Ngành công nghiệp ngọc bích Myanmar: Canh bạc chết người (Kỳ 1: Máu và nước mắt)

Ít nhất 175 người đã thiệt mạng và nhiều người khác mất tích trong vụ lở đất tại một khu mỏ ngọc ở miền Bắc Myanmar hôm 2-7 vừa qua. Tuy nhiên, thảm kịch này chỉ là một phần trong những góc tối của ngành công nghiệp khai thác đá quý đầy máu và nước mắt tại nước này. Ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD này được cho là 'sẽ tiếp tục lấy đi mạng sống của nhiều người' trong tương lai.

Ít nhất 175 người đã thiệt mạng và nhiều người khác mất tích trong vụ lở đất tại một khu mỏ ngọc ở miền Bắc Myanmar hôm 2-7 vừa qua. Tuy nhiên, thảm kịch này chỉ là một phần trong những góc tối của ngành công nghiệp khai thác đá quý đầy máu và nước mắt tại nước này. Ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD này được cho là “sẽ tiếp tục lấy đi mạng sống của nhiều người” trong tương lai.

Thi thể các nạn nhân trong vụ sập mỏ ngọc ở Hpakant hôm 2-7 được chuyển đi. Ảnh: CNN

Đánh cược mạng sống

Thảm kịch xảy ra ở Hpakant, thị trấn khai thác ngọc bích nổi tiếng phía bắc Myanmar. Vào đầu giờ sáng ngày 2-7, hàng trăm người tìm ngọc đã có mặt trên những rìa núi không ổn định để tìm kiếm ngọc trong những đống đất đá được đổ bởi xe tải. Họ tin chắc, việc tìm thấy một viên đá có giá trị sẽ mãi mãi thay đổi cuộc sống của họ.

Nhưng thần chết dường như đã tìm thấy họ. Mưa lớn khiến đống chất thải cao hơn 76m sạt lở, đổ sụp xuống khu mỏ lộ thiên, nơi có một hồ nước hình thành từ những trận mưa gần đây, tạo ra một đợt sóng vô cùng lớn. Các thợ mỏ ngay lập tức bị chôn vùi trong bức tường bùn. Sóng do hồ nước tạo ra cuốn phăng nhiều thợ mỏ xuống lớp bùn nhầy, khiến họ chết sặc. Một số điên cuồng tháo chạy lên cao khi một đống bùn đen cao chót vót đổ ập xuống hồ nước màu ngọc lam. "Chiều cao của sóng bùn lên tới 6m khiến nhiều người chết đuối. Nó giống như một cơn sóng thần", ông U Tin Soe, một quan chức địa phương nói.

Trận lở đất tại mỏ Wai Khar lần này đã lập kỷ lục về số người thiệt mạng với ít nhất 175 người chết, chủ yếu là nam giới ở độ tuổi 20, và nhiều người trong số họ đến từ các bang xa xôi như Rakhine bị chiến tranh tàn phá. Hồi tháng 4-2019, 50 thợ mỏ tự do đã bị chôn sống trong một vụ sập hầm mỏ, trong khi một vụ lở đất hồi năm 2015 cướp đi sinh mạng của 120 người khác. Mỗi thảm họa đã châm ngòi cho những cải cách của ngành khai thác ngọc tại Myanmar.

“Cơn thảm kịch tại mỏ Hpakant không phải là thảm họa thiên nhiên mà là thảm họa do con người tạo ra. Lý do cốt lõi là do sự quản lý yếu kém của chính quyền trung ương đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường kém cũng như những sai sót trong quy định năm 2008”, Tập đoàn Phát triển Kachin cho biết.

Thị trấn Hpakant của bang Kachin là trung tâm khai thác ngọc lớn nhất Myanmar, nắm giữ 14.000ha đất giàu trữ lượng ngọc nhất nước này. Các mỏ ở đây đã chính thức bị đóng cửa vào ngày 30-6, nhưng điều đó không thể ngăn chặn những người tìm ngọc trái phép đến trong khu vực. Mỗi ngày, những công nhân như vậy sẽ về nhà tay không, hoặc kiếm được vài USD nếu tìm thấy những viên đá nhỏ. Nếu họ tìm thấy những viên lớn hơn, Cty hoặc ông chủ mà họ làm việc sẽ lấy đi viên đá và chỉ trả cho họ một khoản ít ỏi. Cách các Cty này hoạt động không minh bạch, nên hầu như gia đình các nạn nhân trong vụ sạt lở không thể nhận được bất kỳ khoản bồi thường nào từ chính phủ, hoặc từ Cty mà họ làm việc.

Thất hứa và thiếu giám sát

Các nhóm xã hội dân sự ở miền bắc Myanmar đã chỉ trích các chính sách của Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) đối với các lời kêu gọi cải cách khu vực này sau khi nạn lở đất do khai thác mỏ tái diễn tồi tệ hơn dưới thời quân đội cai trị đất nước.

Sau khi lên nắm quyền 5 năm trước, Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi của chính phủ do NLD cầm quyền hứa sẽ tiến hành những cải cách thực sự, nhưng khuôn khổ pháp lý yếu kém vẫn tiếp tục tồn tại và rất ít tiến triển. Sau khi thảm kịch xảy ra, bà Suu Kyi cho rằng những người khai thác mỏ ở đó đã không tuân thủ việc mỏ đã bị đóng cửa và cho biết, hầu hết những nạn nhân là những người khai thác bất hợp pháp. Bà cho biết rất khó để người dân tại khu vực này kiếm được việc làm hợp pháp và việc tạo ra việc làm nên là ưu tiên hàng đầu.

Những người quan tâm đến Myanmar đang hoài nghi liệu “cơ quan điều tra” do chính phủ công bố sẽ mang lại kết quả thực sự nào hay không, hoặc liệu chính phủ sẽ tăng cường thêm các biện pháp điều chỉnh mới hay không. Các nhà phê bình đã chỉ ra rằng, những vụ lở đất với số người chết đáng kể vì chính phủ không sẵn sàng thực thi các tiêu chuẩn an toàn cũng như giám sát chặt chẽ các Cty khai thác mỏ được phép hoạt động tại Hpakant.

“5 năm sau khi nắm quyền và cam kết cải tổ vấn đề tham nhũng, NLD vẫn chưa thực hiện những cải cách cần thiết, khiến các hoạt động khai thác mỏ nguy hiểm vẫn tiếp diễn, đánh cược mạng sống của những công nhân dễ bị tổn thương tại các mỏ ngọc của đất nước”, Cơ quan giám sát môi trường Global Witness có trụ sở tại London ra tuyên bố sau thảm kịch gần đây nhất. “Chính phủ càng kéo dài việc đưa ra những cải cách nghiêm ngặt đối với ngành khai thác mỏ ngọc, sẽ có thêm những mạng sống bị mất đi. Đây là một thảm kịch hoàn toàn có thể phòng ngừa được, nó đóng vai trò như một lời cảnh tỉnh khẩn cấp cho chính phủ”, tuyên bố cho biết.

Năm 2014, chính phủ Myanmar đã tham gia Sáng kiến minh bạch các ngành công nghiệp khai thác (EITI) để tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong cách quốc gia quản lý tài nguyên thiên nhiên. Điều này nhằm mục đích tạo ra một danh sách công khai các giấy phép hoạt động về khai thác dầu, khí đốt, đá quý và khoáng sản, nhưng phần lớn dữ liệu vẫn chưa đầy đủ. Các nhà phê bình cho rằng, luật Đá quý, được thông qua vào năm 2019, không đủ mạnh trong việc ngăn chặn nạn khai thác bất hợp pháp. Một chính sách khai thác đá quý riêng biệt vẫn chưa được thực hiện đã ngăn cản cách tiếp cận khả thi và lâu dài hơn đối với lĩnh vực khai thác ngọc.

(còn nữa)

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/122_228003_nganh-cong-nghiep-ngoc-bich-myanmar-canh-bac-chet-nguoi-ky-1-mau-va-nuoc-mat-.aspx