Ngăn chặn âm mưu lợi dụng vấn đề nhân quyền chống phá Việt Nam

Thành tựu nhân quyền của Việt Nam là điều không thể phủ nhận, được thế giới ghi nhận và đánh giá tích cực. Thế nhưng, nhân quyền lại luôn là vấn đề mà các thế lực thiếu thiện chí, thù địch, chống đối sử dụng như một thứ vũ khí, một vỏ bọc cho các hoạt động chống phá Việt Nam theo phương thức 'diễn biến hòa bình'.

Mượn danh nhân quyền để chống phá

Trước hết, các thế lực chống đối, phản động thường tập trung vu cáo, xuyên tạc, bóp méo tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Chúng biến không thành có, biến có thành không, biến hiện tượng thành bản chất, biến ngẫu nhiên thành tất nhiên, biến cá biệt thành phổ biến… để vu cáo, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong lĩnh vực nhân quyền. Chúng dựng lên chuyện rằng vấn đề nghiêm trọng nhất ở Việt Nam là hạn chế các quyền tự do, bao gồm tự do biểu đạt, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do Internet. Chúng tập trung tuyên truyền Việt Nam không có tự do tín ngưỡng, không cho tự do hành đạo, đàn áp tôn giáo, tìm cách vừa chia rẽ các tôn giáo vừa chống lại chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước.

Bảo đảm cho người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc là minh chứng thuyết phục nhất khẳng định thành tựu bảo đảm quyền con người ở Việt Nam

Chúng triệt để khai thác các vấn đề nhạy cảm, phức tạp như tham nhũng, khiếu kiện, đình công, phân hóa xã hội, tội phạm, tệ nạn xã hội… để vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền. Bên cạnh đó, lợi dụng những bất cập còn tồn tại trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân các vùng cao, hẻo lánh để xuyên tạc Việt Nam không quan tâm đến các dân tộc thiểu số, có sự phân biệt đối xử... nhằm gây nghi kỵ, chia rẽ giữa các dân tộc và khối đại đoàn kết toàn dân. Một số đối tượng vi phạm pháp luật, những blogger lợi dụng Internet, mạng xã hội để chống phá chế độ… bị các cơ quan chức năng điều tra, xử lý thì được bọn chúng coi là “chiến sĩ đấu tranh cho nhân quyền” bị chính quyền đàn áp.

Từ việc xuyên tạc, nói xấu Việt Nam về vấn đề nhân quyền, chúng tuyên truyền, cổ súy cho kiểu dân chủ tư sản, nhân quyền phương Tây, cường điệu hóa các giá trị dân chủ tư sản. Dưới chiêu bài “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, “an ninh con người cao hơn an ninh quốc gia”, “nhân quyền không có biên giới quốc gia”, “tam quyền phân lập”, “xã hội dân sự”, chúng tìm cách áp đặt các giá trị dân chủ, nhân quyền kiểu phương Tây vào Việt Nam, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, trước tiên trong nội bộ Đảng, Nhà nước.

Để chuyển tải các thông tin sai lệch về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, hàng năm chính phủ một số quốc gia, một số tổ chức quốc tế thường đưa ra những cái gọi là “báo cáo về tình hình nhân quyền thế giới”, trong đó có phần đề cập đến tình hình nhân quyền ở Việt Nam, “báo cáo về tình hình nhân quyền Việt Nam”, “dự luật nhân quyền Việt Nam”...; ra các tuyên bố, thông cáo báo chí xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền. Các thế lực phản động còn lợi dụng mạng xã hội để hình thành “xã hội ảo”, “công dân ảo”; thúc đẩy thành lập hội, nhóm, tổ chức chính trị đối lập nhà nước.

Bọn họ tập hợp lực lượng hình thành các tổ chức dưới danh nghĩa “bảo vệ dân chủ, nhân quyền”, “yêu nước” với những cái tên rất kêu mang tinh thần “dân tộc” như “Hội phụ nữ nhân quyền”, “Nhóm công dân tự do”, “Nhóm tuổi trẻ yêu nước”… Các thế lực này còn tích cực sử dụng các trang mạng xã hội để phát tán, thu gom, lưu trữ các tài liệu phản động; kích động những người bất mãn với xã hội viết bài xuyên tạc, bôi nhọ cán bộ, nói xấu cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Từ đó thúc đẩy sự ra đời các khuynh hướng dân chủ cực đoan, “xã hội dân sự”, hình thành tổ chức chính trị bất hợp pháp; vận động các tổ chức quốc tế trao “giải thưởng nhân quyền” cho các đối tượng vi phạm pháp luật bị bắt, xử lý ở trong nước… nhằm cổ súy, khích lệ số đối tượng trong nước hoạt động quyết liệt, tích cực hơn.

Tăng cường các biện pháp phòng chống, ngăn chặn kịp thời và hiệu quả

Trước những âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, chống đối lợi dụng vấn đề nhân quyền để chống phá, chúng ta phải đề cao cảnh giác để phát hiện, phòng chống, ngăn chặn kịp thời và hiệu quả. Trước hết, cần xác định nhân quyền là một vấn đề nhạy cảm, phức tạp mà các thế lực thù địch, phản động lợi dụng nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta, thực hiện các mưu đồ chính trị đen tối. Vì vậy, cần thường xuyên nắm chắc tình hình, dự báo kịp thời mọi âm mưu, thủ đoạn của chúng. Từ đó, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong triển khai công tác phòng chống, đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động lợi dụng dân chủ, nhân quyền chống phá công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Đi liền với đó là tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền con người hiệu quả trên thực tế, điều kiện đầu tiên là cán bộ, đảng viên và nhân dân phải nắm vững chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về quyền con người. Muốn vậy, cần tạo sự chuyển biến trong nhận thức về quyền con người qua các kênh tuyên truyền và giáo dục. Qua đó, những âm mưu, thủ đoạn và hoạt động lợi dụng, xuyên tạc của các thế lực thù địch về thành tựu bảo đảm quyền con người, xâm phạm đến quyền con người, đến lợi ích của nhân dân Việt Nam dễ được nhận diện và có căn cứ để đấu tranh, phản bác hiệu quả.

Thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục, không ngừng củng cố nhận thức chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân, tự giác, tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh, giữ vững “thế trận lòng dân”. Tăng cường và nâng cao hiệu quả phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, thực hiện mỗi cán bộ, đảng viên là một chiến sĩ trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng; thực hành phát huy dân chủ và quyền con người. Với người dân, để không bị kẻ xấu dẫn dắt, tin nghe theo những luận điệu sai sự thật, mỗi người cần nâng cao nhận thức, tỉnh táo và cảnh giác trước những thông tin không chính thống, tạo cho mình khả năng nhận diện và “tự miễn dịch” trước các thông tin xấu, độc.

Cuối cùng là đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo; cụ thể hóa định hướng coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của mọi chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Đây là điều hết sức quan trọng bởi làm cho người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc là một trong những minh chứng sinh động, thuyết phục nhất bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, vô căn cứ của các thế lực thù địch về thành tựu bảo đảm quyền con người ở Việt Nam. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Đồng thời, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công với cách mạng; quan tâm đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ngan-chan-am-muu-loi-dung-van-de-nhan-quyen-chong-pha-viet-nam-post560531.antd