mình cảm thấy bản thân được đi học đã may mắn lắm rồi, ba mẹ mình đi làm còn mệt hơn nên mình nghĩ phải cố gắng học để đỡ đần cho ba mẹ”, Thảo chia sẻ.

Không quản khó khăn vất vả, Thảo vẫn kiên trì đi bộ đến trường suốt 9 năm sau khi xảy ra tai nạn. (Ảnh: NVCC)

Đến năm lớp 12, Thảo áp lực chuyện học tập đến nỗi không nói chuyện với ba mẹ trong một tháng. Sau khi thi tốt nghiệp xong, Thảo mới thoải mái để chia sẻ với ba mẹ về những áp lực cô gặp phải trong thời gian ôn thi.

“Tôi luôn động viên Thảo cố gắng học, tôi và ba nó sẽ cố gắng lo cho nó. Thảo cố gắng lắm. Năm lớp 12, ôn thi, nó không ngủ được, 5h sáng đã dậy học bài, ngày nào nó cũng học mà không chịu nghỉ ngơi”, mẹ Thảo tâm sự về con gái.

Gia đình không khá giả, đông con, lại ở vùng sâu, vùng xa nên hơn ai hết, Thảo hiểu cảm giác của ba mẹ và anh mình vì khó khăn đã không thể tiếp tục đi học. Vì thế, dù hoàn cảnh có khó khăn, Thảo vẫn không ngừng cố gắng thi vào đại học để cho bản thân có nhiều cơ hội phát triển cũng như đủ năng lực đền đáp lại công ơn ba mẹ.

“Cho đến bây giờ, động lực để mình có thể bước chân vào cánh cửa đại học chính là gia đình. Ba mẹ đã tạo hết mọi điều kiện để mình có thể đến trường. Mình muốn đi học để có thể giải thoát gia đình khỏi sự nghèo khó và báo hiếu cho cha mẹ”, Thảo chia sẻ.

H’Thảo luôn nỗ lực học tập để bước chân vào giảng đường đại học và thay đổi số phận. (Ảnh: NVCC)

Được sự tư vấn của anh chị hàng xóm và định hướng từ ba mẹ, sau thời gian tìm hiểu, H’Thảo quyết định lựa chọn chuyên ngành Quản trị Nhân sự của trường ĐH Văn Hiến (TP. HCM). Môi trường đại học mở ra nhiều cơ hội cho cô sinh viên Đắk Nông, mà một trong đó là cơ hội gặp gỡ tiếp xúc với nhiều bạn bè. Sau khi lên đại học, con người Thảo thay đổi hoàn toàn. Từ một cô gái hướng nội, Thảo trở nên mạnh dạn, tự tin, được nhiều bạn bè yêu quý và khâm phục.

Mở lòng để đón nhận mọi thứ

“Người ta hay nói, lên đại học sẽ ít bạn bè nhưng mình lại có nhiều bạn bè hơn”, Thảo chia sẻ.

H’Thảo (ngoài cùng, bên trái) nhận học bổng do trường ĐH Văn Hiến cấp trong Ngày hội hiến máu 'Chủ nhật Đỏ', bởi thành học tập cao và nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. (Ảnh: NVCC)

Khoảng thời gian đầu bước vào môi trường đại học, Thảo cũng không dám bắt chuyện với các bạn. Nhưng giảng viên dạy nhập môn của cô đã chủ động làm quen, tạo cho cô sự tự tin, giúp Thảo dần hòa nhập được với mọi người, không còn tự ti về khiếm khuyết của bản thân nữa.

Chia sẻ về Thảo, cô Huỳnh Ánh Nga, giảng viên dạy nhập môn hết lòng khen ngợi: “Thảo là người nhiệt huyết, làm gì cũng hết lòng, hết sức, vô cùng chăm chỉ trong học tập”.

Còn với bạn bè, Thảo là một cô gái đầy nghị lực, thật thà, chịu khó và kiên nhẫn.

“Có lẽ, ấn tượng nhất thì phải nhắc đến cái ngày đầu tiên mình gặp Thảo ở môn chuyên ngành. Lúc đó, cả mình và bạn đều là những sinh viên năm thứ nhất đầy bỡ ngỡ, không hề quen biết ai trong lớp. Rồi bỗng buổi hôm đó, giảng viên đặt câu hỏi để tương tác với sinh viên, tất cả các bạn còn khá rụt rè nhưng Thảo thì khác, bạn ấy phát biểu tự tin lắm. Lúc ấy, mình nghĩ, tại sao bạn có thể nghị lực đến vậy. Bạn làm mọi việc một mình vẫn tốt, kể cả việc đi lại giữa các cơ sở để học. Bạn không tự ti về khuyết điểm của mình mà thay vào đó, mình thấy được bạn lấy đó làm động lực để vươn lên mỗi ngày”, Nguyễn Thị Thùy Vân, bạn cùng lớp H’Thảo kể lại.

“Đối với Thảo thì việc đi lại là khó khăn nhất. Mình học chung với bạn ấy chỉ một môn thôi. Môn này học rất xa chỗ bạn ấy ở, nhưng mình chưa bao giờ thấy bạn ấy nghỉ học buổi nào”, Nguyễn Thị Hồng Duyên, bạn của H’Thảo nói.

Lan Huỳnh

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/nghi-luc-vuot-kho-cua-nu-sinh-dan-toc-mnong-post1593537.tpo