Ngạt khí trong đám cháy đều có thể đến từ cả xe xăng và xe điện?

Khi cháy xe điện và xe xăng đều có thể sản sinh khí độc CO2 và CO, do đó người dùng xe điện không nên hoang mang nếu xe điện nguyên 'zin' không độ, chế.

Vụ cháy nhà dân ở đường Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy (Hà Nội) làm 14 người tử vong khiến nhiều người thương tâm. Song song với công tác điều tra, khắc phục hậu quả vụ tai nạn, cứu chữa người bị thương, việc lo hậu sự cho các nạn nhân xấu số cũng được các cấp chính quyền Hà Nội tiến hành khẩn trương.

 Hiện trường vụ cháy trên đường Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy (Hà Nội) làm 14 người tử vong. Ảnh: PHI HÙNG

Hiện trường vụ cháy trên đường Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy (Hà Nội) làm 14 người tử vong. Ảnh: PHI HÙNG

Hiện Giám đốc Công an TP Hà Nội đang chỉ đạo các đơn vị liên quan, Công an quận Cầu Giấy phối hợp các Cục nghiệp vụ Bộ Công an khẩn trương điều tra, xác minh, làm rõ nguyên nhân vụ cháy để giải quyết, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Mỗi vụ cháy xảy ra, nhiều ý kiến lại cho rằng nguyên nhân xuất phát có thể do xe đạp điện, xe máy điện dù chưa có kết luận từ phía cơ quan chức năng. Điều này cũng gây hoang mang cho người dùng xe điện.

Trao đổi với PLO, chuyên gia ô tô, xe máy Nguyễn Minh Đồng cho biết đa số các vụ cháy là ngạt khí, do hít phải nhiều khí độc CO2, CO hoặc khí HC (khí cháy nổ, dung môi của xăng).

“Thông thường các vụ hỏa hoạn là do hít phải nhiều khí độc CO2, CO, amoniac, axit hữu cơ... trong đó, CO2, CO và HC là nguyên nhân chính gây tử vong”- ông Đồng cho hay.

Theo ông Đồng, thành phần chính trong khói là CO, CO2, muội than và các chất hữu cơ chưa cháy hết. Đối với CO2, khi hít phải quá nhiều vào trong cơ thể dễ gây ra hiện tượng ngạt khí, dẫn đến hôn mê và có thể tử vong. Bên cạnh đó, chất khí CO tuy không có hàm lượng cao như CO2 nhưng sự nguy hiểm lại cao hơn rất nhiều. Hít nhiều CO, việc cung cấp oxy giảm nghiêm trọng.

 Nhiều người dùng xe điện hoang mang sau vụ cháy. Ảnh: MXH

Nhiều người dùng xe điện hoang mang sau vụ cháy. Ảnh: MXH

“Các loại khí độc này cũng xuất phát từ xe xăng, nó tạo ra CO và CO2 từ động cơ đốt trong. Khi hít phải quá nhiều loại khí này, nạn nhân có thể bị ngộ độc cấp tính”- ông Đồng cho hay.

Theo chuyên gia phân tích, khi cháy xe điện, pin lithium chỉ là khó chữa cháy hơn. Pin lithium thường được trang bị trên xe điện cũng tạo ra nhiều chất độc khi cháy nhưng nó không tạo ra CO2 nhiều như xe xăng.

“Mọi người không nên quá hoang mang trong việc dùng xe điện, phải chờ cơ quan chức năng đưa ra kết luận nguyên nhân đến từ đâu”- chuyên gia Nguyễn Minh Đồng nói thêm.

Đại diện một Đại lý xe điện tại TP.HCM cho biết: "Xe điện “zin” được thiết kế rất an toàn, nếu xe điện được người dùng mua về và độ lại, chế thêm pin, phụ kiện mới tạo ra sự quá tải và gây ra cháy. Xe bình thường không thể cháy được, nhiều khi do chập điện nhà, cháy rồi cháy lan sang xe điện”.

THY NHUNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/ngat-khi-trong-dam-chay-deu-co-the-den-tu-ca-xe-xang-va-xe-dien-post792286.html