Nghe… bóng đá

1. Bây giờ mở tivi coi bóng đá, tôi hay nhớ cái radio loại lớn chạy bằng 4 cục pin đại của nhà chú Năm hồi những năm 1980 - 1990. Cái radio trên chiếc bàn ghép ván trước sân là tâm điểm cho cả xóm quây quần mỗi khi Đài Tiếng nói Việt Nam tường thuật bóng đá. Xúm lại đông nhất là những hôm có đội Công nhân Phú Khánh đá giải A1. Một nhóm đàn ông (trẻ con cũng chen vào) quây lấy cái đài, rồi rần rần huơ tay, vung chân khi nghe các tiền đạo: Dương Quang Hổ, Ngọc Hùng, Phan Bá Diệp… tấn công vùng cấm địa của đối phương. Có lúc, tất cả lại nín thở im re khi thủ môn Trần Hải đứng trước một quả phạt đền. Đến khi đội nhà ghi bàn, tất cả đều nhảy cẫng lên, có người còn chạy vòng vòng. “Vào… rồi” - ôi cái giọng sảng khoái một thời không thể nào quên của hai bình luận viên Đình Khải - Hoài Sơn.

Đội bóng Công nhân Phú Khánh. Ảnh: TL

Những năm đó, trên truyền hình, bóng đá chỉ phát lại các trận có đội tuyển Liên Xô (thường khai thác qua đài Hoa Sen); thỉnh thoảng cũng được xem Spactac Matxcơva hay Dinamo Kiep đá. Họa hoằn lắm, các trận trong nước mới được lên tivi ở những thành phố lớn, còn lại chỉ đưa tin lướt qua, nên dân ghiền bóng đá chủ yếu ôm lấy radio… Đặc biệt, từ năm 1980, khi có giải vô địch bóng đá A1 toàn quốc, cả xóm dò radio dõi theo từng bước đội nhà. Mà hồi hộp lắm, vì đội nhà liên tiếp hai mùa 1984 và 1985 đều phải đi chung kết… ngược. Những hôm thời tiết xấu, cái radio ọt ẹt tiếng được tiếng mất, nhưng chúng tôi không nghe sót trận nào. Cũng có khi pin yếu quá, phải ôm cái radio áp sát vào tai. Cảnh này gọi là ôm radio nghe bóng đá.

2. Lần đó, tôi theo bạn về Vạn Ninh. Buổi chiều, hai đứa ra ruộng phụ việc nhà bạn (khi ấy hộ gia đình đã nhận ruộng khoán) thì ngạc nhiên vì trong nhóm thợ cắt lúa không thấy trai tráng đâu cả. Chị em đang làm dưới ruộng nói vọng lên: “Mấy ổng đi nghe bóng đá rồi”. Hóa ra, cạnh chỗ ruộng ấy có một loa truyền thanh, không biết đài đang tường thuật trận bóng nào mà nhiều anh vất lại gióng gánh, ra đấy dỏng tai nghe.

Những năm 1988 - 1990, mạng lưới điện được mở rộng về nông thôn. Cùng với điện là hệ thống loa truyền thanh phủ khắp đường thôn, ngõ xóm. Có hợp tác xã nông nghiệp trang bị loa đến từng hộ gia đình. Nhiều địa phương báo cáo thành tích đã hoàn thành hệ thống phát thanh - truyền thanh 4 cấp (Trung ương, tỉnh, huyện, xã), nhưng các đài truyền thanh ở xã thời ấy thường do hợp tác xã nông nghiệp đầu tư nên hợp tác xã quản luôn. Đồng ruộng vốn vắng lặng, bỗng vang vang câu hò tiếng hát từ loa truyền thanh rất vui tai. Dân ghiền bóng đá nhờ thế cập nhật tin tức từ Mun-di-an đến giải A1 trong nước, từ giải bóng đá huyện đến cả giải các đội trong hợp tác xã nông nghiệp…

Người đi trên đường, người đang việc đồng áng đều có thể ngóng tai nghe tường thuật bóng đá. Đến hồi gay cấn quá, có anh quên đi tiếp, hoặc bỏ dở việc đang làm, đến sát trụ điện có gắn loa truyền thanh để nghe cho rõ. Cảnh ấy gọi là ôm trụ điện nghe bóng đá.

3. Ở Nha Trang, cổng Sân vận động 19-8 phía đường Phan Chu Trinh một thời là “điểm hẹn” của dân ghiền bóng đá. Mấy quầy báo ở đó lúc nào cũng đông người đọc bài viết về các trận đấu. Nhưng sức hút lớn nhất là chiếc bảng to cập nhật diễn biến giải A1 đặt kề bên cổng. Chiều lại, cán bộ, công nhân, sinh viên, học sinh, các anh xích lô, ba gác… tụ về đây hóng kết quả từng trận. Nơi đây dần dà mở ra một “diễn đàn” bình luận. Ông chủ sạp báo, bác cán bộ thể thao đã về hưu, anh cầu thủ đội phường đang chạy ba gác… trở thành bình luận viên thường trực rất uy tín.

Mùa bóng năm 1987, đội Phú Khánh bỗng “lột xác” đá xuất thần. Các bình luận viên ở đây cũng “lên đồng” theo thế thắng như chẻ tre của đội nhà. Khi đội nhà lần đầu vượt qua tứ kết, bình luận viên reo lên: “Châu chấu đá xe”, mà chúng ta đá ngã xe rồi, thắng Hải Quan rồi. Tuyệt vời quá, Hữu Đang ơi! (Hữu Đang khi ấy là cầu thủ trẻ 18 tuổi đã ghi những bàn quyết định cho đội Phú Khánh). Vậy là tất cả người nghe đồng loạt tung áo mũ lên trời vì quá… sướng. Có lẽ, đó là mùa bóng đẹp nhất của đội Phú Khánh, dù không có mặt ở trận chung kết do bán kết gặp phải Câu lạc bộ Quân đội quá mạnh.

Ở những sự kiện chấn động của giải, mỗi khi bình luận viên lên tiếng thì các thính giả đều ngóng tai nghe. Cảnh này gọi là nghe bóng đá ở tụ điểm.

4. Những ai từng xem phim “Phút 89” (một trong những phim bóng đá hay nhất từ trước đến nay) với dàn diễn viên nổi tiếng: Trịnh Thịnh, Trần Tiến, Thanh Quý, Bùi Cường… đều nhớ cảnh chen lấn đến mức chui dưới chân nhau để mua vé xem đá bóng, hay đang xem trận đấu hồi quyết liệt thì được loa ở sân vận động gọi về nhà vì vợ đẻ... mới thấy cái không khí cuồng nhiệt với bóng đá của thời 1980 - 1990, khi phương tiện nghe nhìn còn rất hạn chế. Nên cái cảnh ôm radio nghe tường thuật, ôm trụ điện nghe tin tức, chiều nào cũng đến tụ điểm để nghe bình luận… là cảnh thường ngày.

Cảnh phim phút 89. Ảnh: TL

Bây giờ, ở bất kỳ nơi đâu, với chiếc điện thoại trong tay, nếu muốn ai cũng có thể xem bất cứ giải bóng đá nổi tiếng trên toàn thế giới. Với trẻ con bây giờ, các danh thủ Messi, Ronaldo… rất gần, không như chúng tôi ngày nhỏ chỉ mường tượng các tuyển thủ tỉnh nhà qua radio. Có người nói phương tiện ngày càng thông minh sẽ giết chết trí tưởng tượng? Tôi không tin vậy. Chỉ có điều, ngày trước phương tiện nghe nhìn còn hạn chế, bắt buộc mọi người phải tưởng tượng nhiều thôi. Như phải tưởng tượng thật nhiều mới nghe được… bóng đá vậy!

NGUYỄN VĨNH XƯƠNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/nhung-vung-ky-uc/202312/nghe-bong-da-10445a7/