'Ngày hội Biên phòng toàn dân' giữa đại ngàn Yok Đôn
Tháng Ba Tây Nguyên nắng đỏ chân trời, những cánh rừng nguyên sinh tràn đầy sức sống là thế, nhưng cũng phải trút bỏ 'xiêm y' để chống chọi với sự khắc nghiệt của 6 tháng mùa khô. Cứ ngỡ, trong tiếng xào xạc lá khô rừng khộp, tất cả đều phải thu mình, khắc khoải đợi chờ giọt mưa đầu mùa. Nhưng kỳ lạ thay, đây lại là giai điệu của sự hồi sinh khi trên cành, cây non bắt đầu đâm chồi, nảy lộc, dưới tán rừng, từng đàn ong miệt mài đi tìm mật ngọt cho đời... Ở một 'góc rừng' nơi đại ngàn Yok Đôn thuộc xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, tháng Ba bắt đầu bằng 'Ngày Biên phòng toàn dân' - ngày lễ hội của các chủ nhân biên giới.

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung và lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trao tặng quà cho các hộ gia đình nghèo trên địa bàn xã Krông Na. Ảnh: TKN
"Góc rừng" tưng bừng ngày hội
Giữa “khu vườn cổ tích” Yok Đôn, xã Krông Na nhỏ bé như một góc rừng, song trên thực tế, đây chính là đơn vị hành chính cấp xã có diện tích lớn nhất cả nước, với 1113,79km2 (gấp 1,28 lần tỉnh Bắc Ninh hiện tại). Ngày xưa, muốn vào đây mà không bị lạc chỉ có cách “định vị” bằng hướng... mặt trời, đi cả ngày đường vẫn chỉ thấy mình ta với ta.
Đất rộng người thưa, xa xôi cách trở, nhưng mỗi dịp kỷ niệm Ngày BP toàn dân, có cảm giác xã Krông Na như một “đại gia đình” tay trong tay, gần gũi, thân quen đến lạ. Năm nay, xã Krông Na và Đồn BP Sê Rê Pốk (BĐBP Đắk Lắk) tổ chức kỷ niệm 66 năm Ngày Truyền thống BĐBP, 36 năm "Ngày Biên phòng toàn dân", bằng chuỗi các hoạt động vui chơi giải trí mang đậm nét văn hóa truyền thống như thi kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, múa sạp, xen kẽ vào đó là các hoạt động mang tính xã hội như thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách, hộ gia đình khó khăn, người già neo đơn không nơi nương tựa, học sinh nghèo vượt khó...
Thượng tá Bùi Khắc Hiệp, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Đắk Lắk chia sẻ: “Bên cạnh các hoạt động xã hội, vui chơi giải trí, chúng tôi phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk tổ chức triển lãm ảnh mang chủ đề “Tự hào một dải biên cương” tại hai địa điểm là thành phố Ban Mê Thuột và xã Krông Na, thu hút hàng ngàn lượt người tham quan tìm hiểu về 66 năm Ngày Truyền thống BĐBP, 36 năm "Ngày Biên phòng toàn dân", 50 năm Ngày Truyền thống BĐBP Đắk Lắk. Cùng với đó, quân y BĐBP tỉnh triển khai đợt thăm khám, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho bà con nhân dân trên địa bàn để tạo nên một "Ngày hội Biên phòng toàn dân" thực sự ý nghĩa...”.
"Ngày hội Biên phòng toàn dân" năm nay đến với các chủ nhân đất rừng biên giới Krông Na càng trở nên ý nghĩa hơn, khi bà con được đón các vị lãnh đạo trung ương và địa phương về đây cùng hòa mình trong “ngôi nhà” biên giới. Sự hiện diện của các đồng chí: Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk; Tô Thị Bích Châu, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Đại tá Vũ Quốc Ân, Phó Chính ủy BĐBP Việt Nam, cùng nhiều vị lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành Trung ương, tỉnh Đắk Lắk và huyện Buôn Đôn như thổi bùng thêm ngọn lửa tình yêu biên giới. Trong không gian gần gũi, thân thương ấy, mọi khoảng cách về tuổi tác, địa vị xã hội chợt tan biến, để mỗi người được thể hiện lòng quyết tâm, tình cảm, trách nhiệm đối với chủ quyền biên giới thiêng liêng của Tổ quốc và cuộc sống bình yên phát triển của nhân dân: “Nhìn Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bí thư Tỉnh ủy kéo co, múa sạp, Phó Chính ủy BĐBP Việt Nam bắn nỏ, kéo co cùng bà con, tôi cảm thấy ấm lòng vô cùng. Lãnh đạo phải gần gũi với nhân dân như thế thì mới hiểu được bà con cần gì, mới có thể tạo nên ngày hội thực sự như hôm nay. Xây dựng thế trận BP toàn dân là tình cảm, trách nhiệm của toàn xã hội và từ trước đến nay, chúng tôi luôn được đón nhận sự quan tâm, chăm lo sâu sắc từ các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và đặc biệt là lực lượng BĐBP...” - Ông Y Thưng Kdol, già làng buôn Trí A, xã Krông Na vui vẻ chia sẻ với chúng tôi như thế.
Cái bụng của già làng buôn Trí A nói ra hôm này là hoàn toàn có cơ sở. Có thể khẳng định, tỉnh Đắk Lắk là một trong những địa phương điển hình trong xây dựng thế trận biên phòng toàn dân và thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”. Hơn một phần ba thế kỷ đã đi qua, tỉnh Đắk Lắk đã có rất nhiều chủ trương, quyết sách sáng suốt, chương trình hành động hiệu quả, thiết thực hướng về biên giới như: đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao dân trí, bảo đảm dân sinh, kết nghĩa đỡ đầu giữa tuyến sau với tuyến trước... để đến hôm nay, tuyến biên giới giữa trời Nam Tây Nguyên được sống trong khung cảnh bình yên và phát triển. Và “đến hẹn lại lên”, khi tháng Ba trở về là “góc rừng” bên khu vườn huyền thoại Yok Đôn lại tưng bừng trong ngày hội lớn.
Có một "đại gia đình" hạnh phúc
Để có được một Krông Na đất rộng người thưa, xa xôi, cách trở mà gần gũi, thân thương trong tình yêu biên giới như ngày hôm nay, chắc hẳn, nơi đây phải có nét gì rất đặc biệt. Vâng, đặc biệt nhưng không hề lạ lẫm, bởi cả một dải biên cương rộng lớn theo chiều dài đất nước, bất kể nơi nào cũng đều nhận được sự quan tâm, chăm lo sâu sắc của Đảng, Nhà nước. Từ những cung đường hạnh phúc kết nối miền xuôi với miền ngược, đến những đường dây, “cánh sóng” mang ánh sáng văn minh đến nơi xa xôi nhất. Rồi biết bao công trình, dự án được đầu tư xây dựng, mang đến vô vàn những cơ hội thoát nghèo cho nhân dân. Tất cả đều vì một mục tiêu xây dựng biên giới bình yên, phát triển bền vững.
Nét đặc biệt của xã Krông Na mà chúng tôi muốn nhấn mạnh, đó là có một “đại gia đình” hạnh phúc trên cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Trở lại với câu chuyện của ông Y Thưng Kdol, già làng buôn Trí A. Năm nay, mặc dù đã đi qua 73 “mùa rẫy”, nhưng vị “trưởng lão” người dân tộc thiểu số Ê Đê này vẫn tràn đầy nguồn năng lượng cống hiến. Ông “bật mí” với chúng tôi rằng, cả nhà mình và những người hàng xóm ở buôn Trí A, buôn Jang Lành, Buôn Đôn, hay xa hơn một chút là buôn Drăng Phôk đều có cuộc sống mang đậm dấu ấn BĐBP: “Mình có một đứa con và hai chàng rể hiện tại là cán bộ sĩ quan biên phòng. Chưa hết, ông bố vợ của mình còn có một người con nuôi, nguyên là Đại tá, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Đắk Lắk, nhưng tiếc là cậu ấy bị bệnh nặng mất sớm. Cùng với những đóng góp vô điều kiện của cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Sê Rê Pốk (đơn vị quản lý địa bàn xã Krông Na) trong xây dựng, quản lý địa bàn nên có thể nói, chất biên phòng đã gắn kết bao thế hệ trong buôn, trong xã để trở thành một "đại gia đình" hạnh phúc như ngày hôm nay” - Già làng buôn Trí A khẳng định với chúng tôi.
Cũng theo lời già làng Y Thưng Kdol, cuộc sống của người dân xã Krông Na tuy vẫn còn những khó khăn nhất định, nhưng vai trò, trách nhiệm trong tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia thì luôn tuyệt vời. Xã có rất nhiều tấm gương điển hình tiên tiến như tập thể Ban tự quản buôn Trí, buôn Ea Mar, cá nhân ông Y Nhem Rya (buôn Jang Lành), ông Y Khăm Puôi Hwing (buôn Trí B), bà Nguyễn Thị Tính (thôn Thống Nhất), ông Lê Văn Doãn (buôn Ea Rông)... Họ đều là những chiến sĩ Biên phòng không mang quân hàm, là những người con trong “đại gia đình” hạnh phúc mang tên biên giới. Trong 10 năm qua, thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Krông Na đã đoàn kết một lòng, chung một ý chí, cùng Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng nền Biên phòng toàn dân ngày càng vững mạnh.