Ngăn chặn bạo lực học đường
Tình trạng bạo lực học đường (BLHĐ) không phải mới nhưng thời gian gần đây xảy ra khá nhiều trong các trường học, ngày càng bộc lộ tính chất nghiêm trọng.
Trường THPT Khoái Châu lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng, chống BLHĐ cho học sinh trong các buổi học ngoại khóa
Hiện nay, tình trạng BLHĐ diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, gây bức xúc trong dư luận. Trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây cũng xảy ra một số vụ học sinh xô xát, đánh nhau và quay lại clip đăng tải lên mạng xã hội. Điển hình, ngày 20/4, nữ sinh Đ.T.H., học sinh lớp 9, Trường THCS Nhân Hòa (thị xã Mỹ Hào) bị 1 nhóm người gọi ra ngoài để nói chuyện, sau đó, em bị đánh hội đồng, quay clip. Sự việc diễn ra trên địa bàn xã Cẩm Xá, nguyên nhân là do mâu thuẫn trên mạng xã hội. Công an xã Cẩm Xá đã làm việc với 2 thanh niên đánh em H., xác định rõ mức độ vi phạm để xử lý theo quy định.
Tình trạng BLHĐ những năm gần đây có xu hướng gia tăng mức độ và tính chất nghiêm trọng. Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong năm 2022, cả nước xảy ra 1.600 vụ BLHĐ. Phần lớn các vụ BLHĐ xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt thường ngày như hiểu lầm, va chạm trong lúc chơi đùa, nói xấu nhau trên mạng xã hội… Phần lớn học sinh bị bạo lực chưa đủ kỹ năng để ứng phó và giải quyết các tình huống xảy ra dẫn đến nhiều vụ việc để lại hậu quả rất nghiêm trọng.
Để phòng, chống BLHĐ, những năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh về xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Ngay từ đầu các năm học, Sở yêu cầu các cơ sở giáo dục trong tỉnh xây dựng kế hoạch phòng, chống BLHĐ; xây dựng, công khai và thực hiện nghiêm túc bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học; tăng cường nền nếp, kỷ cương, dân chủ trong nhà trường; các cơ sở giáo dục trong tỉnh chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh. Mỗi năm học, Sở tổ chức 3 – 5 cuộc tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên của các nhà trường về giáo dục pháp luật, đạo đức lối sống, phòng, chống các loại tội phạm, phòng, chống BLHĐ trong học sinh. 100% học sinh các cấp học được tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Các trường học còn tích cực tuyên truyền về các nội dung phòng, chống xâm hại, BLHĐ trên hệ thống loa phát thanh của nhà trường, tổ chức các buổi sinh hoạt dưới cờ, nói chuyện chuyên đề, hoạt động ngoại khóa tìm hiểu về kiến thức pháp luật cho học sinh.
Thầy giáo Trần Quý Cương, Hiệu trưởng Trường THCS Nhân Hòa (thị xã Mỹ Hào) chia sẻ: BLHĐ nảy sinh có nhiều nguyên nhân, bao gồm cả yếu tố về tâm lý lứa tuổi. Lứa tuổi học sinh thích thể hiện, hiếu thắng, bốc đồng nên dễ nảy sinh những hành vi thiếu kiểm soát. Ngoài ra, từ góc độ gia đình, BLHĐ dễ xảy ra ở những học sinh thiếu sự quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ của cha mẹ và người thân; gia đình không hạnh phúc, đặc biệt là học sinh hứng chịu bạo lực gia đình gây nên tổn thương và hình thành những nhân cách không đúng dẫn đến dễ có những hành vi lệch chuẩn, hành động bột phát. Do đó, để ngăn chặn, đẩy lùi BLHĐ cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội.
Năm học 2022 - 2023, Trường THPT Khoái Châu (Khoái Châu) có 2.315 học sinh. Thời gian qua, công tác bảo đảm an ninh trật tự trường học luôn được nhà trường chú trọng. Thầy giáo Vũ Xuân Hiển, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã xây dựng kế hoạch phòng, chống BLHĐ với các nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, phù hợp. Trong đó, ngoài việc lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục đạo đức, lối sống vào nội dung, chương trình môn học thì nhà trường tăng cường tư vấn tâm lý, kỹ năng ứng xử, giải quyết mâu thuẫn cho học sinh, nhất là giáo dục kỹ năng sử dụng mạng xã hội và cách ứng xử trên mạng xã hội. Đồng thời tổ chức các câu lạc bộ, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tạo sân chơi lành mạnh, giúp học sinh tránh xa tệ nạn xã hội.
Đồng chí Trần Tuấn Dương, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng - Giáo dục Chuyên nghiệp (Sở Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Thời gian tới, để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng BLHĐ cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó cần có sự vào cuộc của gia đình, nhà trường và xã hội. Về phía nhà trường, ngoài các giải pháp tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, cần chủ động trong việc trao đổi thông tin với gia đình học sinh để kịp thời nắm bắt tình hình, có hướng điều chỉnh nếu có biểu hiện sai lệch. Phụ huynh học sinh cần dành thời gian quan tâm đến con em mình; lắng nghe, kịp thời phân tích, chấn chỉnh những suy nghĩ, hành động sai trái liên quan đến BLHĐ để tránh những tình huống đáng tiếc xảy ra. Bên cạnh đó, các nhà trường phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, chính quyền địa phương để phối hợp quản lý, giáo dục, có biện pháp răn đe khi cần thiết. Đặc biệt là duy trì kỷ cương, nền nếp và tạo ra môi trường an toàn, lành mạnh cho học sinh học tập, phát triển.
Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/xa-hoi/202305/ngan-chan-bao-luc-hoc-duong-66c066d/