Ngày này năm xưa 2/2: Công nhân Nhà máy cơ khí Hà Nội đón Bác Hồ

Ngày này năm xưa 2/2/1960: Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy cơ khí Hà Nội và biểu dương thành tích của Nhà máy.

Chuyên mục “Ngày này năm xưa” trên Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước, ngành Công Thương, quốc tế và Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 2/2.

Sự kiện trong nước và ngành Công Thương

Ngày 2/2/1908, ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - một trong những thành viên tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam; nhà lãnh đạo xuất sắc của phong trào công nhân và công đoàn Việt Nam; Tổng biên tập đầu tiên của Báo Lao động.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh sinh ngày 2/2/1908 tại làng Diêm Điền, tổng Hổ Đội, huyện Thụy Anh (nay là thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), trong một gia đình nhà nho nghèo, có truyền thống yêu nước. Từ khi bước chân vào con đường hoạt động cách mạng, ở đâu Ðảng và giai cấp công nhân cần, đồng chí đều có mặt, với bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất cách mạng của một người cộng sản.

Ngày 2/2/1916, ngày sinh "ông hoàng thơ tình" Xuân Diệu. Nhà thơ Xuân Diệu, tên thật là Ngô Xuân Diệu, quê ở làng Trảo Nha, xã Đại Lộc nay là thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Ngày 2/2/1929, ngày sinh nhà thơ Giang Nam. Nhà thơ Giang Nam tên thật là Nguyễn Sung, sinh ngày 2/2/1929 tại làng Bình Trị, tổng Hiệp Trung, huyện Tân Định, phủ Bình Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Ông nổi tiếng với bài thơ Quê hương.

Ngày 2/2/1949, ngày sinh Đại tướng Phùng Quang Thanh. Đại tướng sinh ra tại Thạch Đà, Mê Linh, Hà Nội trong một gia đình yêu nước, giàu truyền thống cách mạng. Đây chính là nguồn động lực, sức mạnh tinh thần to lớn giúp Đại tướng Phùng Quang Thanh phấn đấu trở thành một trong những vị tướng có tài thao lược của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngày 2/2/1973, Phiên họp đầu tiên của các trưởng đoàn đại biểu quân sự bốn bên trong ban liên hợp quân sự Trung ương, họp tại Sài Gòn đã thảo luận các vấn đề thực hiện ngừng bắn tại chỗ, rút quân đội Mỹ và nước ngoài ra khỏi miền Nam Việt Nam...

Ngày 2/2/1975, ngày thành lập Đoàn 275, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đoàn 275 được thành lập trên cơ sở một đại đội của Trung đoàn 144, Bộ Tổng Tham mưu, có nhiệm vụ bảo vệ một số vị trí của Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn hoàn thiện, bảo vệ trạm nước Bách Thảo và kho vật tư tập kết thiết bị lắp đặt tại Quảng trường Ba Đình.

Ngày 2/2/1998, Bộ Công nghiệp (cũ) nay là Bộ Công Thương ban hành Quyết định 06/1998/QĐ-BCN về việc sáp nhập Công ty Hóa chất và Phân bón Hải Dương vào Công ty Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao thuộc Tổng công ty Hóa chất Việt Nam.

Ngày 2/2/1998, sáp nhập Công ty Hóa chất và Phân bón Hải Dương vào Công ty Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao thuộc Tổng công ty Hóa chất Việt Nam

Ngày 2/2/1998, Bộ Công nghiệp (cũ) nay là Bộ Công Thương ban hành Quyết định 07/1998/QĐ-BCN về việc ban hành “Quy định về thẩm định, phê chuẩn và quản lý thực hiện Cơ cấu Hợp tác Công nghiệp ASEAN (AICO)”.

Ngày 2/2/2005, Bộ Thương mại (cũ) nay là Bộ Công Thương ban hành Thông báo 0193/TM-DM chuyển đổi giữa các chủng loại hàng hạn ngạch dệt may xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ...

Ngày 2/2/2006, Bộ Công nghiệp (cũ) nay là Bộ Công Thương ban hành Quyết định 01/2006/QĐ-BCN về việc sửa đổi khoản 2 Điều 20 Điều lệ Tổ chức và Hoạt động của Công ty Dệt-May Hà Nội.

Ngày 2/2/2007, Bộ Thương mại (cũ) nay là Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 02/2007/TT-BTM phân loại nguyên liệu sản xuất, vật tư, linh kiện được miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại khoản 15 Điều 16 Nghị định 149/2005/NĐ-CP ngày 8/12/2005 của Chính phủ

Sự kiện quốc tế

Ngày 2/2/1943, trận Stalingrad chính thức khép lại, chấm dứt hơn nửa năm bao vây của Đức quốc xã. Kết thúc chiến dịch, Hồng quân Liên Xô đã tiêu diệt 30 sư đoàn tinh nhuệ, bắt 90 nghìn lính và 2.500 sĩ quan của Đức Quốc xã. Đây là trận chiến có tính bước ngoặt, đóng vai trò quan trọng trong xoay đổi cục diện chiến trường, buộc phát xít Đức phải chuyển từ tấn công sang phòng ngự trên khắp các mặt trận và đi đến sụp đổ vào ngày 9/5/1945.

Ngày 2/2/1971, tại Iran, Công ước Ramsar được thông qua, cung cấp khuôn khổ pháp lý cho các quốc gia hành động và hợp tác với nhau trong việc bảo tồn và sử dụng hiệu quả các vùng đất ngập nước và tài nguyên ở đó. Hiện có 169 thành viên tham gia Công ước Ramsar, bao gồm 2.260 khu vực, chiếm diện tích hơn 215 triệu ha.

Ngày 30/8/2021, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết lấy ngày 2/2 hàng năm là Ngày Đất ngập nước thế giới và mời tất cả 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc tham gia tổ chức hưởng ứng, mở đầu tầm nhìn toàn cầu lớn hơn cho các vùng đất ngập nước.

Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 2/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 11-SLb, sáp nhập các sở, ty địa chính vào Bộ Canh nông.

Ngày 2/2/1949, qua Báo Cứu quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thư chúc Tết đồng bào trong vùng tạm bị địch chiếm; Thư chúc tết các cháu nhi đồng toàn quốc. Trong thư chúc Tết, Người chúc sức khỏe đồng bào và trịnh trọng hứa rằng Chính phủ và quân đội sẽ kiên quyết kháng chiến đến cùng để giành lại độc lập cho Tổ quốc, giải phóng đồng bào khỏi cảnh lầm than.

Ngày 2/2/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới nói chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy cơ khí Hà Nội. Trong buổi nói chuyện, Bác biểu dương thành tích của nhà máy trong năm 1959, đã tiến bộ khá, hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước giao, tiết kiệm được hơn 31 vạn giờ, đúc được hơn 200 tấn máy móc từ sắt vụn, tăng quỹ phúc lợi chi cho bảo hiểm lao động.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tới nói chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy cơ khí Hà Nội

Ngày 2/2/1965, Bác thăm tỉnh Quảng Ninh, nơi diễn ra chiến công đánh thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam trong chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ ở miền Bắc, góp phần bắn rơi 2 máy bay phản lực và bắt sống phi công Mỹ đầu tiên vào ngày 5/8/1964. Bác Hồ căn dặn “phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, luôn luôn sẵn sàng chiến đấu và sẵn sàng chiến thắng”.

Sự kiện hôm nay

Ngày 2/2/2024 (tức ngày 23 tháng Chạp, năm Quý Mão), đoàn kiều bào từ khắp nơi trên thế giới về quê hương đón Tết tham dự lễ dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Tôn Đức Thắng và nghi thức thả cá chép truyền thống tại bến Nhà Rồng; tham dự họp mặt kiều bào "Mừng xuân Giáp Thìn - 2024", thưởng thức ẩm thực quê hương.

Theo quy định tại Nghị định 87/2023/NĐ-CP, các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện sao, chụp hình ảnh tiền Việt Nam từ ngày 2/2/2024 phải đáp ứng một trong các điều kiện, tiêu chuẩn sau: Sao, chụp một phần hình ảnh, hoa văn của tiền Việt Nam không vượt quá 1/3 mặt trước hoặc mặt sau tờ tiền; sao, chụp hình ảnh một mặt đồng tiền Việt Nam với kích thước chiều dài và chiều rộng đối với tiền giấy, đường kính đối với tiền kim loại < 75% hoặc > 150% kích thước của tiền thật cùng mệnh giá; sao, chụp hình ảnh hai mặt đồng tiền Việt Nam với kích thước chiều dài và chiều rộng đối với tiền giấy, đường kính đối với tiền kim loại < 50% hoặc > 200% kích thước của tiền thật cùng mệnh giá; sao, chụp hình ảnh thành bản điện tử để đưa lên không gian mạng có độ phân giải tối đa không vượt quá 72dpi với kích thước tương đương tiền thật cùng mệnh giá.

Thanh Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ngay-nay-nam-xua-22-cong-nhan-nha-may-co-khi-ha-noi-don-bac-ho-301288.html