Ngân hàng hết thời lãi đậm từ dịch vụ bán chéo bảo hiểm?

Trải qua hàng loạt lùm xùm, khách hàng tố bị ép mua bảo hiểm mới được giải ngân khoản vay, bị 'hô biến' từ tiền gửi tiết kiệm thành bảo hiểm nhân thọ..., doanh thu bán chéo bảo hiểm của các nhà băng bị tác động rõ rệt.

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, một trong những nội dung mới đáng chú ý đó là chính thức cấm ngân hàng bán bảo hiểm kèm dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức. Các chuyên gia dự báo thu nhập từ mảng dịch vụ của các nhà băng trong thời gian tới sẽ tiếp tục sụt giảm.

Doanh thu từ bảo hiểm giảm sâu

Những năm gần đây, các ngân hàng vẫn theo đuổi mục tiêu giảm phụ thuộc vào tín dụng, đa dạng hóa nguồn thu. Do đó, các ngân hàng tìm kiếm cơ hội tăng trưởng nhờ vào các hoạt động ngoài lãi, trong đó đặc biệt là hoạt động phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance). Không ít nhà băng, công ty bảo hiểm bỏ qua các ranh giới nghề nghiệp, bước vào vòng xoáy tìm kiếm lợi nhuận.

Thực tế cho thấy, nhiều người dân bị nhân viên của một số ngân hàng chào mời, ép buộc mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm liên kết đầu tư khi họ gửi tiết kiệm hoặc vay vốn. Thậm chí, có trường hợp đến ngân hàng vay 300 triệu đồng nhưng phải mua bảo hiểm tới 20 triệu đồng...

Doanh thu từ bancassurance có thể sẽ được cải thiện nếu như niềm tin của khách hàng phục hồi và củng cố.

Về mức độ đóng góp của kênh bancassurance với lợi nhuận của các ngân hàng, ông Phạm Văn Thịnh, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, dẫn ví dụ về số liệu năm 2020 của Vietcombank có lợi nhuận trước thuế là 23.050 tỷ đồng thì phí trả trước cho hợp đồng hợp tác độc quyền bán bảo hiểm nhân thọ đã là 9.200 tỷ đồng; ACB có lợi nhuận 9.596 tỷ đồng thì phí trả trước ngân hàng được hưởng là 8.400 tỷ đồng, chưa tính số hoa hồng đại lý trên số phí bảo hiểm được hưởng theo quy định của kinh doanh bảo hiểm...

“Như vậy có thể nói giai đoạn từ 2018 đến 2022, thu nhập từ làm đại lý bảo hiểm nhân thọ chiếm tỷ trọng rất lớn trong lợi nhuận của các ngân hàng thương mại”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, trong cơ cấu thu nhập hoạt động dịch vụ trong năm qua của nhiều ngân hàng vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2023 đã ghi nhận sự sụt giảm thu nhập ở hoạt động bancassurance tới 60-70%.

Cụ thể, năm 2023, thu nhập từ bán bảo hiểm của VIB chỉ còn 879 tỷ đồng, giảm 32,5% so với năm trước. Tại TPBank, doanh thu từ dịch vụ kinh doanh, dịch vụ bảo hiểm và tư vấn năm 2023 giảm tới 57%, chỉ còn 377 tỷ đồng. Tương tự, tại Techcombank, thu nhập từ hợp tác bảo hiểm trong năm qua giảm tới 62%, chỉ đạt 667 tỷ đồng.

Có thể thấy, thu nhập từ việc bán chéo bảo hiểm của ngân hàng đã bị ảnh hưởng do có các vụ việc lùm xùm gây bức xúc dư luận và các cơ quan quản lý đẩy mạnh hoạt động thanh kiểm tra. Đồng thời, thu nhập của người dân cũng giảm sút do kinh tế khó khăn nên nhu cầu mua bảo hiểm giảm.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng bất cứ loại hình kinh doanh nào cũng cần đặt sự công khai, minh bạch thông tin lên hàng đầu. Bởi lẽ, việc tư vấn mập mờ của nhân viên ngân hàng, nhân viên bảo hiểm đã dẫn đến tình trạng người dân gửi tiền trở thành người mua bảo hiểm, còn người vay tiền lại bị nhân viên ngân hàng "ép" mua các sản phẩm bảo hiểm.

Kỳ vọng cải thiện khi niềm tin của khách hàng phục hồi

Từ ngày 1/7/2024 – thời điểm Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực, các ngân hàng sẽ bị cấm hoạt động bán bảo hiểm theo hình thức "bán bia kèm lạc". Quy định này sẽ khiến các ngân hàng có thu nhập phí chủ yếu đến từ bancassurance có thể sẽ bị ảnh hưởng nhiều.

Theo đánh giá của Bộ phận phân tích Chứng khoán MB (MBS Research), với Luật mới, hoạt động bancassurance sẽ được quản lý chặt chẽ hơn, điều này sẽ khiến tốc độ tăng trưởng thu nhập từ bancassurance của các ngân hàng chậm lại so với giai đoạn 2019-2021.

Tương tự, Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng cho rằng hoạt động phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng của các ngân hàng bị tác động đáng kể và cần thời gian dài để phục hồi, đặc biệt là nhóm các ngân hàng có tỷ trọng thu nhập bancassurance trong tổng thu nhập lãi ngoài cao như VIB, ACB…

Các chuyên gia nhận định trong ngắn hạn, ngành ngân hàng vẫn phải đối diện với những khó khăn từ hoạt động bancassurance. Do đó, nguồn thu từ mảng kinh doanh bảo hiểm cần thêm thời gian mới có thể hồi phục. “Khi mà người dân nhận thức được tầm quan trọng của bảo hiểm thì lúc đó ngân hàng sẽ dễ dàng hơn trong việc triển khai bancassurance”, một chuyên gia nói.

Mặc dù doanh thu từ thị trường bảo hiểm đang sụt giảm mạnh, song lãnh đạo nhiều nhà băng tin tưởng, với hành lang pháp lý rõ ràng, chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ, ra mắt các sản phẩm phù hợp với nhu cầu khách hàng, mảng kinh doanh này sẽ sớm được vực dậy.

Đơn cử, tại Techcombank, doanh thu bảo hiểm giảm sâu trong cả năm 2023, song nếu tính riêng quý IV/2023 thì có sự khởi sắc đáng kể. Cụ thể, thu từ dịch vụ bảo hiểm quý IV/2023 tăng 25,2% so với cùng kỳ năm 2022. Lãnh đạo Techcombank tin tưởng, đây là tiền đề để mảng này hồi phục mạnh hơn trong năm 2024.

TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng doanh thu từ bancassurance có thể sẽ được cải thiện nếu như niềm tin của khách hàng phục hồi và củng cố.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng đưa ra quan điểm không nên để ngân hàng làm đại lý bảo hiểm như hiện nay. Thay vào đó, ngân hàng chỉ đóng vai trò là đơn vị giới thiệu khách, còn việc tư vấn, bán bảo hiểm phải là doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện.

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/ngan-hang-het-thoi-lai-dam-tu-dich-vu-ban-cheo-bao-hiem-1098139.html