Nghe tuồng cổ trên đất Kim Sơn

Ở các làng quê hiện nay, rất ít nơi còn duy trì được nghệ thuật tuồng cổ. Tuy nhiên, tại làng Kim Sơn (xã Hoằng Kim, Hoằng Hóa) tuồng cổ vẫn được xem là 'đặc sản' văn hóa làng.

Ông Nguyễn Văn Long, một trong những người có công gây dựng lại đội tuồng Kim Sơn. Ảnh: Vân Anh

Bà Nguyễn Thị Miên, Chủ nhiệm CLB hát tuồng và trống hội Kim Sơn tự hào khẳng định: “Ở Thanh Hóa còn rất hiếm làng quê giữ được nghệ thuật tuồng như chúng tôi và cũng hiếm nơi nào người dân lại yêu tuồng như ở Kim Sơn. Bởi lẽ, tuồng cổ là một nét văn hóa đặc sắc của làng Kim Sơn”.

Theo các cụ cao niên, không ai biết tuồng cổ xuất hiện ở làng từ khi nào. Trước kia, cùng với gánh chèo làng Phượng Mao (xã Hoằng Phượng), gánh tuồng làng Kim Sơn được nhiều người biết đến. Gánh tuồng đi đến đâu người dân hồ hởi đón xem đến đó. Từ sân khấu lớn cho đến sân làng... gánh tuồng Kim Sơn đều góp mặt và để lại tiếng tăm, dấu ấn đậm nét trong lòng khán thính giả mê loại hình nghệ thuật dân gian này. Có lẽ, do khí hậu và thổ nhưỡng mà người dân nơi đây có âm giọng Thổ rất đặc trưng (giọng phù hợp với hát tuồng). Xưa kia, dân làng Kim Sơn ai cũng có thể hát và thuộc một tích tuồng cổ. Xã có 4 làng gồm Kim Sơn, Mi Du, Nghĩa Trang và Nghĩa Phú, làng nào cũng có gánh tuồng riêng nhưng nổi tiếng nhất vẫn là gánh tuồng Kim Sơn. Các diễn viên thời đó không qua trường lớp đào tạo, mà chủ yếu từ tình yêu, lòng đam mê, rồi đi theo các bậc tiền bối “học lỏm”. Nhưng họ diễn rất chuẩn mực và vẫn luôn giữ được “khuôn vàng thước ngọc” của các cụ xưa.

Cũng như bao loại hình nghệ thuật dân gian khác, nghệ thuật tuồng đã trải qua những thăng trầm, biến thiên của thời gian. Đã có giai đoạn tuồng bị lãng quên, các gánh tuồng giải tán, trang phục, đạo cụ phủ một lớp bụi. Khi có chính sách của Nhà nước về việc khôi phục, bảo tồn các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống thì nghệ nhân dân gian xưa, những người một thời gắn bó “kép đen”, “kép đỏ”... một lần nữa đã làm sống lại tuồng Kim Sơn.

Ông Nguyễn Văn Long là một trong những người có công gây dựng, vực dậy nghề hát tuồng truyền thống. Sinh ra và lớn lên giữa đất tuồng, tình yêu và lòng đam mê ngấm chảy vào ông. Khi có chủ trương khôi phục, ông là người đầu tiên đứng ra vận động thành lập đội hát tuồng của xã. “Năm 1986, đội tuồng của xã được thành lập lại, việc vận động mọi người tham gia không khó. Cái khó là việc mua sắm trang phục, đạo cụ tốn nhiều tiền trong khi hoàn cảnh kinh tế ai cũng khó khăn”, ông Long cho biết. Nhưng “cái khó” nhanh chóng được giải quyết khi người dân xã Hoằng Kim nói chung và dân làng Kim Sơn nói riêng từ lâu đã khát khao được xem và nghe lại tuồng. Theo đó, người dân đồng lòng giúp đỡ đội tuồng xây dựng sân khấu trên đình làng xưa, góp tiền mua sắm trang phục hoặc tự chế dụng cụ biểu diễn.

Thông tin đội tuồng Kim Sơn “tái xuất” lan rộng khắp nơi trong xã và cả địa phương khác, những người yêu mến tuồng đã chờ khoảnh khắc này lâu lắm rồi. Ngay khi ánh sáng chiều vừa tắt, già trẻ, gái trai nô nức kéo nhau ra đình làng xưa, chỉ ít phút sau sân đình phủ kín người. Không khí sôi nổi và chân thành làm nên niềm ngạc nhiên đầy phấn khởi cho đội diễn. Họ xem, yêu, ghét nhân vật, bình luận sôi nổi về những tích tuồng, về đội tuồng làng Kim Sơn xưa với niềm tự hào khôn xiết.

"Đêm đó, đội chọn diễn vở “Sơn Hậu” - một trong những vở kinh điển của tuồng cổ dân gian, với nhiều trích đoạn nổi tiếng như “Khương Linh Tá thử Lê Tử Trình”, “Kim Lân qua đèo”, “Ôn Đình Chém Tá”... Khi bước lên sân khấu, cảm giác như được trở lại thời vàng son của làng Kim Sơn xưa nên mỗi cử chỉ, động tác, bước chân của diễn viên đều theo bộ, ăn khớp với lời hát, đưa khán giả cuốn vào không gian kịch. Vở diễn thành công ngoài mong đợi, đội chúng tôi được người dân cho nhiều tiền thưởng. Với diễn viên tuồng thì “trăm đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng”, tiền thưởng giữa sân đình khiến chúng tôi vui sướng và tự hào vô cùng”, là những tâm sự vui vẻ của ông Long. Việc trở lại của đội tuồng Kim Sơn thực sự là một sự kiện lớn của làng, không ai có thể quên.

Theo các nghệ nhân dân gian ở đội tuồng Kim Sơn: Trong các bộ môn ca kịch thì tuồng là khó nhất. Người diễn tuồng có thể đi đóng cải lương, chèo nhưng để những “nghệ sĩ” bộ môn khác hát tuồng là rất khó. Mỗi lời nói, cử chỉ, động tác, mỗi bước chân đi đều phải theo bộ, có bộ mới ra tuồng. Diễn viên luôn phải nhìn theo hướng tay vung ra thì mới “khôn tuồng”. Từng điệu bộ, thao tác diễn tuồng cũng rất khó để thể hiện. Đơn cử như động tác vuốt râu, chèo cây, múa kiếm, chèo đò, cưỡi ngựa... đòi hỏi diễn viên phải thể hiện thật giống, để câu hát, dáng vẻ điệu bộ và cả hành động phải ăn khớp, phù hợp, khán giả xem mới không thấy sự “vô duyên” trong cách diễn. Đôi khi chỉ một động tác thôi cũng phải tập đi tập lại rất nhiều ngày.

Không nhiều người biết đằng sau cái “mặt nạ” tầng tầng lớp lớp phấn son, mũ áo kia lại chính là những người nông dân hiền hậu, chất phác quanh năm với ruộng vườn. Trong đời thường họ là những nông dân chăm chỉ, lam lũ nhưng khi bước lên sân khấu các “nghệ sĩ chân đất” đã hóa thân vào các nhân vật lịch sử một cách chuyên nghiệp.

Năm 2013, xã thành lập CLB tuồng và trống hội Kim Sơn. Hiện CLB phát triển với 30 thành viên là những người yêu và nhiệt huyết trong việc giữ gìn nghệ thuật tuồng.

Ngày nay, tuồng chỉ được biểu diễn vào những dịp đặc biệt của làng như lễ, tết, kỷ niệm sự kiện trọng đại của quê hương, đất nước, khánh thành công trình lớn của cộng đồng... Tuy vậy, chỉ những người lớn tuổi hào hứng, còn người trẻ thì không mấy ai quan tâm. Đây cũng chính là nỗi lo lắng lớn nhất của ông Long, bà Miên và các nghệ nhân dân gian khi việc truyền dạy gặp nhiều khó khăn.

Vân Anh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/dat-va-nguoi/nghe-tuong-co-tren-dat-kim-son/195095.htm