Ngân hàng ế ẩm tài sản rao bán

Các ngân hàng đang rất tích cực rao bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ xấu, nhưng kết quả đạt được vẫn còn nhiều hạn chế do ảnh hưởng dịch Covid-19 và những vướng mắc còn tồn tại trong quá trình triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội.

Thị trường mua bán nợ hiện vẫn thiếu những nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Ảnh: ST

Rao bán cả lợn giống, thuốc bảo vệ thực vật...

Ngân hàng BIDV đang rao bán khoản nợ của Công ty Cổ phần Thức ăn chăn nuôi Trung ương với tổng dư nợ gần 159 tỷ đồng. tài sản đảm bảo (TSĐB) cho khoản nợ này ngoài trang trại lợn tại Ninh Bình còn có các thiết bị, máy móc chăn nuôi trang trại lợn, đàn lợn giống và một số máy móc khác như máy ép phân heo, máy khuấy chìm, máy bơm cấp bã, máy bẻ mảnh… BIDV đưa ra mức giá khởi điểm cho khoản nợ này là 104 tỷ đồng, thấp hơn 55 tỷ đồng so với giá trị của khoản nợ.

Trước đó, BIDV cũng bán đấu giá khoản nợ của của Công ty TNHH MTV Kinh doanh Dầu khí Việt Hải với tổng dư nợ trên 32 tỷ đồng. TSĐB cho khoản nợ gồm có quyền sử dụng đất, xưởng chiết nạp gas, nhà kho chứa hàng, khu bồn chứa gas, trạm biến áp tại trạm triết nạp gas Hải Dương. Ngoài ra còn có trên 90.000 vỏ bình gas, 13 xe ô tô bao gồm cả xe tải và xe con; trên 400.000 cổ phiếu của Công ty CP Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải... Giá khởi điểm của khoản nợ này là gần 21,2 tỷ đồng, thấp hơn 11 tỷ đồng so với dư nợ. Trong khi đó, Ngân hàng Agribank chi nhánh Phú Nhuận cũng đang rao bán 123 tấn thuốc bảo vệ thực vật với giá khởi điểm 5 tỷ đồng.

Đáng chú ý, rất nhiều TSĐB dù đã được rao bán nhiều lần nhưng vẫn không tìm được người mua. Cụ thể, ngày 16/10, Ngân hàng Agribank đưa ra đấu giá lô đất gần 2.900 m2 tại TP Vũng Tàu với giá khởi điểm 35,3 tỷ đồng. Đây là tài sản bảo đảm cho khoản vay của Công ty Phúc An Khang tại Agribank Chi nhánh Nhà Bè. Đáng chú ý, kể thừ tháng 11/2019 đến nay, Agribank đã 6 lần đưa lô đất này ra đấu giá nhưng đều không tìm được người mua. Qua mỗi lần đấu giá, Agribank lại giảm giá của lô đất hàng tỷ đồng, từ mức 48 tỷ đồng đưa ra trong đợt đấu giá đầu tiên vào tháng 11/2019, đến nay giá của lô đất đã giảm gần 13 tỷ đồng.

Cũng trong ngày 16/10, Agribank đưa ra đấu giá cụm 27 tài sản là đất và tài sản trên đất có tổng diện tích trên 73.000 m2 tại huyện Bình Chánh (TPHCM) với giá khởi điểm gần 356 tỷ đồng. Đây là lần thứ 8 Agribank đưa số tài sản này ra đấu giá. Theo đó, so với mức giá khởi điểm của kỳ đấu giá đầu tiên (460 tỷ đồng), số tài sản này đã giảm giá hơn trăm tỷ đồng. Ngân hàng Vietcombank cũng rao bán hệ thống nhà xưởng và máy móc thiết bị tại Nhà máy Vinaxuki Thanh Hóa với giá khởi điểm gần 31 tỷ đồng. Trước đó, Vietcombank cũng đã 5 lần rao bán khối tài sản này nhưng bất thành.

Còn nhiều vướng mắc trong triển khai Nghị quyết 42

Theo các chuyên gia, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn khiến khả năng hấp thụ của thị trường đối với những TSĐB của nợ xấu. Thêm vào đó, trong báo cáo của NHNN về kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng, NHNN cho biết, quá trình triển khai Nghị quyết số 42 còn cho thấy có một số khó khăn, vướng mắc trên thực tế cần sự phối hợp của các bộ, ban, ngành có liên quan xử lý, đặc biệt là việc thực hiện quyền thu giữ TSĐB.

Theo đó, tại một số địa phương, dù được cấp ủy, chính quyền ủng hộ và đánh giá cao về mặt chủ trương của Nghị quyết số 42 nhưng trong triển khai thực tế, các cấp chính quyền và các cơ quan hữu quan trên địa bàn chưa quyết liệt, thiếu đồng bộ, xem đây là lĩnh vực riêng của ngành ngân hàng nên còn vướng mắc trong phối hợp xử lý. Đặc biệt, công tác thu giữ TSBĐ còn nhiều khó khăn, bất cập do các cấp cơ sở chưa được tập huấn về Nghị quyết số 42. Ngoài ra, trong quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, việc thừa kế nghĩa vụ trả nợ giữa pháp nhân mới thành lập và pháp nhân cũ chưa được đồng bộ, một số trường hợp cá biệt pháp nhân mới không thừa nhận nghĩa vụ thanh toán nợ (đã là nợ xấu) của pháp nhân cũ dẫn đến tranh chấp kéo dài tại Tòa án.

Bên cạnh đó, việc mua bán nợ xấu chủ yếu diễn ra giữa tổ chức tín dụng và 2 đơn vị mua nợ chính là VAMC và DATC, thiếu những nhà đầu tư khác trong nước và nước ngoài. Nguyên nhân do điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ khá phức tạp, yêu cầu về vốn cao; Nghị định 69/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ chưa quy định rõ đầu mối tạo lập, phát triển thị trường giao dịch mua bán nợ và thiếu đội ngũ môi giới mua, bán nợ chuyên nghiệp.

Để đảm bảo công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 được triển khai có hiệu quả trên thực tế, thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ban, ngành có liên quan đề xuất Chính phủ các giải pháp để giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc về cơ chế cũng như trong thực tế áp dụng Nghị quyết số 42. NHNN cũng sẽ rà soát các chính sách về tín dụng, có các giải pháp nhằm hạn chế nợ xấu gia tăng, đồng thời xây dựng Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2021-2025.

NHNN cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, UBND các địa phương đẩy mạnh hơn nữa quá trình phân loại, sắp xếp các doanh nghiệp, trọng tâm là các doanh nghiệp nhà nước, thực hiện tái cơ cấu, nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, tạo điều kiện để hệ thống các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính. Các bộ chủ quản cần chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty, đơn vị thành viên thực hiện nghĩa vụ trả nợ, nghĩa vụ bảo lãnh đối với các khoản vay tại các tổ chức tín dụng mà các đơn vị đứng ra bảo lãnh cho các công ty con, công ty thành viên.

Tính từ khi triển khai Nghị quyết 42 (15/8/2017đến 31/5/2020), toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 293,88 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42. Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng là 160,92 nghìn tỷ đồng; xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán xác định theo Nghị quyết số 42 là 67,28 nghìn tỷ đồng và xử lý các khoản nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 65,68 nghìn tỷ đồng.

NHNN đánh giá, trước khi có Nghị quyết số 42, nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng chủ yếu được xử lý bằng dự phòng rủi ro, các biện pháp xử lý nợ xấu thông qua xử lý TSBĐ và khách hàng trả nợ còn chưa cao. Tuy nhiên, kể từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực, xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết số 42 chủ yếu thông qua hình thức khách hàng trả nợ là 121,4 nghìn tỷ đồng (chiếm khoảng 40,1% tổng nợ xấu nội bảng theo Nghị quyết số 42 đã xử lý), cao hơn nhiều tỷ trọng nợ xấu được xử lý do khách hàng tự trả nợ/tổng nợ xấu nội bảng đã xử lý trung bình năm từ 2012-2017 là khoảng 22,8%.

Khải Kỳ

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/ngan-hang-e-am-tai-san-rao-ban-135359.html