Ngày 1/5, kỷ niệm 50 năm giải phóng một số tỉnh miền Tây

Hôm nay, ngày 1/5/2025, đánh dấu kỷ niệm 50 năm giải phóng các địa phương miền Tây Nam Bộ như: Chương Thiện, Cà Mau, Long Xuyên, Châu Đốc, Kiến Tường, Bến Tre.

Những ngày tháng không thể nào quên

Tháng 4 năm 1975, khí thế cách mạng dâng cao khắp mọi miền Tổ quốc. Sau khi các cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn – Gia Định vào ngày 30/4, lực lượng vũ trang nhân dân đã đồng loạt tiến công và nổi dậy tại nhiều địa phương còn lại ở miền Tây Nam Bộ.

Ngày 1/5/1975, các tỉnh cuối cùng ở khu vực này gồm Chương Thiện, Cà Mau, Long Xuyên, Châu Đốc, Kiến Tường và Bến Tre lần lượt được giải phóng hoàn toàn, đánh dấu sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Đúng ngày này 50 năm trước, tỉnh An Giang được giải phóng - (Ảnh tư liệu Báo An Giang)

Đúng ngày này 50 năm trước, tỉnh An Giang được giải phóng - (Ảnh tư liệu Báo An Giang)

Tại Chương Thiện (là một tỉnh cũ ở miền Tây tồn tại trong giai đoạn 1961 - 1975, đất đai của tỉnh này ngày nay là địa phận các tỉnh: Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang), vùng đất có vị trí chiến lược đặc biệt với hệ thống kênh rạch chằng chịt, chiến tranh từng diễn ra ác liệt suốt nhiều năm. Quân và dân ta tại đây đã kiên cường bám trụ, tổ chức hàng ngàn trận đánh lớn nhỏ, tiêu hao nhiều sinh lực địch, tạo điều kiện cho cuộc tổng tiến công cuối cùng.

Tại Cà Mau – cực Nam của Tổ quốc, nơi phong trào cách mạng luôn giữ được thế chủ động từ những ngày đầu kháng chiến đến lúc toàn thắng. Ngày 1/5/1975, thị xã Cà Mau và toàn tỉnh được giải phóng, chấm dứt sự tồn tại của bộ máy chính quyền Sài Gòn tại vùng đất cuối cùng của Tổ quốc.

Long Xuyên và Châu Đốc (tỉnh An Giang), những trung tâm đô thị quan trọng của tỉnh An Giang, cũng được lực lượng cách mạng giải phóng trong ngày 1/5 với sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị vũ trang và lực lượng chính trị tại chỗ. Cuộc nổi dậy tại các thị xã, thị trấn diễn ra nhanh chóng, trật tự, thể hiện sự đồng lòng của quân dân trong những ngày lịch sử.

Tại Kiến Tường (Long An) vùng biên giới giàu truyền thống kháng chiến, lực lượng cách mạng từ căn cứ Đồng Tháp Mười đã tiến quân thần tốc, làm chủ hoàn toàn địa bàn trong ngày đầu tháng 5.

Tại Bến Tre – quê hương Đồng Khởi, cuộc khởi nghĩa vang dội năm 1960 như được tái hiện khi lực lượng cách mạng đồng loạt nổi dậy làm chủ địa bàn, giải phóng hoàn toàn tỉnh.

Sáu địa phương được giải phóng vào ngày 1/5 không chỉ là dấu ấn kết thúc thắng lợi của chiến dịch giải phóng miền Tây mà còn là cột mốc lịch sử khẳng định sự toàn thắng của dân tộc Việt Nam sau 30 năm kháng chiến gian khổ, trường kỳ.

50 năm – hành trình của đổi thay và phát triển

Nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày giải phóng, những vùng đất anh hùng năm xưa đã có sự chuyển mình mạnh mẽ. Từ đổ nát chiến tranh, đói nghèo, thiếu thốn, các địa phương đã vươn lên phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực.

Hậu Giang – địa bàn xưa kia thuộc tỉnh Chương Thiện – nay đã trở thành một trong những trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh đã đầu tư phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư, phát triển nông nghiệp sạch, thông minh, từng bước cải thiện chất lượng sống cho người dân.

Ngày 1/5/1975, thị xã Cà Mau và toàn tỉnh được giải phóng, chấm dứt sự tồn tại của bộ máy chính quyền Sài Gòn tại vùng đất cuối cùng của Tổ quốc - (Ảnh: TTXVN)

Ngày 1/5/1975, thị xã Cà Mau và toàn tỉnh được giải phóng, chấm dứt sự tồn tại của bộ máy chính quyền Sài Gòn tại vùng đất cuối cùng của Tổ quốc - (Ảnh: TTXVN)

Cà Mau hôm nay không chỉ là vùng đất cuối trời Tổ quốc, mà còn là trung tâm kinh tế biển, năng lượng, nuôi trồng thủy sản lớn của cả nước. Mũi Cà Mau – biểu tượng của cực Nam – trở thành điểm đến du lịch thu hút du khách trong và ngoài nước. Những công trình trọng điểm như cảng biển, khu công nghiệp, tuyến giao thông huyết mạch đang từng bước thay đổi diện mạo nơi đây.

An Giang, với hai đô thị lớn là Long Xuyên và Châu Đốc, đã phát triển mạnh về công nghiệp, thương mại và du lịch. Long Xuyên giữ vai trò trung tâm hành chính, kinh tế của tỉnh, trong khi Châu Đốc – thành phố biên giới – ngày càng phát triển với du lịch tâm linh và thương mại biên giới sôi động. Nơi đây cũng là một trong những địa phương đi đầu trong xây dựng nông thôn mới và phát triển giáo dục – y tế trong vùng.

Kiến Tường, nay là thị xã thuộc tỉnh Long An, đã và đang trở thành cửa ngõ giao thương quan trọng với Campuchia qua cửa khẩu Bình Hiệp. Từ một vùng chiến khu, Kiến Tường hôm nay có nhiều khu dân cư mới, hệ thống giao thông kết nối vùng thuận lợi, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội toàn diện.

Bến Tre, vùng đất gắn với phong trào Đồng Khởi lịch sử, đã chuyển mình mạnh mẽ với nông nghiệp sạch, công nghiệp chế biến, đặc biệt là phát triển du lịch sinh thái. Từ quê hương của những chiến sĩ kiên trung, nơi đây đang từng bước vươn lên trở thành một trong những địa phương phát triển năng động ở khu vực Nam Bộ.

Nửa thế kỷ sau ngày non sông liền một dải, các địa phương miền Tây Nam Bộ đã khẳng định vị trí quan trọng của mình trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh, đồng thời không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Hành trình 50 năm ấy là minh chứng sống động cho ý chí vươn lên không ngừng của con người Việt Nam – từ gian khó đi lên, từ chiến tranh xây dựng hòa bình, từ mất mát đi đến phát triển bền vững.

Diệu Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ngay-15-ky-niem-50-nam-giai-phong-mot-so-tinh-mien-tay-385698.html