Nghệ An: Vị của biển

Những ngày tháng 5, nắng như đổ lửa. Về miền biển Diễn Châu, được đắm mình trong những dòng nước xanh mát, từng giọt mồ hôi mặn chát, lăn dài trên những nếp nhăn của bà con diêm dân nơi này.

Gió phơn Tây Nam khô nóng, ngoài trời nắng bỏng rát, đám cỏ ven đường khô héo. Nắng ngập cả cánh đồng muối Diễn Kim (Diễn Châu, Nghệ An). Người dân miền biển nơi đây đã quen với nắng gắt, với họ đó là niềm vui, là công việc và là cuộc sống mưu sinh.

Cánh đồng muối 41,6 ha tại xã Diễn Kim (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An).

Lách qua từng mớ rau “nhót” chen chúc mọc bên bờ mương, tôi về với biển, về với bà con diêm dân trong cái nắng cháy da, thịt của hè miền Trung.

Mương chứa nước biển được dẫn vào cánh đồng muối.

Nghề làm muối vất vả. Tiếng xe xộc cót két, một chiếc khăn quàng qua vai, dăm ba bình nước chè khô, đôi tay rắn chắc, chừng ấy thôi đã thấy được sự nhọc nhằn để làm nên những hạt muối trắng tinh.

Để làm ra được hạt muối tinh khiết, diêm dân nơi này phải dậy từ tinh mơ.

Ngay từ tinh mơ, bà con xóm Nam Liên, Kim Liên (xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu) đã sửa soạn ra đồng làm muối. Cánh đồng muối Diễn Kim rộng tới 41,6 ha. Mấy bà kháo nhau rằng, nghề này chỉ cần làm một ngày là ăn cả năm. Với hơn 560 người đang giữ được nghề làm muối mà ông cha đã để lại, không phải họ không biết làm nghề khác, cũng không phải vì lợi nhuận từ việc làm muối nhiều, mà bởi đó là truyền thống, là thành quả mà ông cha để lại.

Để làm được muối, diêm dân phải tưới nước biển sau khi trải qua nhiều công đoạn chắt lọc, tưới nước đó lên bề mặt các ô, nắng phải thật to, đều nắng.

Đối với bà con diêm dân, nắng chính là bạn đồng hành, nắng to chính là ân nhân. Bởi lẽ, làm muối bắt buộc phải nắng to, nắng càng to càng tốt. Từ xa, nhìn những diêm dân lam lũ, cặm cụi, cần mẫn ấy mới biết được làm nên hạt muối khó nhằn đến mức nào. 12h trưa cho đến 7h tối diêm dân đều ở ngoài đồng muối. Công việc liên hồi, không ngừng nghỉ.

Đất được rải đều trên ruộng muối, phơi nắng cho khô rồi cho vào dạt

Chăm chú nhìn những đôi tay thoăn thoắt ấy, thoạt đầu ta cứ nghĩ đơn thuần: à, như thế à! Tuy nhiên, để ra cho được như thế thì cả quá trình. Để ra được hạt muối, trước tiên ta phải rải đất. Đất ở đây phải là đất cát mặn, rải đất đều chừng 1 sào, sau khi những thớ đất được rải ấy phơi nắng, trở nên khô trước sức nóng của trời mùa hè gần 40 độ thì lại cho vào lòng dạt (hình chữ nhật, dài chừng 3m, rộng 70 cm, đáy là những thanh tre xếp thẳng hàng với nhau). Sau khi cho đất vào lòng dạt thì dùng lực bàn chân dè chặt xuống. Tiếp đó, lấy nước biển được dẫn vào mương rộng chừng 2m đổ lên đất trong dạt. Nước ấy được lắng vào một bể hình phễu. Chưa dừng lại, tiếp tục lấy nước biển đã lắng ấy tưới đều trên các ô, dưới ánh nắng mặt trời sẽ kết tinh thành những hạt muối.

Đất sau khi phơi khô được cho vào dạt (hình chữ nhật, dài chừng 3m, rộng 70 cm, đáy là những thanh tre xếp thẳng hàng với nhau), nén chặt, rồi tưới nước biển từ trong mương lên.

Diêm dân nói rằng, nghề làm muối phụ thuộc nhiều vào thời tiết, một năm chỉ làm được một vụ từ tháng 3 đến tháng 8. Nếu ngày nắng to có thể làm được 5 yến muối, những ngày nắng nhỏ thì chỉ 3 đến 4 yến. Đổ mồ hôi công sức nhưng chỉ làm được 70.000đ/ngày.

Ngoài ra, diêm dân còn làm muối trái vụ, tức là sau tháng 8. Thường thì trái vụ năng suất không bằng chính vụ nhưng giá cả ổn định hơn. Một mùa bà con diêm dân nơi này có thể làm được từ 2.000 đến 2.500 tấn muối. Nếu nhân với giá thị trường hiện nay thì xấp xỉ 3 tỷ đồng.

Những đôi tay rắn chắc giữa cái nắng oi ả của miền Trung, gương mặt sạm đen vì gió Lào chắt chiu làm nên hạt muối.

Ông Phạm Xuân Bang – Chủ tịch UBND xã Diễn Kim chia sẻ: “Nghề làm muối ở đây vất vả lắm, để đồng hành với bà con diêm dân, Nhà nước đã hỗ trợ dạt lọc và bạt kết tinh, cho năng suất cao, hạt muối lớn, kết tinh nhanh”.

Thành quả sau một ngày làm việc mệt nhọc, từ 12-19h là những hạt muối trắng tinh được đổ đầy vào kho.

Biển không chỉ cho ta cá tôm, nước biển là một phần xương máu của bà con diêm dân nơi này. Từ những giọt nước biển mặn chát ấy đã kết tinh thành những hạt muối trắng tinh, vị mặn ấy còn là mồ hôi, công sức, tâm huyết, hi vọng... về một cuộc sống đủ đầy hơn.

Lưu Khuyên

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/nghe-an-vi-cua-bien-post35438.html