Nga-Ukraine gia hạn trung chuyển khí đốt: Sự bao dung của Moscow

Ukrtransnafta và Transneft đã ký một thỏa thuận bổ sung cho hợp đồng cung cấp dịch vụ trung chuyển dầu qua lãnh thổ Ukraine, kéo dài trong 10 năm.

Ngày 3/12, trên trang Facebook của mình, Ukrtransnafta (Ukraine) ra thông báo cho biết, công ty này và công ty Transneft (Nga) đã ký kết thỏa thuận 10 năm để cung cấp dịch vụ trung chuyển dầu trên khắp Ukraine.

"Vào ngày 3/12/2019, Ukrtransnafta và Transneft đã ký một thỏa thuận bổ sung cho hợp đồng cung cấp dịch vụ trung chuyển dầu qua lãnh thổ Ukraine, kéo dài trong 10 năm - từ ngày 1/1/2020 đến ngày 1/1/2030", thông báo của Ukrtransnafta nêu rõ.

Tổng giám đốc Ukrtransnafta Nikolai Gavrilenko và Phó Chủ tịch Transneft Sergei Andronov đã ký văn bản thỏa thuận. Tại cuộc họp, hai bên cũng thảo luận về triển vọng hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực năng lượng.

Nga và Ukraine đã gia hạn trung chuyển khí đốt thêm 10 năm

"Ngoài việc kéo dài hợp đồng, một thỏa thuận bổ sung giữa Ukrtransnafta và Transneft sẽ cập nhật một số điều khoản có tính đến những thay đổi trong thị trường dịch vụ vận tải dầu mỏ và khí đốt trong khu vực", Ukrtransnafta cho biết thêm.

Cần lưu ý rằng, nguyên tắc hợp tác cơ bản giữa Ukrtransnafta và Transneft không thay đổi. Nó bao gồm thủ tục thanh toán cho các dịch vụ và cơ chế tương tác liên quan đến vấn đề kỹ thuật giữa hai công ty.

Giới quan sát cho rằng, việc gia hạn hợp đồng trung chuyển khí đốt giữa Nga và Ukraine đã chấm dứt chuỗi ngày căng thẳng giữa hai nước trong bối cảnh mùa đông đã đến.

Thỏa thuận đạt được sau khi vượt qua những căng thẳng chính trị giữa Moscow và Kiev, cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine và tranh chấp pháp lý giữa nhà cung cấp khí đốt Gazprom của Nga và công ty năng lượng Naftogaz của Ukraine.

Kiev từng "làm mình làm mẩy", kiên quyết từ chối gia hạn hợp đồng vận chuyển khí đốt với Nga. Thậm chí nước này còn tính sẽ sử dụng khí đốt dự trữ của mình để vượt qua mùa đông và rồi tìm một nhà cung cấp khác.

Tuy nhiên, giới chức Ukraine cũng đã phải nhìn nhận lại tình hình thực tế của nước này. Nếu mất đi hợp đồng trung chuyển khí đốt với Nga, toàn bộ hệ thống đường ống của Ukraine sẽ trở thành phế liệu, kinh tế Ukraine sẽ bị chao đảo khi mất đi 3 tỷ USD (tiền quá cảnh khí đốt mỗi năm).

Nói thẳng ra, Kiev chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài việc gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt với Moscow. Nếu không chính Ukraine sẽ phải lãnh hậu quả tàn khốc.

Về phần mình, Nga hoàn toàn có thể chấm dứt hợp đồng trung chuyển khí đốt với Ukraine. Bởi lẽ, hai tuyến đường ống mới "Dòng chảy phương Bắc II" và "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" đã sẵn sàng đi vào sử dụng nhằm thay thế hệ thống đường ống dẫn qua Ukraine.

Tuy nhiên, Moscow lại không làm như vậy. Nga luôn chừa cho Kiev một cơ hội để "nhìn lại" xem Ukraine được gì và mất gì sau khi theo đuổi chính sách thân phương Tây.

Trước đó, đầu tháng 11/2019, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga không có kế hoạch ngừng vận chuyển khí đốt tự nhiên qua Ukraine ngay cả khi đã có các tuyến đường thay thế.

"Hiện nay, Nga có mọi cơ hội để đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt cần thiết cho người tiêu dùng ở phương Tây qua các tuyến đường thay thế khác. Tuy nhiên, Nga sẽ không tận dụng lợi thế này để bỏ qua Ukraine", Người phát ngôn Điện Kremlin khẳng định.

Thành Chung

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/nga-ukraine-gia-han-trung-chuyen-khi-dot-su-bao-dung-cua-moscow-3392652/