Ngân hàng Xây dựng phải giao trả giấy chứng nhận quyền sử dụng 70.000m2 đất cho Phương Trang

Sau vụ đại án Hứa Thị Phấn từ năm ngoái, đến nay cơ quan chức năng đã yêu cầu thực thi những phần khác của bản án và cũng là lúc để chúng ta nhìn lại vụ kiện gây xôn xao dư luận vừa qua mà lấy nó làm tấm gương nhắc nhở bản thân trước những hành vi trái pháp luật.

Cục Thi hành án dân sự TP HCM đã yêu cầu Ngân hàng Thương mại Một thành viên Xây dựng Việt Nam - CB mà đại diện là bà Hứa Thị Phấn (Nguyên cố vấn cấp cao Ngân hàng Đại Tín (TrustBank) - tiền thân của CB Bank) phải giao trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các hồ sơ liên quan đến thửa đất gần 70.000 m2 (xã Tân Túc, huyện Bình Chánh) vốn đã được Công ty TNHH TMDV Bất động sản Phú Mỹ (thuộc Công ty Phương Trang) thế chấp đảm bảo cho khoản phát hành trái phiếu của Công ty Trường Vỹ trước đó, nhưng trên thực tế Công ty Trường Vỹ không nhận được tiền.

Thửa đất 70.000 m2 cũng chỉ là một phần trong đại án Hứa Thị Phấn đã từng gây xôn xao dư luận vào cuối năm ngoái. Ngày 2/11/2018, sau gần hai tuần xét xử và nghị án, TAND Cấp cao tại TP HCM bác kháng cáo của bà Hứa Thị Phấn cùng đồng phạm và giữ nguyên bản án sơ thẩm, tuyên phạt bà Phấn 20 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và 20 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Tổng hợp với bản án 17 năm tù do TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên trước đó, bà Hứa Thị Phấn phải chấp hành 30 năm tù - mức án cao nhất của khung hình phạt có thời hạn.

Bà Hứa Thị Phấn - Nguyên cố vấn cấp cao Ngân hàng Đại Tín

Trước đó, theo bản cáo trạng thì vào năm 2007 bà Hứa Thị Phấn mua gần 85% cổ phần của Ngân hàng TrustBank và nghiễm nhiên giữ chức vụ cố vấn cấp cao Hội đồng quản trị. Tuy rằng theo HĐXX, Luật Các tổ chức tín dụng không cho phép cổ đông nắm giữ quá 20% vốn điều lệ nhưng với số cổ phần của bà Phấn dĩ nhiên khiến bà thâu tóm toàn bộ hoạt động của TrustBank.

Lợi dụng việc nắm quyền chi phối, bà Phấn đưa những người có quan hệ thân thích vào nắm quyền hành trong ngân hàng như bổ nhiệm cháu gái Ngô Kim Huệ, em trai Hứa Xường làm chức Phó tổng, đưa Hoàng Văn Toàn vào làm Chủ tịch HĐQT để từ đó bà cùng nhóm đồng phạm thực hiện hàng loạt hành vi vi phạm pháp luật.

Tính đến tháng 2/2012 ngân hàng lỗ lũy kế hơn 6.000 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu hơn 2.800 tỷ đồng. Bằng những thủ đoạn để nâng khống giá nhà và chiêu thức mua đi bán lại, cuối cùng bà Phấn bỏ túi hơn 1.105 tỷ đồng. Ngoài ra, bà cùng đồng phạm còn lập chứng từ hạch toán khống trên hệ thống SmartBank hơn 5.256 tỷ đồng, sau đó đẩy nợ cho Công ty Phương Trang, cấn trừ vào số tiền đã chiếm đoạt.

Tổng thiệt hại mà bà Hứa Thị Phấn gây ra cho Ngân hàng Đái Tín là hơn 6.300 tỷ đồng. Vậy nên ngoài bản án 30 năm tù đã nói ở trên thì tòa còn buộc bà Phấn bồi thường cho CB Bank hơn 16.700 tỷ đồng.

Các bị cáo trong đại án Hứa Thị Phấn

Giờ đây, khi đứng trước vành móng ngựa và những bản án tù lên đến hàng chục năm, những kẻ phạm tội khi nói lời cuối cùng mới rớt những giọt nước mắt hối hận thì liệu có quá muộn màng?! Với đối tượng nặng tội nhất là bà Hứa Thị Phấn được xác định mất 93% sức khỏe, do tăng huyết áp độ ba và tiểu đường tuýp II, thoát vị đĩa đệm, khô khớp, nay phải đối diện với án tù lên đến 30 năm liệu có chịu đựng được?

Những vụ việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của công cũng không còn xa lạ mấy khi trước đó cũng có rất nhiều vụ việc những người đứng đầu một tổ chức, một doanh nghiệp thâm lạm quỹ và dùng chiêu trò để trục lợi bằng những hành vi trái pháp luật. Với những sự việc này cần lắm sự mạnh tay của luật pháp để răn đe và là lời cảnh tỉnh cho những ai suýt rơi vào vòng xoáy của đồng tiền mà vi phạm pháp luật.

Hữu Long

Nguồn Sao Pháp Luật: http://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/ngan-hang-xay-dung-phai-giao-tra-giay-chung-nhan-quyen-su-dung-70000m2-dat-cho-phuong-trang-3070/