Ngành sản xuất Mỹ đạt mức tăng trưởng ngoạn mục trong tháng 3

Ảnh minh họa. Nguồn: PAP/TTXVN

Viện Quản lý cung ứng (ISM) của Mỹ ngày 1/4 công bố báo cáo cho biết ngành sản xuất nước này trong tháng Ba đã tăng trưởng ngoạn mục, đạt mức cao nhất kể từ tháng 12/1983.

Cụ thể, Chỉ số quản lý thu mua (PMI) đạt 64,7%, tăng 3,9% điểm so với tháng trước đó. Thông thường, chỉ số PMI một khi đạt trên 50% đều phản ánh ngành sản xuất nói chung của nền kinh tế tăng trưởng.

Báo cáo của ISM cho thấy chỉ số PMI của tháng 3 tăng trưởng toàn bộ các lĩnh vực kinh tế trong tháng thứ 10 liên tiếp sau khi giảm liên tục trong tháng 3,4 và 5 của năm 2020, trong khi đó, hàng hóa cung ứng cũng đã tăng tới 76,6% trong tháng 3.

Ông Timothy Fiore, Chủ tịch ủy ban khảo sát kinh doanh sản xuất của ISM, cho biết đây là thành tích đáng kể trong bối cảnh các thành viên ủy ban khảo sát báo cáo rằng các công ty và nhà cung cấp đang vật lộn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 vốn làm hạn chế số lượng các linh kiện và vật liệu sẵn có.

Ông Fiore cũng liệt kê một loạt yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất như thiếu thốn nguyên vật liệu cơ bản, giá cả hàng hóa tăng cao và khó khăn trong khâu vận chuyển hàng hóa, công nhân vắng mặt.

Trong khi đó, cùng ngày, hãng hàng không United Airlines (Mỹ) thông báo tuyển thêm phi công để chuẩn bị sẵn sàng cho đợt cao điểm sắp tới khi ngành hàng không phục hồi sau đại dịch COVID-19. Đây là một trong những tín hiệu tích cực đầu tiên sau hơn 1 năm đại dịch COVID-19 khiến ngành hàng không điêu đứng và đẩy nhiều nhân viên trong ngành vào tình trạng thất nghiệp hoặc giảm giờ làm, giảm lương.

Trong thông báo nội bộ gửi tới các nhân viên, Giám đốc điều phối bay của hãng United Airlines, Bryan Quigley, cho biết khi tốc độ tiêm chủng ngày càng nhanh và nhu cầu đi lại có xu hướng tăng, hãng cũng bắt đầu nối lại quy trình tuyển dụng nhân sự sau thời gian gián đoạn trong năm 2020.

Nhóm đối tượng mà hãng tuyển dụng đầu tiên sẽ là các phi công, ưu tiên những người đã nộp hồ sơ và đợi việc trong năm 2020 hoặc những người đã được làm việc với hợp đồng có điều kiện cho hãng. Tuy nhiên, số lượng phi công mới tuyển sẽ phụ thuộc vào nhu cầu và tốc độ phục hồi trên thực tế.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát làm gián đoạn hoạt động đi lại trên toàn cầu, các hãng hàng không cũng phải thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí như khuyến khích hàng chục nghìn nhân viên nghỉ hưu hoặc chuyển công ty hoặc nghỉ việc không lương.

Theo Hiệp hội hàng không Mỹ (A4A), các hãng hàng không vận tải hành khách lỗ tổng cộng 35 tỉ USD trong năm 2020.

Tuy nhiên, nhờ các gói hỗ trợ của chính phủ và công tác phòng chống dịch đạt những hiệu quả bước đầu giúp tăng niềm tin, các hãng đang khẩn trương chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi.

United Airlines đã tăng số lượng chuyến bay trong tháng 5 tới những địa điểm du lịch nổi tiếng ở Mexico, vùng Caribe và Trung Mỹ, nâng tổng số chuyến dự kiến lên cao hơn cả cùng kỳ năm 2019 khi dịch bệnh chưa bùng phát.

Một dấu hiệu tích cực khác cũng xuất hiện khi hãng Delta Air Lines ngày 31/3 cũng thông báo sẽ bỏ yêu cầu ngồi cách ghế trên các chuyến bay để có thêm chỗ tiếp nhận hành khách trong thời gian tới. Delta là hãng hàng không lớn cuối cùng tại Mỹ duy trì biện pháp giãn cách trên các chuyến bay. Tuy nhiên, hãng vẫn yêu cầu hành khách bắt buộc đeo khẩu trang trong các chuyến bay.

L.H (tổng hợp TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/254043/nganh-san-xuat-my-dat-muc-tang-truong-ngoan-muc-trong-thang-3.html