Ngân hàng chia sẻ dữ liệu để nhận diện tội phạm lừa đảo ngay từ nguy cơ

Trong 2 năm gần đây, ghi nhận 2 đợt ATM skimming (đánh cắp thông tin thẻ) trong năm 2024 ảnh hưởng đến 13 ngân hàng thành viên. Về lừa đảo thanh toán trực tuyến thẻ nội địa, ghi nhận trung bình 12.000 giao dịch tra soát, khiếu nại với mã gian lận/1 tháng qua NAPAS.

Tội phạm thấu hiểu tâm lý của từng người dân để thao túng, lừa đảo

Theo thống kê, đến nay, Việt Nam có hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng; tăng trưởng về số lượng giao dịch thanh toán qua internet, di động (mobile) khoảng trên 90%/năm.

Ngân hàng số đã có những bước phát triển vượt bậc, đặc biệt là sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp về an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng nhằm tăng cường hơn nữa các giải pháp đảm bảo an toàn, bảo mật, bảo vệ người sử dụng dịch vụ tốt hơn trước tình trạng lừa đảo qua mạng.

Hiện nay, đã có 25 tổ chức tín dụng gửi dữ liệu cho Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) để làm sạch với số lượng gần 2,5 triệu hồ sơ khách hàng đã gửi và nhận được phản hồi.

Tuy nhiên, ngành ngân hàng Việt Nam vẫn đang đối mặt nhiều thách thức lớn, khi tội phạm tài chính công nghệ đang ngày một gia tăng với các hình thức giả mạo, gian lận, lừa đảo ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường.

Thanh toán không dùng tiền mặt lên ngôi đi cùng với gia tăng tội phạm lừa đảo

Thanh toán không dùng tiền mặt lên ngôi đi cùng với gia tăng tội phạm lừa đảo

Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Chủ tịch Chi Hội thẻ chia sẻ, hiện nay, tội phạm tấn công ăn cắp dữ liệu/thông tin từ hệ thống ngân hàng/thiết bị của ngân hàng, từ các điểm bán hàng có liên kết với ngân hàng hoặc trực tiếp từ các khách hàng sử dụng dịch vụ … Thậm chí, chúng còn thấu hiểu tâm lý của từng đối tượng người dân để thao túng và lừa đảo.

Ghi nhận thực tế tại các ngân hàng thành viên Chi hội Thẻ trong 2 năm gần đây, ông Nguyễn Ngọc Quý, Trưởng Tiểu ban Quản lý rủi ro, Chi Hội thẻ cho biết, 2 đợt ATM skimming (đánh cắp thông tin thẻ) trong năm 2024 ảnh hưởng đến 13 ngân hàng thành viên, tổng số tiền tổn thất ghi nhận khoảng 2 tỷ đồng.

Về lừa đảo thanh toán trực tuyến thẻ nội địa, ghi nhận trung bình 12.000 giao dịch tra soát, khiếu nại với mã gian lận/1 tháng qua NAPAS (số lượng khách hàng không tra soát, khiếu nại là rất lớn).

Về rủi ro nghiệp vụ phát hành thẻ quốc tế, Tiểu ban Quản lý rủi ro đã xác định một số điểm lộ dữ liệu quy mô lớn; chuyển dịch mã tra soát, khiếu nại từ gian lận sang mã không nhận được hàng hóa, dịch vụ. Còn đối với rủi ro nghiệp vụ thanh toán thẻ quốc tế, các giao dịch có dấu hiệu rửa tiền vẫn phổ biến, xảy ra gian lận tại các đơn vị chấp nhận thẻ trực tuyến lớn, có uy tín…

Chia sẻ thông tin, nhận diện sớm nguy cơ

Theo ông Cao Việt Hùng, Phó Trưởng phòng 4, A05, Bộ Công An, có 4 nguyên nhân khiến tội phạm thẻ gia tăng. Một là, nhận thức của một bộ phận không nhỏ khách hàng sử dụng dịch vụ thẻ hoặc thanh toán trực tuyến còn nhiều hạn chế.

Hai là, tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân, cho thuê, cho mượn tài khoản ngân hàng diễn ra tràn lan, khó kiểm soát. Mặc dù, các đối tượng liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn khác nhau nhưng đều có chung một mục đích duy nhất, đó là: chiếm đoạt tài sản (tiền) của người dân.

Ba là, thiếu hành lang pháp lý để quản lý, xử lý đối với hoạt động giao dịch, mua bán “tiền ảo”, “tài sản ảo”, “tiền kỹ thuật số”.

Bốn là, công tác hợp tác quốc tế, trao đổi thông tin giữa Công an Việt Nam với các Cơ quan thực thi pháp luật nước ngoài còn nhiều khó khăn, hạn chế, thiếu sự đồng bộ, linh hoạt dẫn đến chưa xử lý triệt để các tổ chức tội phạm sử dụng công nghệ cao có yếu tố nước ngoài.

Trước rủi ro an toàn thanh toán số ngày càng phức tạp, ông Nguyễn Ngọc Quý cho biết, các ngân hàng thành viên của Chi hội Thẻ đã phối hợp thông qua các group 24/7 để nhận diện sớm rủi ro ngay từ khi thị trường phát sinh 1 vài giao dịch; cảnh báo đến toàn bộ các ngân hàng thành viên; Triển khai truyền thông liên ngân hàng, truy vết tìm điểm chung;

Phối hợp liên tục với A05 tại các địa phương ngay từ khi nhận diện được nguy cơ; Báo cáo NHNN, Hiệp hội Ngân hàng, chia sẻ thông tin giữa các ngân hàng thành viên để hỗ trợ và có ứng xử phù hợp theo khẩu vị rủi ro.

“Hiện nay, chúng tôi đang tích cực phối hợp với A05 thành lập chuyên án, phối hợp truy bắt các đối tượng tội phạm mạng, đồng thời triển khai các giải pháp ngăn chặn theo nội bộ từng ngân hàng”, đại diện Tiểu ban Quản lý rủi ro cho biết thêm.

Hiệp hội Ngân hàng và Chi hội Thẻ cũng đang chuẩn bị ban hành bộ quy tắc nhằm làm rõ quy trình phối hợp xử lý rủi ro trong thanh toán và lừa đảo trong lĩnh vực thanh toán bằng thẻ.

Đại diện A05 kiến nghị ngành Ngân hàng cần tập trung đầu tư, nâng cấp hệ thống thông tin, đặc biệt là hệ thống xác thực sinh trắc học, eKYC… Các ngân hàng triển khai kết nối hệ thống với cơ sở dữ liệu về tài khoản liên quan đến hoạt động vi phạm pháp luật để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, thu hồi tài sản cho khách hàng.

Tăng cường hơn nữa mối quan hệ phối hợp giữa các ngân hàng thương mại, NHNN với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông để kịp thời phát hiện, tuyên truyền, cảnh báo các phương thức, thủ đoạn phạm tội mới trong hoạt động thanh toán thẻ…

Nhật Linh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ngan-hang-chia-se-du-lieu-de-nhan-dien-toi-pham-lua-dao-ngay-tu-nguy-co-post595427.antd