Ngành thanh tra cần tập trung nghiên cứu, giải quyết các vấn đề lớn của đất nước
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết ngành thanh tra năm 2015 tổ chức sáng 5-1 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những đóng góp của ngành thanh tra trong năm 2015 đã góp phần vào các thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Ngành đã có nhiều nỗ lực trong công tác như: Chú trọng công tác thanh tra chuyên ngành; chấn chỉnh và khắc phục những sơ hở trong thể chế hiện nay; có chuyển biến rõ rệt trong công tác thu hồi, phát huy được vai trò nòng cốt trong công tác tiếp dân với việc xử lý nhiều tình huống nhạy cảm; đôn đốc thực hiện có hiệu quả Luật Tiếp công dân; tiếp tục rà soát và chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu kiện kéo dài, phức tạp tại các địa phương.
Ngành cũng đã giải quyết bức xúc của nhân dân, tạo ổn định trong nhân dân, góp phần quan trọng trong việc tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp; có sự phối hợp với các đoàn thể chính trị-xã hội tham gia lắng nghe ý kiến và xử lý vụ việc thấu tình đạt lý nhất.
Đồng thời, ngành tiếp tục thực hiện tốt vai trò quản lý Nhà nước trong xây dựng thể chế phòng chống tham nhũng; thực hiện nghiêm Nghị định của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của ngành thanh tra từ Trung ương đến cơ sở; tham mưu cho Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển ngành thanh tra; công tác xây dựng thể chế, đào tạo được quan tâm hơn.Tuy nhiên, còn có một số yếu kém, bất cập cần khắc phục trong thời gian tới như việc kết luận các vụ việc thanh tra còn chậm, xử lý sau thanh tra và thu hồi tiền và tài sản vi phạm còn ít; thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả chưa cao, tổ chức bộ máy còn nhiều bất cập; chưa phát huy hiệu quả quản lý Nhà nước thông suốt từ trên xuống dưới, xây dựng ngành chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra; còn có cán bộ thanh tra vi phạm kỷ luật...
Về phương hướng nhiệm vụ năm 2016, Phó Thủ tướng nhấn mạnh ngành thanh tra cần tập trung nghiên cứu, giải quyết các vấn đề lớn đang đặt ra trong thời gian tới như thanh tra hành chính, thanh tra việc khiếu kiện, đơn thư nặc danh và phòng chống tham nhũng...
Các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ để giải quyết có hiệu quả các vụ việc phức tạp, kéo dài.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngành cần thực hiện tốt kế hoạch thanh tra định kỳ, thanh tra đột xuất gắn với việc tập trung vào các vấn đề nóng bỏng mà xã hội đặt ra như thanh tra đất đai, tài chính, xây dựng cơ bản; kiến nghị sửa đổi những bất cập của cơ chế, chính sách.
Triển khai nghiêm túc và hiệu quả công tác tiếp công dân từ cấp xã đến cấp tỉnh, các bộ đã được Luật Tiếp công dân quy định, để tâm tư, kiến nghị, phản ánh của công dân đến được các cấp thẩm quyền; không để xảy ra điểm khiếu kiện đông người.
Tăng cường việc phối hợp với các hội nghề nghiệp như Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội; giảm khiếu kiện và giải quyết tận gốc việc khiếu kiện đông người thông qua việc tiếp công dân của các lãnh đạo và chính quyền các cấp, không để người dân kéo về Hà Nội và TPHCM làm phức tạp tình hình.
Đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống tham nhũng tạo chuyển biến tích cực, đem lại niềm tin trong nhân dân; cần nâng cao chất lượng, hiệu quả các kết luận và kiến nghị của thanh tra; tăng cường chỉ đạo, giám sát hoạt động của đoàn thanh tra và công khai kết quả thanh tra; cán bộ tiếp công dân không phải là văn thư chuyển đơn thư, mà là người biết hướng dẫn, xử lý, giỏi công tác dân vận...
Ngành cũng cần phối hợp với cơ quan điều tra, kiểm toán trong quá trình thanh tra để có hiệu quả cao nhất trong công tác; đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế trong phòng chống tham nhũng; đẩy mạnh việc nắm bắt và xử lý tin báo tố giác tham nhũng...