Ngành công thương trong đẩy mạnh tiết kiệm, phòng, chống lãng phí

Ngày 23-12, Bộ Công Thương tổ chức Diễn đàn: 'Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển'.

Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Theo chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025, Bộ Công Thương đặt ra yêu cầu phải tăng cường ý thức trách nhiệm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các tổng công ty, công ty, các đơn vị hành chính, sự nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức thuộc Bộ; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại các đơn vị; xử lý nghiêm các hành vi gây ra thất thoát lãng phí; làm cơ sở đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, cá nhân, cán bộ, công chức, viên chức.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại diễn đàn.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại diễn đàn.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin, là một bộ kinh tế đa ngành, ban cán sự Đảng, lãnh đạo và các công chức, viên chức của Bộ Công Thương coi phòng, chống lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và có ý nghĩa hết sức quan trọng của ngành để nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành, góp phần tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. “Ngành công thương chiếm tỷ trọng rất lớn của nền kinh tế. Nếu ngành Công Thương làm tốt nhiệm vụ tiết kiệm, chống lãng phí sẽ tạo nguồn lực khơi thông cho phát triển kinh tế đất nước”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.

Hằng năm, Bộ Công Thương đều ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó chỉ đạo các đơn vị trong bộ, doanh nghiệp trong ngành quán triệt và triển khai thực hiện, đồng thời đẩy mạnh truyền thông nâng cao ý thức của cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong công tác tiết kiệm, phòng, chống lãng phí.

Trong năm 2021, Bộ tiết kiệm 4,5 tỷ đồng công tác phí, 1,2 tỷ đồng chi phí hội thảo, 1 tỷ đồng tiền khánh tiết, 1,7 tỷ đồng văn phòng phẩm, thông tin liên lạc. Các doanh nghiệp do Bộ Công Thương là đại diện chủ sở hữu tiết kiệm 10,9 tỷ đồng.

Đến năm 2022, các doanh nghiệp đã tiết kiệm hơn 290 tỷ đồng chi phí quản lý. Trong năm 2023, Văn phòng Bộ tiết kiệm chi ngân sách nhà nước hơn 13 tỷ đồng (10,66% kinh phí giao), trong khi các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí quản lý lên tới 765 tỷ đồng.

Đặc biệt, năm 2024, Bộ Công Thương đã tạo được sự đột phá trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách với hàng loạt Luật, Nghị định, Thông tư được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp; tái khởi động Chương trình phát triển điện hạt nhân; tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo; đổi mới vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia; giải quyết nhiều dự án tồn đọng của ngành, giúp khai thông các điểm nghẽn, tránh lãng phí nguồn lực xã hội. Đồng thời mở ra cơ hội huy động các nguồn lực đầu tư của xã hội.

"Năm 2024, Bộ cũng đã chủ động, quyết liệt "tinh, gọn, mạnh" bộ máy theo tinh thần tổng kết Nghị quyết số 18, đề xuất tinh giản gần 18% số đầu mối đơn vị thuộc Bộ và tinh gọn mạnh bộ máy hoạt động từ bên trong", Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nêu rõ.

Mặc dù đã đạt được kết quả bước đầu song Bộ Công Thương xác định phải tiếp tục đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đẩy mạnh, nâng cao ý thức của cán bộ trong chống lãng phí

Nêu rõ về vấn đề chống lãng phí, PGS, TS Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nhấn mạnh, ngay trong lịch sử đất nước chúng ta, triều đại nào biết tiết kiệm thì triều đại đó phát triển, hưng thịnh; ngược lại triều đại nào tiêu pha, xây dựng nhiều đền đài lãng phí sức dân thì triều đại đó suy tàn.

Quang cảnh diễn đàn.

Quang cảnh diễn đàn.

PGS, TS Lê Hải Bình nhấn mạnh, các quốc gia đều thực hành việc chống lãng phí dựa trên một số yếu tố mang tính căn bản. Đó là một hành lang pháp lý chặt chẽ kết hợp với công nghệ hiện đại trong quản trị nguồn lực, từ giáo dục và nâng cao ý thức người dân cùng với quyết tâm mạnh mẽ của chính phủ. Các quốc gia phát triển đã chứng minh rằng phòng, chống lãng phí không chỉ là mục tiêu kinh tế mà còn là trách nhiệm xã hội. Chống lãng phí không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà còn là sự thay đổi trong văn hóa, quan niệm và nhận thức.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống lãng phí, Đại tá Nguyễn Hữu Sơn, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) kiến nghị: Thực hiện nghiêm các quy định hiện hành của Đảng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thể chế hóa và quy định cụ thể vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng, chống lãng phí; đồng thời tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chuyên đề ở tất cả các cấp đối với các lĩnh vực dễ phát sinh lãng phí; thực hiện tốt cơ chế kiểm tra, giám sát chéo việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ trên nguyên tắc minh bạch về thời gian, tiến độ thực hiện; quy định đầy đủ, gắn trách nhiệm quản lý sai phạm liên đới đối với người đứng đầu tổ chức, đơn vị nhằm nâng cao trách nhiệm, hiệu quả làm việc của từng cá nhân; xóa bỏ cơ chế “xin - cho” trong phân bổ và sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/nganh-cong-thuong-trong-day-manh-tiet-kiem-phong-chong-lang-phi-808401