Ngành cưới ở Hong Kong lao đao vì dịch

Đại dịch Covid-19 khiến nhiều cặp uyên ương Hong Kong (Trung Quốc) phải hoãn hoặc giảm quy mô lễ kết hôn, khác xa với truyền thống xa hoa, linh đình.

Winnie Tam (32 tuổi, giám đốc tiếp thị) đã dành hơn một năm và khoảng 500.000 HKD (64.000 USD) để lên kế hoạch cho đám cưới trong mơ của mình với 800 khách mời.

Winnie hình dung ra cảnh mình xuất hiện tại hôn trường vào lúc hoàng hôn cùng bạn trai Jimmy Yu (34 tuổi, doanh nhân) và ăn mừng ngày vui cùng gia đình, bạn bè, theo South China Morning Post.

Dự kiến diễn ra vào tháng 2/2020, song tiệc cưới của đôi trẻ phải hoãn lại do đại dịch Covid-19.

Winnie và Jimmy nằm trong số hàng nghìn cặp đôi ở Hong Kong (Trung Quốc) phải thay đổi kế hoạch tổ chức đám cưới liên tục do đại dịch. Nhiều người đã lựa chọn từ bỏ hoặc hoãn ngày trọng đại của mình vô thời hạn.

Một số vẫn quyết định kết hôn đành tổ chức các buổi lễ nhỏ, phát trực tiếp cho gia đình và bạn bè. Điều này khác xa với truyền thống ở Hong Kong khi những đám cưới thường lớn, xa hoa với các bữa tiệc linh đình.

Ryan Marler và Eki Lau dự định kết hôn vào tháng 11 tới.

Theo Bộ Di trú Hong Kong, số cuộc hôn nhân đã giảm mạnh từ 44.520 vào năm 2019 xuống còn 28.161 vào năm 2020.

Tháng 2/2020, Winnie và Jimmy đã thực hiện thủ tục kết hôn trước sự chứng kiến của người thân trong gia đình. Với số tiền đặt cọc 500.000 HKD cho tiệc cưới và các chi phí khác, cô dâu vẫn hy vọng đám cưới trong mơ có thể diễn ra.

Tuy nhiên, một năm trôi qua, điều này vẫn chưa thể trở thành hiện thực vì làn sóng dịch bệnh khiến các quy tắc giãn cách chưa được nới lỏng.

Theo Cục Thực phẩm và Sức khỏe Hong Kong, tiệc cưới không được có trên 20 người, không quá 4 người ngồi cùng một bàn. Các buổi tiệc kỷ niệm cũng có giới hạn 20 người, không được dùng đồ ăn thức uống.

Cưới trong phòng khách sạn

Năm 2020, công ty của Pierre Sun Cho-yung chỉ tiến hành tổ chức cho 4.900 đám cưới, giảm so với con số 8.700 vào năm 2019.

Làm chủ trì đám cưới từ năm 2006, Pierre cho biết tình trạng các cặp uyên ương hoãn hoặc tổ chức đám cưới nhỏ gọn trở nên phổ biến trong thời kỳ đại dịch. Với các lệnh hạn chế tụ tập, nhiều đôi trẻ chọn tổ chức ở những nơi như công viên, nhà dân, văn phòng hoặc phòng khách sạn.

Khi ấn định ngày cưới vào 19/12/2020, Eki Lau (31 tuổi) và Ryan Marler (32 tuổi, người Mỹ) những tưởng đại dịch sẽ kết thúc sau khoảng vài tháng. Hai người đã đặt tiệc cưới ở nhà hàng và trả tiền cọc.

Eki và Ryan tổ chức buổi lễ kết hôn nhỏ để lấy ngày đẹp.

Khi nhận ra rằng dịch Covid-19 sẽ không sớm kết thúc và bố mẹ của Ryan không thể từ Mỹ đến chung vui, đôi trẻ đành hoãn ngày vui đến 28/11 tới. Tuy nhiên, Eki vẫn muốn kết hôn vào ngày đẹp 19/12/2020. Hai vợ chồng quyết định tổ chức trước một buổi lễ nhỏ với ít bạn bè trên thuyền.

Dù vậy, khi làn sóng Covid-19 thứ 4 ập tới, đến buổi lễ nhỏ trên thuyền của đôi trẻ cũng không thể tổ chức. Cuối cùng, hai người đành nói "Tôi đồng ý" trong một căn phòng khách sạn giá 770 USD với 12 khách đeo khẩu trang, bố mẹ Ryan theo dõi qua livestream.

"Chúng tôi thậm chí không thể ăn tối cùng mọi người. Sau khi chụp vài bức ảnh kỷ niệm, mọi người phải ra về. Thật buồn", cô dâu chia sẻ.

Khó nhận lại tiền cọc

Sau một năm trì hoãn và không mong có thể tổ chức đám cưới hoành tráng, việc lấy lại tiền đặt cọc đối với nhiều cặp uyên ương cũng không dễ dàng.

Winnie có con trong khi chưa thể tổ chức tiệc cưới.

Hai tuần sau khi đăng ký kết hôn, Winnie phát hiện có thai. Cô sinh bé Arissa vào tháng 10/2020.

Sự xuất hiện của thành viên mới khiến cặp vợ chồng phải suy nghĩ về vấn đề tài chính. Tuy nhiên dù muốn, cả hai khó mà lấy lại tiền cọc ở 2 địa điểm tổ chức đám cưới.

Hai nơi này đều cho biết sẵn sàng giữ chỗ cho họ đến khi các hạn chế được nới lỏng và tuyên bố "không thể hoàn trả bất kỳ khoản tiền nào".

“Tôi đã sinh một đứa con rồi. Có lẽ tôi không muốn có một đám cưới lớn như vậy nữa, nhưng tôi không thể nhận lại số tiền đã đặt cọc", Winnie nói.

Năm 2020, Hội đồng Người tiêu dùng Hong Kong đã nhận được 233 đơn khiếu nại về dịch vụ đám cưới, tăng gấp ba lần so với 76 đơn khiếu nại vào năm 2019. Hơn một nửa liên quan đến tiền cọc tiệc cưới.

Eki Lau và chồng vẫn đang hy vọng có thể tổ chức lễ cưới vào tháng 11. Hai người cảm thấy may mắn khi nhà hàng nơi họ đặt tiệc đã đồng ý hoãn lại mà không gặp bất kỳ rắc rối hay phụ phí nào.

Ngành cưới lao đao

Công ty truyền thông phong cách sống ESDlife ước tính thị trường tiệc cưới đã giảm 46%, xuống còn 8,8 tỷ HKD vào năm 2020 so với 2019.

“Nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, phải chịu áp lực lớn trong khi cố gắng thích nghi với tình hình biến động", Hội đồng Người tiêu dùng Hong Kong nhận định.

Ngành công nghiệp tỷ HKD này bao gồm các nhà tổ chức sự kiện, nhiếp ảnh gia, nhạc sĩ và chuyên viên trang điểm, tất cả đều bị ảnh hưởng.

Số đơn đặt hàng Denice Wong chụp đám cưới giảm hẳn do dịch bệnh.

Đối với nhiếp ảnh gia Denice Wong, phần lớn thu nhập của cô đến từ các buổi chụp đám cưới và đính hôn. Tuy nhiên, số đơn đặt trước của cô đã giảm từ 150-170/năm xuống chỉ còn 90 vào năm ngoái.

“Đáng lẽ bây giờ chúng tôi đang bắt đầu xếp lịch cho các cặp cưới trong năm nay, song hiện phần lớn là lịch cho những cặp đã hoãn đám cưới vào năm ngoái", cô nói.

Hơn hết, một số cặp đôi dự định kết hôn trong năm nay không dám đặt lịch trước bởi họ không chắc khi nào đại dịch mới được khống chế.

Denice cho biết trước đây, 90% lượng đơn đám cưới là đặt chụp cho cả ngày, có giá 22.000 HKD. Hiện, phần lớn chỉ đặt chụp nửa ngày (15.000 HKD) hoặc hai giờ (7.000 HKD).

"Với tình hình hiện giờ, có đơn chụp trong 2 giờ cũng là may rồi", cô chia sẻ.

Mai An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cai-chet-cua-nhung-dam-cuoi-xa-hoa-post1188197.html