Nghệ sĩ Nhân dân Thúy Ngần: Muốn vai diễn thành công phải nghiên cứu kỹ về nhân vật
Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Thúy Ngần sinh ra trong một gia đình có cha là nghệ nhân Vũ Quang Trình ở đất chèo Ninh Bình. Nhắc đến chị là nhắc đến những vai diễn để đời như Súy Vân trong vở 'Kim Nham', Tấm trong 'Tấm Cám', Lụa trong 'Từ Thức', cô Bến trong 'Vua Chổm'...
Ngoài hát chèo, chị còn làm công tác giảng dạy tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, tham gia biểu diễn trong nhóm Đông Kinh cổ nhạc. Đối với chị, khi đã bước chân vào con đường nghệ thuật, người nghệ sĩ phải nắm chắc kỹ năng biểu diễn và chuyên tâm với nghề.
- Thưa NSND Thúy Ngần, đến bây giờ đã có thể khẳng định chèo đối với chị là duyên nghiệp. Đạo diễn, NSND Trần Bảng từng khen chị: “Chưa diễn thì đã thấy trúng 50% rồi”!
- Tôi sinh ra tại một vùng quê tỉnh Ninh Bình. Từ nhỏ, các điệu hát chèo đã thấm vào mình từ bao giờ không biết. Vì thế, khi được học hát chèo, tôi gần như không gặp khó khăn gì. Tôi học chèo chuyên nghiệp khóa 1979 - 1983, rất may mắn được học những bậc thầy như cô Diệu Hương, thầy Trần Bảng, thầy Chu Văn Thức, thầy Năm Ngũ... Tôi biểu diễn ở rất nhiều nơi, ngày càng say mê nghệ thuật truyền thống. Tôi từng diễn với dàn nhạc của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, biết âm nhạc phương Tây là như thế nào. Từ đó tôi mới thấy rằng âm nhạc truyền thống của chúng ta rất sâu lắng.
- Có vai diễn nào đối với chị là thử thách đặc biệt?
- Tôi có lợi thế khi vào các vai chính diện, vai những người phụ nữ của làng quê thời phong kiến với nhiều khúc mắc, oan trái. Khó nhất là vai Súy Vân, đòi hỏi người diễn viên tương đối hoàn hảo, không chỉ dùng giọng hát mà còn cả ngôn ngữ hình thể. Tôi có lợi thế về dáng vóc, khí chất của người phụ nữ nông thôn, và mái tóc dài gần đến gót chân để khi vấn lên hay xõa ra đều thể hiện được hình ảnh người phụ nữ Việt Nam. Khi vào vai, tôi phải nghiên cứu về người phụ nữ ngày xưa như thế nào. Mình có phẫn nộ, có đấu tranh nhưng phải có mức độ, làm sao vẫn giữ được công - dung - ngôn - hạnh. Có một nhà báo nhận xét: “Xem Thúy Ngần diễn Súy Vân thì có một nét rất thương chứ không đáng sợ”.
- Sau bao nhiêu năm là diễn viên của Nhà hát Chèo Việt Nam, năm 2004 chị chuyển sang giảng dạy tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, khoa Kịch hát dân tộc. Vì sao chị lại rời ánh đèn sân khấu?
- Khi chia tay sân khấu thì tôi nhớ lắm. Nhưng tôi đã quyết định trở thành giảng viên, vì tôi là một trong số những học viên hiểu kỹ càng về truyền thống. Tôi cũng đi học thêm về đạo diễn, trang bị lý luận cho mình để lý giải tốt hơn về giá trị của nghệ thuật truyền thống.
- Là một người gắn bó lâu năm với nghệ thuật chèo, quan niệm của chị như thế nào là “hiểu kỹ càng về truyền thống”?
- Đối với tôi, nắm chắc nghệ thuật truyền thống đồng nghĩa với việc không pha tạp. Khi hát xẩm tôi sẽ hát với chất khác, hát văn là chất khác và hát chèo là chất khác. Nếu nắm vững kỹ thuật thì ta sẽ không bao giờ bị lẫn lộn. Khán giả bây giờ tinh lắm, ai hát sai là người ta nhận ra ngay. Nếu như hát xẩm giống như câu chuyện kể thì chèo đòi hỏi sự trong trẻo, hát đúng tính cách nhân vật. Người diễn viên chèo muốn hát hay thì đầu tiên phải hát đúng tính cách nhân vật. Người diễn viên thành công chính là người nghiên cứu kỹ về nhân vật.
Mặc dù chèo mang tính ước lệ, động tác chèo là khoa trương nhưng phải có sự chân thực, tuyệt đối không mượn kỹ xảo vì nếu giả quá thì khán giả sẽ không đón nhận. Bên cạnh đó, mình cần chú ý từng tý, từ câu nói khi ra sân khấu phải như thế nào. Phải luôn tôn trọng khán giả. Trong cách ăn mặc cũng vậy, nếu hôm nay đóng vai Tiểu Kính mà tay vẫn còn đeo nhẫn thì tôi thấy xấu hổ lắm.
- Làm việc với những người trẻ, chị thấy tình yêu của họ dành cho nghệ thuật truyền thống nói chung, nghệ thuật chèo nói riêng như thế nào?
- Một khi những người trẻ đam mê nghệ thuật truyền thống thì họ rất chuẩn mực. Họ có nhiều lợi thế để nắm bắt thông tin, có thể đào sâu nghiên cứu. Họ có thể xem các thế hệ diễn viên chèo biểu diễn, biết được ai nắm chắc ngón nghề truyền thống, ai chưa. Tôi vẫn khuyên: Không có trường gì giúp các bạn trẻ cứng cáp nhanh bằng trường đời, nhưng họ đừng pha tạp. Giới trẻ bây giờ năng động hơn chúng tôi ngày xưa. Tôi chỉ khuyên các bạn là hãy giữ lấy nghiệp tổ.
- Cảm ơn chị đã chia sẻ!