Nghi đánh tráo tranh bảo vật quốc gia: Bảo tàng chứng minh

Trước nghi vấn bức tranh Vườn xuân Trung Nam Bắc bị đánh tráo, Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM khẳng định việc này không bao giờ có thể xảy ra.

Liên quan tới sự việc bức tranh bảo vật quốc gia Vườn xuân Trung Nam Bắc bị hư hỏng nặng sau quá trình vệ sinh, trong dư luận xuất hiện ý kiến nghi vấn về việc liệu bức tranh bảo vật có đang bị đánh tráo?

Chiều 9/5, trao đổi với PV, ông Trịnh Xuân Yên - Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM khẳng định, công tác giám sát được thực hiện rất chặt chẽ. "Việc đánh tráo bức tranh không bao giờ có thể xảy ra trong Bảo tàng. Tôi khẳng định 100%", ông Yên nói.

Ông Yên phân tích: "Bức tranh Vườn xuân Trung Nam Bắc được vệ sinh tại chỗ, không di chuyển ra khỏi khu vực để tranh. Trong quá trình thực hiện đều xây dựng quy trình, có công tác theo dõi hàng ngày của phòng kiểm kê bảo quản, thực hiện các nguyên tắc bảo quản, có quay phim, chụp hình. Nói về việc đánh tráo thì không thể có chuyện đó.

Hơn nữa công tác vệ sinh bức tranh thực hiện tại phòng đó, có camera, rồi tất cả các vấn đề an ninh khác. Ý kiến chỉ võ đoán thôi, không thể có chuyện đánh tráo".

Ngoài ra, theo ông Yên, Cục Mỹ thuật - nhiếp ảnh và triển lãm, Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL) cũng đã kiểm tra, đánh giá bức tranh. Vì vậy, ông cho rằng không thể có bức thứ 2 hoành tránh như vậy để đánh tráo.

Xuất hiện nghi vấn về việc bức tranh Vườn xuân Trung Nam Bắc bị đánh tráo. Ảnh: Tiền Phong

Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ Thuật TP.HCM nhấn mạnh thêm: "Bảo tàng cũng đã thành lập 4-5 hội đồng để đánh giá thực chất về vấn đề này, không phải đến bây giờ Bộ vào kiểm tra mới đánh giá về bức tranh".

Ông Yên chia sẻ thêm, bức tranh Vườn xuân Trung Nam Bắc đã xuất hiện tại đây gần 20 năm qua, trưng bày sát mép tường nên độ ẩm phần bên trong không theo dõi được, dẫn đến việc bên trong bị mối mọt. Do đó, bức tranh bảo vật được vệ sinh. Nghệ nhân không cẩn thận nên quá tay, làm ảnh hưởng đến bức tranh.

"Công tác vệ sinh cũng phải thực hiện theo quy trình của Bảo tàng. Trong quá trình làm, bộ phận thi công cũng có những lý do của họ nhưng lý do đó không xác đáng. Lý do nhận thức là quan trọng nhất", ông Yên thông tin.

Ông Yên nói thêm trước việc một số thông tin dùng từ "thợ sơn" vệ sinh bức tranh bảo vật. Ông cho rằng khi dùng từ "thợ sơn" sẽ dễ khiến nhiều người liên tưởng đến ý nghĩa khác. Tuy nhiên, người được Bảo tàng lựa chọn vệ sinh bức tranh cũng là một họa sĩ, nghệ nhân có nhiều kinh nghiệm.

"Ông đã từng thực hiện cho nhiều họa sĩ nổi tiếng về tranh sơn mài. Vấn đề quan trọng nhất là ông không hiểu quy trình. Người theo dõi lại mất cảnh giác, không theo dõi kĩ trong quá trình vệ sinh bức tranh", ông Yên phân tích.

Vị lãnh đạo Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM bày tỏ, điều quan trọng nhất là làm sao khôi phục lại được, đưa bức tranh về trạng thái tốt nhất.

"Chúng tôi cũng có một hướng, là ý kiến chung của các thành viên hội đồng thẩm định đưa ra đó là mời họa sĩ Nguyễn Xuân Việt. Ông là học trò của cụ Nguyễn Gia Trí, đồng thời là người thực hiện bức tranh này. Thời điểm cụ Trí thực hiện bức tranh thì ông Việt là người trực tiếp.

Chúng tôi tin tưởng rằng đánh giá của ông, nhìn nhận của ông về nguyên tắc, phương pháp thực hiện đủ năng lực nhất. Bức tranh sẽ chỉ bị mất đi một phần rất nhỏ.

Vốn việc để 20-30 năm bức tranh bị ô xi hóa cũng đã xuống cấp đi một phần. Hy vọng rằng bằng giải pháp phục chế tốt nhất để đưa nó về tính nguyên gốc của nó. Khi mà động vào thì chắc chắn là đã bị ảnh hưởng", ông Yên chia sẻ về hướng thực hiện.

Tuy nhiên, ông Yên cho rằng, hiện này theo ý kiến của Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm việc phục hồi bức tranh phải có quy trình. Phải thành lập hội đồng và trong khoảng thời gian 6-7 tháng trở lên mới hoàn thành thủ tục.

Bây giờ tôi đang chờ ý kiến chỉ đạo chính thức của Bộ Văn hóa. Sau đó, Bảo tàng mới tiến hành hoàn tất cả các khâu liên quan đến việc phục chế bảo vật quốc gia.

Hoàng Trang

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/nghi-danh-trao-tranh-bao-vat-quoc-gia-bao-tang-chung-minh-3379771/