Ngành xây dựng thực hiện các giải pháp tiết kiệm chống lãng phí
Bộ Xây dựng đặt mục tiêu xây dựng ngành theo hướng thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời gian tới.

Toàn cảnh công trình cấp nước sinh hoạt giai đoạn 1 của Khu tái định cư B tại thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đã bị bỏ hoang, gây lãng phí. Ảnh minh họa: Ngọc Minh – TTXVN
Bộ trưởng Bộ Xây dựng
Nguyễn Thanh Nghị vừa ký ban hành Chỉ thị số 02/CT-BXD về việc đẩy mạnh công tác phòng, chống lãng phí trong ngành xây dựng. Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu lãnh đạo các đơn vị trực thuộc tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về “công tác phòng, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, văn hóa ứng xử trong thời đại mới”, Bộ Xây dựng đặt mục tiêu xây dựng ngành theo hướng thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời gian tới.
Một trong giải pháp được Bộ Xây dựng chú trọng là đẩy mạnh công tác phòng, chống lãng phí thông qua việc tập trung tuyên truyền sâu rộng, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và người lao động mà trước hết nêu gương của người đứng đầu tại từng cơ quan, đơn vị thuộc Bộ cũng như cán bộ, đảng viên, người lao động về ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Lô đất do rộng 1,2ha ở tổ dân phố 7 thị trấn Đăk Hà do Công ty TNHH cà phê 704 quản lý bị bỏ hoang nhiều năm. Ảnh minh họa: Cao Nguyên - TTXVN
Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã ban hành các chương trình hành động của ngành; trong đó, đã xác định rõ hơn trách nhiệm trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Do đó, hiệu quả quản lý nhà nước ngành xây dựng được nâng cao; ngân sách nhà nước được kiểm soát chặt chẽ; việc thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên, sử dụng tài sản công ở các đơn vị thuộc Bộ đúng định mức, tiết kiệm.
Cụ thể như, Bộ Xây dựng đã trình và được Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng. Theo đó, đã phân cấp thẩm quyền thẩm định một số loại công trình, dự án cho các cơ quan chuyên môn về xây dựng tại địa phương và chủ đầu tư; phân cấp thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu cho các cơ quan chuyên môn về xây dựng tại địa phương đối với một số công trình.
Quán triệt về thực hiện chi tiêu tiết kiệm, Bộ Xây dựng đã rà soát, tổng hợp, xác định số tiết kiệm, cắt giảm 5% chi thường xuyên năm 2024; tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc (còn 15 đơn vị và thực hiện tổ chức lại 21 đơn vị). Về cải cách hành chính, Bộ Xây dựng đang cung cấp 38 dịch vụ công trực tuyến trên tổng số 119 thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của ngành; trong đó 29 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 9 dịch vụ công trực tuyến một phần…
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng thẳng thắn nhìn nhận, hiện vẫn tồn tại một số dạng thức của lãng phí như: chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật nói chung chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn dẫn đến khó khăn, lãng phí các nguồn lực; thủ tục hành chính còn gây lãng phí thời gian, công sức của người dân, doanh nghiệp; thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm.