Ngại va chạm sẽ không làm được

'Nếu ngại khó, ngại va chạm thì chúng tôi đã không làm!' – Đây là chia sẻ của ông Hà Văn Thủy – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa với Đại Đoàn Kết trong cuộc trò chuyện liên quan đến nội dung của đợt giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2018, do MTTQ tỉnh chủ trì.

Ông Hà Văn Thủy – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa (ngoài cùng bên trái) trong đợt giám sát VSATTP tại huyện Ngọc Lặc.

PV: Được biết, vừa qua Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức đợt giám VSATTP trên địa bàn toàn tỉnh. Ông có thể cho biết một số kết quả đạt được từ chương trình này?

Ông Hà Văn Thủy: Thực hiện chương trình công tác năm 2018, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đã thành lập đoàn liên ngành, triển khai và tiến hành giám sát công tác bảo đảm VSATTP ở các huyện, thị xã và thành phố. Trong đó tập trung ở các huyện, các địa phương và địa bàn trọng điểm của tỉnh.

Qua kiểm tra, giám sát, chúng tôi thấy các huyện đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai quán triệt thực hiện pháp luật và các văn bản chỉ đạo về công tác an toàn thực phẩm, bước đầu đã tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; đồng thời, nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp thực hiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể với vấn đề an toàn thực phẩm.

Công tác kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y, quản lý thị trường, quản lý Nhà nước đối với các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, vận chuyển thực phẩm trên địa bàn được quan tâm, nhất là vào thời gian cao điểm trong năm. Các cơ sở đăng ký và được cấp giấy kinh doanh, định kỳ khám sức khỏe cho chủ cơ sở và nhân viên, người lao động; gian hàng bày bán tại chợ cơ bản đảm bảo VSATTP. Tiểu thương trong chợ thường xuyên được tuyên truyền công tác bảo đảm ATTP trên các loa thông tin có khuyến cáo về thực hiện VSATTP.

Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy: Việc kiểm soát thực phẩm lưu thông trên thị trường ở một số địa phương chưa triệt để; công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra thú y và VSATTP còn hạn chế. Các điều kiện trang thiết bị đảm bảo cho công tác thanh tra, kiểm tra giám sát ATTP chưa đáp ứng được yêu cầu, việc quản lý các chuỗi cung cấp thực phẩm chưa chặt chẽ; việc công khai các vi phạm về ATTP tại cơ sở chưa kịp thời. Đặc biệt có một số cơ sở sản xuất và kinh doanh vi phạm như sử dụng bao bì sản phẩm không đúng quy định, chưa ghi rõ nguồn gốc; thực phẩm quá hạn sử dụng vẫn lưu kho và bày bán chung tại cửa hàng, chưa có thiết bị phòng chống côn trùng. Một số nhà hàng ăn uống chưa có trang thiết bị lưu mẫu; chưa có hợp đồng và sổ ghi chép hồ sơ nguồn gốc, xuất xứ mua, bán thực phẩm...

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo VSATTP một số xã, thị trấn; công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm tập trung chưa đáp ứng yêu cầu; mô hình chợ, cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn triển khai chậm. Công tác thanh tra, kiểm tra còn mang tính thời vụ, định kỳ, hiệu lực quản lý nhà nước về VSATTP, nhất là công tác xử lý vi phạm ở cấp huyện chưa đủ mạnh, thậm chí ở một số địa phương chưa thực hiện được.

Giám sát VSATTP là “đánh vào nồi cơm” của nhiều gian thương thiếu cái tâm trong việc kinh doanh thực phẩm, điều này cũng đồng nghĩa với nhạy cảm, va chạm… Ông có ngại khi dám “chỉ thẳng, nói thật” trong vấn đề này không?

- Hoạt động giám sát của MTTQ chủ yếu tập trung vào việc chỉ đạo, điều hành của UBND cấp huyện, cấp xã trong việc thực hiện các quy định của pháp luật trên lĩnh vực VSATTP; trong đó có việc giám sát trực tiếp một số doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, lò giết mổ thực phẩm, bếp ăn tập thể và một số chợ an toàn thực phẩm… Đây là những nội dung kiểm tra giám sát mang tính nhạy cảm nên chúng tôi cũng không loại trừ các tình huống, trường hợp có thể gây khó chịu cho các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm không đạt chuẩn, họ có thể phản ứng thái quá.

Tuy nhiên, trong quá trình giám sát chúng tôi đã kịp thời biểu dương, nhân rộng những tập thể, cá nhân chấp hành tốt công tác bảo đảm VSATTP. Về cơ bản là mình tuyên truyền và mang tính giáo dục xây dựng nên cũng không quá nhạy cảm, anh em cũng không ngại va chạm. Nhưng nói đến cùng, nếu ngại khó, ngại va chạm thì chúng tôi đã không tổ chức kiểm tra, giám sát.

Qua các chuyên đề giám sát, vai trò của Mặt trận được thể hiện như thế nào, thưa ông?

- Thông qua hoạt động giám sát và phản biện xã hội, đặc biệt là những nội dung kiến nghị sau giám sát của Mặt trận gửi đến cấp ủy, chính quyền trong thời gian qua bảo đảm khách quan, trung thực và phản ánh đúng thực tế đã được cấp ủy, chính quyền đánh giá cao và được nhân dân ghi nhận. Qua đó, vị trí, vai trò của MTTQ cũng từng bước được khẳng định ngày một rõ nét hơn, niềm tin của nhân dân thông qua hoạt động giám sát ngày một cao hơn. Nhưng trách nhiệm của chúng tôi lại càng nặng nề hơn.

Vậy để phát huy tối đa vai trò cũng như hiệu quả của các đợt giám sát, chúng ta cần phải làm thêm những gì?

- Quy mô của đợt giám sát là khá sâu, rộng. Đoàn liên ngành được thành lập với nhiều thành viên là các ban, ngành uy tín của tỉnh nên dù đã đạt được một số kết quả rất đáng biểu dương nhưng những kết quả này vẫn chưa được như chúng tôi mong đợi. Một trong những điều trăn trở nhất trong hoạt động giám sát và phản biện của MTTQ và các đoàn thể hiện nay là làm sao chúng ta có được đội ngũ cán bộ có năng lực, trí tuệ, chuyên sâu, có tâm và tầm, hiểu biết chính sách, pháp luật để thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời việc xây dựng kế hoạch giám sát, lựa chọn nội dung giám sát phải phù hợp với nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn và phải đáp ứng được yêu cầu bức xúc của nhân dân.

Để làm được việc này, trong thời gian tới MTTQ cần phải tâp trung đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ Mặt trận chuyên trách, đồng thời làm tốt công tác phối hợp với các ngành chức năng; chú trọng đến tổ chức bộ máy và hoạt động các Hội đồng tư vấn, các chuyên gia tham gia Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh ở các cấp. Điều đặc biệt là phải huy động được cả hệ thống chính trị, nhất là các tầng lớp nhân dân, đoàn kết, đồng lòng cùng tham gia giám sát và phản biện xã hội. Có như vậy, hoạt động giám sát của MTTQ mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Chung (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giam-sat-phan-bien/ngai-va-cham-se-khong-lam-duoc-tintuc412267