Nghêu chết hàng loạt tại Bến Tre
Tại Bến Tre, từ hơn một tháng nay, các Hợp tác xã thủy sản Tân Thủy và An Thủy (huyện Ba Tri), Hợp tác xã Thủy sản Rạng Đông (huyện Bình Đại) và Hợp tác xã Thủy sản Thạnh Lợi (huyện Thạnh Phú) xảy ra tình trạng nghêu chết hàng loạt với diện tích thiệt hại hàng trăm ha.
Theo ông Phạm Hoàng Dân, Gám đốc Hợp tác xã Thủy sản Rạng Đông, xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, nếu như vào ngày 15/1, diện tích nghêu chết khoảng 25 ha, thì đến hôm nay, diện tích nghêu chết đã tăng lên với 70 ha; trong đó, tại khu vực Cồn Chày Mười đã có 30 ha nghêu chết, chủ yếu là nghêu thương phẩm kích cỡ 30 - 40 con/kg, nghêu chết với tỷ lệ cao 80%, mật độ 1,8kg/m2. Riêng ở khu vực Chốt Hạ Long đến khu vực Tiểu Long, nghêu kích cỡ từ 40 - 80 con/kg vẫn tiếp tục chết với tỷ lệ 99%...
Ông Phạm Hoàng Dân cho biết, nghêu chết vào thời điểm hợp tác xã chuẩn bị thu hoạch, ngoài các diện tích nghêu chết không thu hoạch được thì các diện tích nghêu còn lại cũng không thể thu hoạch do ảnh hưởng chung, thương lái không thu mua, ước tổng thiệt hại khoảng 50 tỷ đồng.
Tại huyện Ba Tri, nghêu của Hợp tác xã Thủy sản An Thủy bắt đầu chết nhiều từ ngày 20/1 đến nay vẫn còn chết rải rác toàn bộ khu vực 270 ha, trọng lượng khoảng 80 - 90 con/ký, tỷ lệ thiệt hại khoảng 30% (khoảng 150 tấn). Tại Hợp tác xã Thủy sản Tân Thủy, diện tích nghêu chết khoảng 119 ha, tỷ lệ chết khoảng 60%; tại Hợp tác xã Thủy sản Bảo Thuận nghêu chết khoảng 43% - 60%.
Theo nhận định ban đầu của các hợp tác xã thì nghêu chết là do môi trường nước, chủ yếu độ mặn tăng cao và chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm cao.
Trước tình hình nghêu chết hàng loạt, gây thiệt hại nặng nề cho các hợp tác xã, Chi cục Thủy sản tỉnh Bến Tre phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 2 khảo sát nắm tình hình nghêu chết và thu mẫu gửi Chi cục Thú y vùng 6 xét nghiệm tìm hiểu nguyên nhân.
Chi cục Thú y vùng 6 đã có kết quả xét nghiệm trên mẫu nghêu chết tại Hợp tác xã Thủy sản Rạng Đông. Theo đó, không phát hiện ký sinh trùng Perkinsus. Tuy nhiên, các chỉ tiêu trong môi trường nước như: amoni, chất rắn lơ lửng, sắt, thủy ngân, mangan, kẽm trong các mẫu xét nghiệm có giá trị vượt ngưỡng cho phép.
Chi cục Thú y vùng 6 nhận định bãi nghêu chết nhiều, đồng loạt và diện tích rộng trong thời gian ngắn, nguyên nhân chính có thể do ô nhiễm môi trường nước nuôi nghêu, sau đó tạo điều kiện cho các vi khuẩn cơ hội xâm nhập và phát triển làm giảm sức đề kháng trên nghêu.
Vì vậy, Chi cục Thú y vùng 6 đề nghị Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bến Tre khuyến cáo Hợp tác xã Rạng Đông tạm ngưng thả giống ở những nơi vừa xảy ra dịch, đồng thời thu gom nghêu chết nhằm hạn chế ô nhiễm bãi nuôi, khuyến cáo hợp tác xã nuôi mật độ không quá dày trong thời gian tới.
Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bến Tre cần phối hợp với các cơ quan địa phương liên quan tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý các nguồn nước thải của các trại nuôi tôm công nghệ cao tiếp xúc trực tiếp với bãi nghêu nhằm tìm ra nguyên nhân hàm lượng amoni, sắt, thủy ngân, mangan, kẽm trong nước có hàm lượng vượt ngưỡng cho phép để có biện pháp khắc phục kịp thời, nhằm tránh thiệt hại cho hợp tác xã nuôi nghêu.
Các mẫu bệnh phẩm nghêu chết của các hợp tác xã còn lại vẫn đang chờ kết quả xét nghiệm từ Chi cục Thú y vùng 6.
Ông Huỳnh Văn Cung, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bến Tre cho biết, đoàn khảo sát cũng hướng dẫn các hợp tác xã thường xuyên kiểm tra tình hình phát triển của nghêu nuôi; phân công cán bộ đo đạc các yếu tố môi trường hằng ngày như: độ mặn, nhiệt độ, pH... và ghi vào sổ nhật ký để theo dõi nhằm phát hiện các biến động bất lợi ảnh hưởng đến sức khỏe của nghêu nuôi để có giải pháp quản lý phù hợp.
Ngoài ra, đoàn khảo sát cũng khuyến cáo các hợp tác xã tập trung thu hoạch toàn bộ số lượng nghêu thịt đạt kích cỡ thương phẩm nhằm giảm tỷ lệ thiệt hại trong thời gian tới.