Nghệ thuật thư giãn bằng âm thanh 'lên ngôi' giữa áp lực cuộc sống hiện đại

Tiếng lật sách sột soạt, cơn mưa đêm rì rào ngoài hiên... những âm thanh tưởng chừng đơn giản ấy lại có sức mạnh đưa người nghe vào giấc ngủ sâu. Những 'người ru ngủ' này, với các livestream thu hút hàng trăm ngàn lượt xem, đang tạo nên một trào lưu 'chữa lành' mới của giới trẻ.

ASMR - Xu hướng "chữa lành" mới của người trẻ

ASMR - viết tắt của Autonomous Sensory Meridian Response (tạm dịch: phản ứng cực khoái độc lập của giác quan) là hiện tượng một số người cảm thấy thư giãn khi nghe những âm thanh nhẹ nhàng, đều đặn như tiếng thì thầm, tiếng gõ phím hay tiếng mưa rơi. Cảm giác rùng mình nhẹ nhàng lan tỏa khắp cơ thể, giúp người nghe dễ dàng thả lỏng và thậm chí chìm vào giấc ngủ sâu. Nhiều video ASMR trên YouTube đã đạt hàng triệu lượt xem, như kênh “ASMR Darling” hay “Gibi ASMR”, nơi các nghệ sĩ ASMR tạo ra các âm thanh như tiếng lật trang sách, tiếng chải tóc hay tiếng thì thầm vào micro để kích thích cảm giác thư giãn cho người nghe.

Nghề sáng tạo nội dung ASMR hiện nay đang trở thành xu hướng mới đầy hứa hẹn, thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ Việt Nam. Với khả năng tiếp cận hàng triệu lượt xem và theo dõi, các nhà sáng tạo nội dung âm thanh “ru ngủ” không chỉ có cơ hội kiếm được thu nhập ổn định từ quảng cáo và tài trợ mà còn mở ra những cánh cửa mới cho việc kinh doanh các sản phẩm liên quan.

Bạn Ngọc Minh, biệt danh Nga Chan (27 tuổi, TP HCM) đã “bén duyên” với công việc sáng tạo âm thanh ASMR được 6 năm. Khi còn là sinh viên năm ba, Minh bị mất ngủ triền miên do thói quen thức khuya học bài cũng như làm thêm. Vô tình xem được những video về ASMR, như tiếng nhai, nuốt khi ăn đồ ăn chiên giòn (mukbang ASMR), tiếng cọ tai (ear cleaning, ear massage) khiến cô bị "nghiện" đêm nào cũng xem. Minh nói có cảm giác như được massage toàn thân nhờ tác động của âm thanh.

Ngọc Minh tạo âm thanh ASMR trên các phiên livestream để giúp người xem ngủ ngon. (Ảnh: NVCC)

Ngọc Minh tạo âm thanh ASMR trên các phiên livestream để giúp người xem ngủ ngon. (Ảnh: NVCC)

Ngọc Minh chia sẻ rằng khán giả của mình thường bị thu hút bởi những âm thanh mô phỏng tự nhiên như gió, mưa, hay những âm thanh nhẹ nhàng, đều đặn. Để tạo ra trải nghiệm ASMR thật sự thư giãn, Minh chú trọng đến việc tạo ra không gian âm thanh hoàn hảo.

“Các âm thanh không chỉ đa dạng mà còn phải được sắp xếp một cách tỉ mỉ, tạo nên nhịp điệu đều đặn, êm ái. Nếu không, người nghe dễ cảm thấy khó chịu và không đạt được hiệu quả thư giãn mong muốn”, Minh cho biết.

Để đảm bảo chất lượng âm thanh tốt nhất, Minh đã không ít lần chuyển nhà để tìm một nơi ở thật yên tĩnh. Ngoài ra, cô nàng cũng rất chú trọng đến việc lựa chọn thời điểm livestream: "Mình thường livestream sau 23h, khi mà nhiều người gặp khó khăn trong việc chìm vào giấc ngủ. Mình muốn tạo ra một không gian yên bình giúp họ thư giãn và dễ dàng đi vào giấc ngủ", Minh tâm sự.

Tương tự Minh, Phạm Anh Thư (21 tuổi, Hà Nội) xây dựng kênh Youtube về ASMR được 1 năm nay và thu hút gần 200 nghìn lượt đăng kí. Các video trên kênh của Thư chủ yếu tập trung vào nghệ thuật làm sạch tai, sử dụng những dụng cụ như tăm bông, ear pick, bàn chải lông vũ để tái hiện quá trình chăm sóc tai một cách chân thực nhất. Với sự khéo léo, Thư tái tạo những âm thanh độc đáo kích thích thính giác, giúp người xem trải nghiệm cảm giác thư giãn sâu lắng.

Những clip ASMR thu hút hàng triệu, chục triệu lượt xem trên nền tảng Youtube (Ảnh màn hình).

Những clip ASMR thu hút hàng triệu, chục triệu lượt xem trên nền tảng Youtube (Ảnh màn hình).

Thư chia sẻ, ASMR có vô số loại âm thanh khác nhau, từ tiếng động cơ trực thăng, tiếng bong bóng xà phòng nổ, đến tiếng kim châm cứu. Những âm thanh này, khi được sử dụng đúng cách, có thể mang lại cảm giác khoái cảm ngắn hạn cho giác quan và cơ thể, giúp người nghe dễ dàng chìm vào giấc ngủ, giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi.

Cơ chế hoạt động của ASMR liên quan đến hệ thần kinh cảm giác, đặc biệt là vùng thùy đỉnh của não bộ, nơi xử lý các thông tin cảm giác từ khắp cơ thể. Khi nghe âm thanh ASMR, hệ thần kinh này sẽ hoạt động tích cực, tạo ra những phản ứng sinh lý đặc trưng như cảm giác rùng mình nhẹ nhàng dọc sống lưng. Khi xem video ASMR, tế bào thần kinh phản chiếu tái tạo lại trải nghiệm đó trong tâm trí, mang lại cảm giác như thể bạn đang thực hiện hoặc trải qua hành động đó.

Nguyễn Thu Trang, (22 tuổi, Hà Nam) trở thành một tín đồ của ASMR từ hơn hai năm nay. Công việc văn phòng đầy áp lực khiến Trang thường xuyên cảm thấy căng thẳng. Một đêm không ngủ được, Trang tình cờ tìm thấy một video ASMR và ngay lập tức bị cuốn hút bởi những âm thanh nhẹ nhàng, thư thái. Từ đó, việc nghe ASMR trở thành thói quen không thể thiếu mỗi tối của cô nàng. Chỉ vài phút đắm mình trong những âm thanh ấy, Trang đã cảm thấy cơ thể thư giãn hoàn toàn và dễ dàng chìm vào giấc ngủ sâu.

Với Trang, việc nghe ASMR không chỉ là một sở thích mà còn là một phần quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe tinh thần. Trang chia sẻ: "ASMR với những âm thanh tự nhiên như tiếng mưa, tiếng sóng biển mang đến cho mình cảm giác thư thái và kết nối sâu sắc với thiên nhiên".

Lựa chọn an toàn, dễ thực hiện để giảm stress

Theo chuyên gia Nguyễn Mạnh Tuấn, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, việc xem ASMR có thể giúp chúng ta dễ đi vào giấc ngủ nhờ cơ chế giải phóng endorphin - một loại hormone mang lại cảm giác thư thái và giảm căng thẳng.

ASMR còn hỗ trợ cơ thể thư giãn tối đa với nhịp tim và huyết áp ổn định. Bên cạnh đó, những cử chỉ nhẹ nhàng và ánh sáng dịu mắt trong các video ASMR cũng góp phần tạo nên trạng thái thư thái, dễ dàng đưa người xem vào giấc ngủ.

ASMR giúp hỗ trợ cơ thể thư giãn tối đa với nhịp tim và huyết áp ổn định. (Ảnh minh họa bởi AI)

ASMR giúp hỗ trợ cơ thể thư giãn tối đa với nhịp tim và huyết áp ổn định. (Ảnh minh họa bởi AI)

Ông cho rằng ASMR là lựa chọn an toàn và dễ thực hiện để cải thiện giấc ngủ. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả tối ưu, việc kết hợp ASMR với các phương pháp khác như điều chỉnh thói quen sinh hoạt, tạo môi trường ngủ lý tưởng và áp dụng các kỹ thuật thư giãn là rất cần thiết.

Tuy nhiên, chuyên gia khuyến cáo rằng việc lạm dụng ASMR để hỗ trợ giấc ngủ có thể dẫn đến tình trạng phụ thuộc, gây khó khăn khi không sử dụng. Điều này có thể làm giảm khả năng tự điều chỉnh giấc ngủ tự nhiên của cơ thể. Đồng thời, ông cho rằng có thể tạm thời xem ASMR là một biện pháp tương đối an toàn cho người mất ngủ, khó ngủ vì nó không gây hại sức khỏe và dễ sử dụng.

Hiếu Nguyễn

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/nghe-thuat-thu-gian-bang-am-thanh-len-ngoi-giua-ap-luc-cuoc-song-hien-dai-post1666350.tpo