Ngân hàng Nhà nước ghi nhận có ngân hàng muốn giảm vốn điều lệ

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến để sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 50/2018/TT-NHNN quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận một số nội dung thay đổi của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 50/2018/TT-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2018 quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận một số nội dung thay đổi của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo đó, NHNN dự định sẽ bổ sung quy định về giảm vốn điều lệ của ngân hàng thương mại cổ phần (trừ trường hợp ghi giảm vốn điều lệ trong trường hợp chuyển giao bắt buộc của ngân hàng được kiểm soát đặc biệt).

NHNN cho biết, thời gian qua, cơ quan này nhận được đề nghị của ngân hàng thương mại cổ phần có nhu cầu giảm mức vốn điều lệ theo quy định tại Điều 29 Luật các TCTD.

Tuy nhiên, Thông tư số 50 hướng dẫn về trình tự, thủ tục, hồ sơ chấp thuận những thay đổi quy định tại Điều 29 Luật các TCTD mới chỉ quy định về việc tăng mức vốn điều lệ mà chưa có quy định về việc giảm vốn điều lệ của ngân hàng cổ phần.

Trong khi đó, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và Thông tư 40/2011/TT-NHNN đều đã đề cập đến nội dung này.

Do đó, NHNN sửa đổi, bổ sung phạm vi điều chỉnh của Thông tư 50 theo hướng bổ sung thủ tục giảm vốn điều lệ của ngân hàng thương mại cổ phần (trừ trường hợp ghi giảm vốn điều lệ trong trường hợp chuyển giao bắt buộc của ngân hàng được kiểm soát đặc biệt).

Dự thảo Thông tư bổ sung Điều 14a vào sau Điều 14 về giảm mức vốn điều lệ của ngân hàng thương mại cổ phần thông qua việc mua lại cổ phần của cổ đông để phù hợp với các quy định về trách nhiệm của đại hội đồng cổ đông; quy định về mua lại cổ phần của doanh nghiệp, ngân hàng thương mại; quy định về công ty đại chúng mua lại cổ phiếu của chính mình; quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động và an toàn hoạt động ngân hàng.

Hồ sơ đề nghị giảm vốn bao gồm 4 thủ tục. Đầu tiên là văn bản đề nghị, trong đó có tối thiểu các nội dung: lý do giảm, mức vốn điều lệ dự kiến giảm, cam kết giảm vốn điều lệ không làm giá trị thực của vốn điều lệ thấp hơn mức vốn pháp định, không dẫn đến vi phạm các tỷ lệ, giới hạn an toàn hoạt động, thời gian dự kiến hoàn thành việc giảm mức vốn điều lệ.

Nghị quyết hoặc quyết định của Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án giảm mức vốn điều lệ của ngân hàng thương mại cổ phần thông qua việc mua lại cổ phần của cổ đông.

Phương án giảm mức vốn điều lệ, tối thiểu phải có: kế hoạch mua lại cổ phần (số lượng cổ phần dự kiến mua lại, nguyên tắc xác định giá, giá dự kiến mua lại, thời điểm thực hiện dự kiến; nguồn dự kiến sử dụng để mua lại cổ phần); Danh sách cổ đông và tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông có tỷ lệ sở hữu từ 5% tổng số cổ phần phổ thông trở lên so với vốn điều lệ thời điểm hiện tại và dự kiến sau khi giảm vốn điều lệ; Danh sách người sở hữu cổ phiếu hạn chế chuyển nhượng;

Danh sách cổ đông hoặc người có liên quan có tỷ lệ sở hữu cổ phần từ 20% trở lên so với vốn điều lệ thời điểm hiện tại và dự kiến sau khi giảm vốn điều lệ; Thông tin về tổng mức sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài hiện tại và dự kiến sau khi giảm vốn điều lệ (nếu có); Đánh giá tác động của việc giảm vốn điều lệ đối với tình hình hoạt động, an toàn hoạt động của ngân hàng thương mại (trước và dự kiến sau khi giảm vốn điều lệ), trong đó bao gồm các chỉ tiêu an toàn sau đây: vốn điều lệ, giá trị thực của vốn điều lệ; tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu; giới hạn góp vốn, mua cổ phần; giới hạn, hạn chế cấp tín dụng.

Báo cáo tài chính của năm liền kề trước năm đề nghị của ngân hàng thương mại đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập trong trường hợp thời điểm dự kiến mua lại cổ phần từ 6 tháng trở xuống kể từ thời điểm kết thúc năm tài chính và trong trường hợp thời điểm dự kiến mua lại cổ phần quá 6 tháng kể từ thời điểm kết thúc năm tài chính.

Trong thời hạn 25 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấp thuận đề nghị giảm mức vốn điều lệ của ngân hàng thương mại; trường hợp không chấp thuận, Ngân hàng Nhà nước có văn bản trả lời và nêu rõ lý do. Văn bản chấp thuận giảm mức vốn điều lệ có hiệu lực trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày ký.

Việc NHNN ghi nhận có ngân hàng muốn giảm vốn điều lệ khá bất ngờ bởi thời gian gần đây, theo ghi nhận, nhiều ngân hàng đã trình cổ đông, đề xuất tăng vốn điều lệ.

Chẳng hạn, BIDV vừa được thông qua kế hoạch nâng vốn điều lệ năm 2021 thêm 8.304 tỷ đồng. MSB dự kiến nâng vốn điều lệ từ 11.750 tỷ đồng lên 15.275 tỷ đồng. VIB cũng trình cổ đông phương án tăng vốn, nếu thực hiện thành công, vốn điều lệ sẽ tăng từ hơn 11.000 tỷ đồng lên 16.000 tỷ đồng…

MB hiện là ngân hàng có kế hoạch tăng vốn mạnh nhất trong năm nay, tăng thêm hơn 10.600 tỷ lên 38.675 tỷ đồng, tức tăng tới 38%.

Hàng loạt ngân hàng lớn khác cũng muốn tăng mạnh vốn điều lệ trong năm 2021: ACB tăng hơn 5.400 tỷ lên hơn 27.000 tỷ; SHB tăng hơn 3.700 tỷ lên hơn 21.300 tỷ; HDBank tăng hơn 4.000 tỷ lên hơn 20.100 tỷ; SCB muốn tăng 5.000 tỷ lên hơn 20.000 tỷ.

Ở nhóm ngân hàng quy mô tầm trung, OCB muốn tăng hơn 3.400 tỷ lên hơn 14.400 tỷ; VIB tăng hơn 4.900 tỷ lên gần 16.000 tỷ; MSB tăng hơn 3.500 tỷ lên 15.200 tỷ; SeABank tăng hơn 3.100 tỷ lên 15.200 tỷ.

Trong đó, hầu hết các ngân hàng chọn tăng vốn thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, riêng SCB muốn chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn.

Trần Anh

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/ngan-hang-nha-nuoc-ghi-nhan-co-ngan-hang-muon-giam-von-dieu-le-1618297889177.htm