Ngẫm cho những người ở lại

Cách đây hơn một năm, báo chí, truyền thông, hay trong cả những câu chuyện phiếm vỉa hè, người ta nói nhiều về một vụ thảm sát ở Bình Phước. Phẫn nộ, bức xúc, căm giận là trạng thái chung của tất cả những người biết đến câu chuyện này. Còn khi tội ác đã không còn trên mặt báo, khi kẻ có tội cũng đã phảitrả giá, dù nỗi đau vẫn không hề chấm dứt, nhưng có lẽ đã đến lúc dừng lại một chút để suy ngẫm: công bằng với những người ở lại -người thân của Nguyễn Hải Dương.

Không ai đứng về phía cái ác, không ai bênh vực một kẻ sát nhân, nhưng cái ác không thể giết chết tình máu mủ. Nếu cảm xúc xã hôịđối với tội ác của Nguyễn Hải Dương là sự căm ghét, ghê tởm tột cùng, thì với cha mẹ Dương, đó không khác gì nỗi đau đứt từng khúc ruột, không ngôn từ nào có thể diễn tả. “Con dại cái mang”, dù là một năm, mười năm, hay đến lúc nhắm mắt xuôi tay, những mặc cảm, day dứt, đau đớn mà bố mẹ Dương mang theo sẽ không bao giờ chấm dứt.

Trước khi là một kẻ sát nhân, Nguyễn Hải Dương cũng là con của một người mẹ, là hy vọng của một gia đình

Phải thừa nhận rằng, cái xấu luôn nằm đâu đó bên trong mỗi người. Nhưng để cấu thành “tội ác”, đó lại là một câu chuyện khác. Là một sinh vật dễ tổn thương và đầy khiếm khuyết, con người rất dễ mắc sai lầm, thậm chí luôn luôn sai lầm, nhưng có những sai lầm không thể sửa chữa được. Lòng khoan dung trong câu tục ngữ “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại” không đủ cho một kẻ sát nhân. Tội ác vẫn còn đó, đau thương vẫn còn đó. Vết thương nào dù lành cũng để lại sẹo. Lòng căm giận có thể lắng xuống nhưng sự lãng quên thì không bao giờ. Nó không chỉ là sự trừng phạt cho kẻ đã gây tội mà còn là lời răn đe, cảnh tỉnh, là nhãn tiền cho những kẻ nào đang có nguy cơ trở thành nô lệ của cái ác.

Nhưng xin một chút công bằng với những người ở lại.

Người có tội đã nhận tội, dù những mất mát không thể lành lại, dù nỗi đau của gia đình người bị hại không bao giờ chấm dứt, nhưng gia đình Dương vẫn cần phải tiếp tục sống. Xấu hổ và tủi nhục khiến họ sống lặng lẽ trong mặc cảm suốt một năm qua, và có lẽ rất rất nhiều năm sau nữa. Không ai muốn giao du với thân nhân của kẻ sát nhân. Sự phẫn nộ tột cùng với một thành viên tạo ra định kiến cho cả một gia đình, thậm chí một dòng họ. Bi kịch chồng chất bi kịch.

Giọt nước mắt không đủ để diễn tả hết nỗi đau của những người làm cha làm mẹ (nguồn: Báo Thời Đại)

Nhưng liệu họ có “xứng đáng” bị ghẻ lạnh và ghét bỏ như thế, khi họ cũng như chúng ta,không hề tham gia vào tội ác? Tất nhiên, không thể phủi sạch mọi trách nhiệm của bậc làm cha làm mẹ trước lỗi lầm của con cái, nhưng cũng cần hiểu và ghi nhớ một sự thật rằng, họ vô tội, và họ thậm chí còn đau đớn hơn hầu hết, khốn khổ hơn hầu hết. Họ không thể ghét con mình, anh mình,không thể thanh minh hay gào thét trước dư luận,càng không biết làm sao để ngẩng đầu nhìn mặt gia đình nạn nhân. Tương lai em gái Dương sẽ đi về đâu khi trên cả danh tính, tên họ cá nhân là sự “nhận dạng” em gái của kẻ sát nhân?

Cái ác không phải thứ bệnh truyền nhiễm. “Người thân của kẻ sát nhân” không có nghĩa là đồng lõa, đồng phạm, hoặc cũng có một tâm hồn méo mó dị dạng về tình người, tính người. Sự đánh đồng và định kiến dù vô tình hay cố ý cũng đều có thể giết chết một người, thậm chí một gia đình. Trên cả xa lánh, ngờ vực, dèm pha, xin hãy mở lòng với những người khốn khổ đang chìm ngập trong mặc cảm tội lỗi và bế tắc ấy, để họ có thể sống tiếp phần của mình và sống bù cho cả những tội ác mà Nguyễn Hải Dương đã gây ra.

Ngọc Huyền

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/ngam-cho-nhung-nguoi-o-lai-79079.html