Ngày đầu làm chiến sĩ

Đó là năm tôi học lớp sáu. Trong giờ học Lịch sử, thầy giáo trẻ mới về trường say sưa đọc cho chúng tôi nghe những câu thơ mê dụ và bi tráng: Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng/ Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm/ Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm/ Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa...

Ngày đó, tôi chưa đủ sâu sắc để hiểu hết ý, lời của bài thơ nhưng vẻ đẹp, khí chất của người lính toát ra từ những vần thơ ấy như một chỉ dấu cho những mơ ước trong tôi.

Để rồi hơn mười năm sau, những lựa chọn, những duyên do đưa tôi đến đây và gắn bó với màu xanh áo lính. Những câu thơ của nhà thơ Chính Hữu ngày xưa thầy tôi đọc là hình ảnh của người lính trong chiến tranh, còn tôi hôm nay hòa mình với những người lính trong thời bình, nhưng trong tôi không nguôi ý nghĩ về sự kiêu bạc, bi tráng của những người lính năm xưa.

Cách trung tâm Thủ đô hơn 40 cây số, Sơn Tây lắng mình trong núi đồi trung du. Những rừng cây, những cánh đồng, những làng mạc và ngay cả trung tâm thị xã đều lặng im trong một thoáng nhìn, lặng im trong ý nghĩ vời xa, tất cả như đang khoác trên mình màu của cũ xưa, hay bởi lòng tôi lâu nay vốn luôn hoài vọng về vùng đất ấy. Lần đầu mặc áo lính cũng là lần đầu đến với Sơn Tây, lòng tôi không khỏi bâng khuâng, xao xuyến. Tôi đi giữa những hàng quân vẫn nghe rất rõ nhịp đập của trái tim mình. Những bài hành khúc vang lên như thúc giục, như vẫy gọi. Tôi chợt nghĩ, trong tâm thế này, nếu sinh ra vào thời giặc giã thì chắc chắn tôi cũng như những đồng đội đang đi bên cạnh tôi, không ngại gian lao mà đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Và ngay lúc đó tôi nhận ra, những người lính xưa trong thơ và những người lính hôm nay không có sự khác biệt. Họ đều mang trong mình trái tim tươi trẻ, tấm lòng nhiệt huyết và tinh thần yêu nước đậm sâu. Và tất nhiên rồi, sự mộng mơ thời nào cũng vậy, đều có ở những người lính trẻ. Họ mộng mơ để hướng đến những điều tươi đẹp, mộng mơ để vượt qua những gian nan.

Minh họa: Lê Hải.

Để lại phía sau cuộc sống tự do đời thường với những buồn vui, bộn bề muôn thuở, để lại phía sau phố phường hào nhoáng nhộn nhịp, chúng tôi bước vào cuộc sống của những người lính thực sự nơi núi đồi vắng lặng u nghiêm. Việc bắt đầu mọi thứ chưa bao giờ là dễ dàng. Ngay từ bữa ăn, giấc ngủ chúng tôi cũng phải thực hiện theo chế độ, quy định, kể chi đến những điều lớn lao hơn. Những ngày đầu bước vào huấn luyện, những giọt mồ hôi trên thao trường nắng đổ, những đêm lạnh giá đứng gác khuya hay những cơn cảm sốt do không quen khí hậu, cùng với nỗi nhớ nhà đều có thể khiến chúng tôi yếu lòng mà lén lau nước mắt. Điều gì đã giúp chúng tôi vượt qua những ngày đầy thử thách ấy? Có lẽ trong lòng mỗi người sẽ có một câu trả lời, một nguồn động lực riêng. Nhưng một điểm chung mà chúng tôi, tuy không nói ra nhưng đều cảm thấy mình phải cố gắng, đó là hình ảnh các thầy và những cán bộ chỉ huy đã không ngại vất vả, nắng mưa mà chỉ dạy cho chúng tôi từng cử chỉ, từng thao tác với sự ân cần, nghiêm túc và tin cậy. Những người lính ấy vẫn đang đêm ngày thầm lặng hết mình vì nhiệm vụ, đó còn là tình cảm sâu sắc và thiêng liêng họ dành cho nghiệp lính của mình. Có những người chỉ huy huấn luyện chiến đấu, cả ba tháng trời chưa được về thăm nhà, thăm con nhỏ dù gia đình các anh cách đó chưa đầy trăm cây số. Họ đã góp phần làm nên hình tượng những người lính hôm nay.

Chiến tranh đã lùi xa. Đó là câu nói quen thuộc chúng ta có thể bắt gặp ở đâu đó. Nhưng với những người lính thực sự, có lẽ chưa một phút giờ nào họ được phép cho mình ngơi nghỉ. Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên, câu thơ của nhà thơ mặc áo lính Trần Đăng Khoa như một lời nhắc nhủ. Nhưng chỉ khi đặt chân đến nơi này tôi mới thực sự thấu hiểu và thấm thía điều đó. Trên thao trường, những chiếc áo rằn ri lấm bụi đất, thấm đẫm mồ hôi phần nào cho thấy tinh thần rèn luyện, ý chí chiến đấu của những người lính hôm nay. Mọi bài tập, mọi khẩu lệnh đều hướng đến việc bảo đảm sự tinh nhuệ, chính quy và tinh thần sẵn sàng chiến đấu của quân đội ta. Tôi chợt nhớ đến một khẩu hiệu đã được nghe từ lâu: “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”. Từ ngày chúng tôi đến đây, những người thầy và cán bộ chỉ huy chưa một lần nói đến câu này, nhưng nhìn cách họ dạy học, huấn luyện và luyện tập miệt mài, nghiêm túc, bài bản, linh động, tôi hiểu sâu thẳm trong những hành động ấy chứa đựng ý chí, trách nhiệm và tình cảm sâu đậm dành cho đất nước và dân tộc Việt.

Rồi cũng qua đi những ngày đầu khó khăn và bỡ ngỡ. Chúng tôi, những tân binh hôm nào giờ đây đã quen thuộc với những chế độ nghiêm ngặt trong ngày cũng như mọi quy định trong quân đội. Nơi thao trường, dù ngày nắng hay mưa chúng tôi cũng áp ngực xuống, lẫn vào trong màu đất, màu cỏ cây để lắng nghe đất cựa mình thủ thỉ lời của xứ sở quê hương, đâu chỉ đơn giản là những bài học, những động tác lăn, lê, bò, trườn... Mùi ngai ngái, nồng nã của đất đá, sương nắng, cỏ cây khiến chúng tôi ý thức rõ hơn về nơi mình đang sống cũng như điều gì đã cho chúng tôi lớn lên và mơ ước.

Những giờ giải lao hay những buổi sinh hoạt, chúng tôi xích lại gần nhau trong những câu chuyện về học tập, rèn luyện, khát khao, dự định rồi lại chia sẻ với nhau chuyện gia đình, chuyện riêng tư. Hai chữ "đồng đội" gợi lên sự thương mến, gần gũi, chúng tôi đã dành cho nhau những gì đẹp đẽ, tin cậy nhất.

Dựa súng vào gốc cây rồi tựa lưng ngồi nghỉ trong giờ giải lao, người trung đội trưởng nghiêm nghị, rắn rỏi trong những giờ huấn luyện của chúng tôi lại trở về với sự vui tính, tình cảm. Thao trường này đã gắn bó, quen thuộc với anh đến từng lá cây ngọn cỏ. Mỗi giọt mồ hôi rơi, mỗi khẩu lệnh hô vang, mỗi bài tập anh thực hiện đều gắn với bóng hình người cha mà anh hằng yêu kính. Cha anh là bộ đội từ thời kháng chiến chống Mỹ, có lẽ vì vậy nên hình ảnh người lính đã ăn sâu trong tiềm thức anh từ lúc ấu thơ. Lớn lên, anh chọn vào bộ đội, hay nói đúng hơn thì nghề bộ đội đã chọn anh. Anh được chọn trở thành người lính để tiếp nối lý tưởng và tình yêu mà cha anh gửi gắm. Cả cuộc đời cha đi bộ đội, quà về cho mẹ là mái tóc pha sương và những vết thương trên ngực cha, khi trở gió lại đau nhức nhối... Những câu hát anh cất lên từ đáy lòng mình là cách anh thể hiện niềm tin và tình cảm dành cho người cha yêu kính cũng như những người lính đã và đang hiến dâng cho sự nghiệp cách mạng của Tổ quốc.

Tôi lại nhớ về những người lính trong thơ thầy giáo tôi đọc ngày xưa. Chúng tôi hôm nay cũng rời xa Hà Nội để mang trên mình màu xanh áo lính và nhiều khi lấm bụi thao trường. Thế hệ chúng tôi, những người lính hôm nay có thể không còn vẻ hào hoa như cha ông một thuở, vàng son kinh kỳ ít nhiều rồi cũng nhạt phai. Nhưng chúng tôi vẫn luôn tin vào vẻ đẹp vốn có/tự mang của những người lính dù có trải qua các thời đại khác nhau. Vẻ đẹp đó là chiếc áo muôn đời không phai, để chúng tôi gìn giữ và tiếp nối. Đêm nay tôi đứng gác, trong sự tĩnh lặng của đêm Sơn Tây, tôi chợt nghĩ, nếu biết tôi bây giờ đã trở thành người lính, hẳn thầy giáo năm xưa sẽ mỉm cười với điều ước của đứa học trò nhỏ năm xưa.

Ghi chép của HOÀI PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/ngay-dau-lam-chien-si-599540