Nghị lực phi thường của người đàn ông suốt đời phải treo chân trên dây
Nằm một chỗ, nặng chưa đến 30kg, cơ thể luôn co giật đến nỗi phải trói tay, treo chân nhưng anh Vũ Tất Thắng vẫn luôn nuôi ước mơ trở thành lập trình viên.
Clip: Ước mơ giản dị của người mẹ một đời chăm sóc con bị di chứng chất độc da cam
Hành trình gian khó của mẹ và con
Gần 44 năm trôi qua, cuộc sống của anh Vũ Tất Thắng (sinh năm 1976, khu 4, thị trấn Tiên Lãng, Tiên Lãng, Hải Phòng) chỉ quanh quẩn trong 4 bức tường. Di chứng chất độc da cam khiến cơ thể anh vẫn mãi như đứa trẻ tiểu học, nặng chưa đến 30kg, “đặt đâu nằm đấy”.
Vì cơ thể luôn co giật, chân tay teo tóp nên một bên chân của Thắng được treo vào sợi dây nối với trần nhà, một tay cũng được buộc lại. Người nhà sợ rằng nếu không làm thế, anh có thể bị gãy xương bất cứ lúc nào, bởi anh từng bị gãy bả vai do co giật.
Là mẹ và cũng là bạn tri kỉ của con, bà Lê Thị Thùy (sinh năm 1955) không quên được giây phút hạnh phúc khi đón đứa con trai đầu lòng ở tuổi 21.
Nhưng không giống những đứa trẻ khác, Thắng sinh ra với cơ thể tím bầm, không khóc, chỉ rên rỉ. Lớn hơn chút nữa, anh không biết lẫy, chân tay đập không đều, thường xuyên phải kê gối hai bên người để giữ nằm yên…
Vợ chồng bà Thùy đã đưa con đi khắp nơi chữa bệnh. Mọi hy vọng thực sự lụi tắt khi một bác sĩ ngoại quốc thông báo Thắng bị phơi nhiễm chất độc da cam. Ôm con trong lòng, bà Thùy khóc.
“Lúc Thắng 4 tuổi, vợ chồng tôi vẫn chưa biết con bị phơi nhiễm chất độc da cam, chỉ thấy con bệnh tật, ốm yếu nên nghĩ sinh thêm để sau về già có người chăm sóc. Rất may, hai người em của Thắng không bị sao”, bà Thùy kể.
Ngày đó, chồng thường xuyên lênh đênh trên biển, một mình bà Thùy tần tảo nuôi nấng các con. Nhưng dẫu can trường đến mấy, bà vẫn không giữ được gia đình toàn vẹn. Khi anh Thắng 18 tuổi, vợ chồng bà ly hôn. Một mình bà Thùy chăm sóc 3 con, đối diện với sự dị nghị của người đời vì có đứa con khuyết tật, vì bỏ chồng.
Khi Công ty Dệt thảm cói Tiên Lãng (Hải Phòng), nơi bà gắn bó nhiều năm, không còn việc làm, bà Thùy lại buôn bán rau quả kiếm tiền, mẹ con rau cháo có nhau. Có những ngày mẹ bận đi bán hàng, anh Thắng nằm nhà một mình, vệ sinh ra giường rồi chờ mẹ về tắm giặt, lau dọn sau.
Khoảng năm 2000, bà Thùy nghỉ theo chế độ công nhân mất sức lao động. Em trai, em gái của Thắng đã trưởng thành và yên bề gia thất nên người mẹ gần như quanh quẩn bên đứa con trai bệnh tật.
Mỗi tháng bà có gần 2 triệu đồng lương hưu và 1,5 triệu đồng trợ cấp của Thắng. Tiền ăn hàng ngày, tiền thuốc bệnh, thuốc bổ, thuốc ngủ cho con... đều trông vào đó. Họ hàng bên ngoại khó khăn nên cũng không thể giúp đỡ mẹ con bà được gì.
Khát vọng đẩy lùi tuyệt vọng
Cơ thể luôn co giật, đau đớn, nhất là những hôm trái gió, trở trời nên anh Thắng ngủ được rất ít, phải dùng thuốc ngủ. Con mất ngủ, mẹ cũng thao thức theo. Lúc Thắng đổ bệnh, người mẹ phải mời bác sĩ đến tận nhà vì việc đưa anh tới bệnh viện rất vất vả.
Chân tay đã vậy, Thắng còn gặp khó khăn trong việc phát âm. Dù chưa một ngày tới lớp nhưng qua những buổi học chung, chơi chung với các em họ, anh tự học được chữ và cách tính toán. Không thể cầm bút, anh nhìn và phát âm theo mặt chữ.
Không ít lần, Thắng nhờ các em tháo những chiếc đài nhỏ rồi lắp lại. Cứ thế, anh dần hiểu nguyên tắc kết nối của đầu dây điện, các bộ phận của đài. Bà Thùy từ chỗ nghĩ con nghịch ngợm cũng dần nhận ra Thắng có đầu óc thông minh, nhanh nhạy.
Ngoài mẹ, “người bạn” gần gũi duy nhất của Thắng là chiếc máy tính được một nhà hảo tâm tặng năm 2014. Từ đó, như bước chân vào một thế giới mới, anh học thêm ngoại ngữ qua internet, kết giao bạn bè cùng hoàn cảnh trên khắp mọi miền để sẻ chia, tâm sự, học hỏi.
Bằng sự nhạy bén đặc biệt với máy tính, anh không mất nhiều thời gian khám phá những ngóc ngách đầy màu sắc của thế giới công nghệ và dần nuôi dưỡng trong mình giấc mơ trở thành lập trình viên.
Từng có những người làm nghề máy tính phải đến hỏi anh những thứ liên quan tới máy móc. Công tắc ở đầu giường cũng do anh tự chế rồi nhờ người lắp đặt để tiện nhất cho mình.
Nhìn con nói về máy tính với niềm say mê không bao giờ dứt, với những câu kém rành rọt và mẹ phải phiên dịch lại, đôi mắt bà Thùy đỏ hoe. Cũng muốn xin việc liên quan đến máy tính cho con nhưng vì cơ thể Thắng liên tục co giật nên ước mơ ấy, bà đành chôn chặt trong lòng.
Vũ Tất Thắng vẫn luôn nói với mọi người, anh là người hạnh phúc vì có mẹ ở bên. Những lúc thấy mẹ lau nước mắt, anh biết mẹ đang rất buồn. Mẹ ốm nhưng vẫn phải trở dậy nấu cơm, giúp mọi sinh hoạt nên anh thường pha trò bằng những câu chuyện hài, hay dùng chính nghị lực sống, sự lạc quan của mình để mẹ vui vẻ.
12h trưa, bà Thùy cho anh Thắng ăn cơm. Tháo chân con khỏi giá treo bằng dây rồi lật con theo chiều ngược lại, bà Thùy cười bảo, mấy chục năm làm động tác này, giờ bà thành thục lắm rồi.
Khi được hỏi về chuyến đi xa nhất của con, bà Thùy nhớ, ngoài những lần đi chữa bệnh, lần đầu tiên Thắng được đi chơi là đầu năm 2018, ở Ninh Bình. Nhìn con cười, trong lòng bà nhen nhóm niềm hạnh phúc.
Có những lúc bất lực trước cuộc sống, bà Thùy từng muốn từ bỏ cuộc đời. Ý nghĩ ấy chỉ chợt lóe lên rồi lại vụt tắt khi bà thấy con đang cố gắng điều khiển bàn phím để tìm hiểu thế giới công nghệ.
Tuy vậy, hiện thực khắc nghiệt vẫn luôn hiển hiện. “Sau này nếu tôi nhắm mắt xuôi tay trước, không biết ai sẽ là người chăm sóc con. Vì vậy, tôi chỉ mong sao mình có sức khỏe”, người mẹ chia sẻ.
Bà cũng ước xây được gian phòng nhỏ ở sau nhà, gần nhà vệ sinh, nhà tắm để tiện chăm sóc anh Thắng trong những sinh hoạt cá nhân.
Thông tin với PV VTC News, bà Nguyễn Thị Sáu - Trưởng khu 4, thị trấn Tiên Lãng - cho hay, cuộc sống của mẹ con bà Thùy rất vất vả. Hiện, bà Thùy chỉ ở nhà chăm sóc anh Thắng.
"Chúng tôi tới chơi, muốn thay quần áo cho cháu Thắng cũng không làm được vì cơ thể cháu co quắp, chỉ mình chị Thùy quen việc nên làm được điều đó. Mỗi khi ra ngoài chơi, cháu Thắng ngồi xe lăn để mẹ đẩy, hai chân phải buộc vào hai bên thành xe để cháu không bị co giật" - bà Sáu nói và cho biết địa phương có kêu gọi giúp đỡ gia đình Thắng.
Điều đặc biệt là, tuy “lá rách” đến vậy nhưng mẹ con bà Thùy vẫn đùm những “lá rách hơn” bằng những tin nhắn ủng hộ trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh.
Mọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm xin gửi về địa chỉ:
Bà Lê Thị Thùy - khu 4, thị trấn Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng
ĐT: 0904400429