Ngành hàng không Mỹ chịu ảnh hưởng nặng nề nếu chính phủ đóng cửa

FAA ước tính sẽ phải cho hơn 17.000 nhân viên nghỉ phép và tạm dừng hoạt động đào tạo nếu Quốc hội Mỹ không phê chuẩn kế hoạch ngân sách chi cho các hoạt động của chính phủ trước ngày 30/9.

Máy bay đỗ tại Sân bay Ronald Reagan ở Arlington, Virginia, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 27/9, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Mỹ Pete Buttigieg cảnh báo việc chính phủ nước này đóng cửa một phần sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, gây gián đoạn giao thông vận tải, đặc biệt là ngành hàng không.

Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) và Hiệp hội Lữ hành Mỹ cũng bày tỏ quan ngại tương tự.

FAA ước tính sẽ phải cho hơn 17.000 nhân viên nghỉ phép và tạm dừng hoạt động đào tạo nếu Quốc hội Mỹ không phê chuẩn kế hoạch ngân sách chi cho các hoạt động của chính phủ trước ngày 30/9.

Trong khi đó, Hiệp hội Lữ hành Mỹ ước tính việc chính phủ đóng cửa một phần có thể khiến ngành du lịch nước này thiệt hại tới 140 triệu USD/ngày.

Hiệp hội này lưu ý trong thời gian chính phủ đóng cửa, hệ thống hàng không sẽ đối mặt với tình trạng nhiều chuyến bay bị chậm, thời gian kiểm tra an ninh lâu hơn và nhiều bước lùi khác trong quá trình hiện đại hóa du lịch hàng không.

Vào năm 2019 khi Chính phủ Mỹ ngừng hoạt động trong 35 ngày, số lượng nhân viên kiểm soát không lưu và nhân viên Cơ quan Quản lý An ninh vận tải Mỹ (TSA) nghỉ làm tăng vọt, dẫn đến tình trạng hành khách xếp hàng dài chờ làm thủ tục tại một số sân bay.

FAA khi đó buộc phải giảm lưu lượng vận tải hàng không đồng thời gây sức ép đối với các nhà lập pháp nhằm chấm dứt tình trạng bế tắc kéo dài.

Cũng trong ngày 27/9 tại một sự kiện của Viện Chính sách Kinh tế, Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Jared Bernstein cho biết nền kinh tế đầu tàu thế giới đang đối mặt với những “cơn gió ngược” từ nguy cơ chính phủ phải đóng cửa, chính sách cho phép hoãn trả nợ các khoản vay dành cho sinh viên kết thúc, lãi suất cao hơn và các cuộc đình công của công nhân ngành ôtô.

Tuy nhiên, ông Bernstein dự báo kinh tế Mỹ sẽ phát triển theo hướng “khá tốt” nếu không mắc sai lầm về chính sách hay chịu tác động từ cú sốc bên ngoài.

Chính phủ Mỹ sẽ phải đóng cửa nếu Quốc hội nước này không thông qua dự luật ngân sách trước ngày 30/9 tới. Bế tắc ngân sách lần này được cho là xuất phát chủ yếu từ sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đảng Cộng hòa về vấn đề thuế và chi tiêu, trong đó có gói viện trợ 24 tỷ USD cho Ukraine.

Trường hợp xấu nhất khi không có thỏa thuận nào được thông qua trước khi bắt đầu tài khóa 2024 (từ ngày 1/10/2023- ngày 30/10/2024), Chính phủ Mỹ sẽ phải ngừng hoạt động cho tới khi một dự luật ngân sách cho năm tới được thông qua. Nếu kịch bản này xảy ra, hàng trăm cơ quan chính phủ sẽ bị ảnh hưởng. Hàng trăm nghìn nhân viên liên bang sẽ phải nghỉ phép không lương. Hàng loạt dịch vụ công bị gián đoạn.

Việc đóng cửa cũng sẽ khiến các dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ, bao gồm báo cáo việc làm, lạm phát, chi tiêu tiêu dùng vốn đặc biệt quan trọng với các nhà hoạch định chính sách và đầu tư, sẽ bị đình chỉ công bố vô thời hạn.

Từ năm 1981 đến nay, Chính phủ Mỹ đã 14 lần bị đóng cửa, có lần chỉ kéo dài 1-2 ngày. Lần gần đây nhất và lâu nhất kéo dài 35 ngày dưới thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump do bất đồng về vấn đề an ninh biên giới./.

Mai Nguyễn-Lan Phương (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/nganh-hang-khong-my-chiu-anh-huong-nang-ne-neu-chinh-phu-dong-cua/899149.vnp