Nga, TQ ngày càng nồng ấm giữa sự lo ngại của các nước láng giềng

Cả Nhật Bản và Ấn Độ đều đang lo ngại và tìm cách kéo Nga rời xa quỹ đạo của Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh ngày càng được thắt chặt.

Quan hệ đối tác nồng ấm gần đây giữa Trung Quốc và Nga khiến các nước láng giềng tại châu Á ngày càng lo ngại.

Để đối phó, Delhi và Tokyo đang tìm mọi cách ngăn Moscow ngã quá sâu vào vòng tay của Bắc Kinh, mà cơ hội trước mắt là Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở Vladivostok vào tuần này, theo bài viết của Wall Street Jouranl.

Quan hệ Nga - Trung không thực sự sâu sắc

Tại sự kiện tổ chức ở thành phố lớn nhất Viễn Đông của Nga, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ vắng mặt, lý do được cho là để xử lý các vấn đề nội bộ phức tạp mà Bắc Kinh đang đối mặt.

Trong khi Tổng thống Vladimir Putin coi đây là cơ hội để thu hút đầu tư nước ngoài, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi theo đuổi mục tiêu thúc đẩy quan hệ với Nga, nhằm cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc.

"Cả hai người họ (Abe và Modi) đều muốn xen vào giữa Bắc Kinh và Moscow. Mỗi người có một chương trình nghị sự riêng, nhưng cả hai có chung lợi ích trong việc kéo Moscow ra xa khỏi Bắc Kinh", Alexander Gabuev, chuyên gia từ Trung tâm Carnegie Moscow, nhận định.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm thủ đô Moscow của Nga. Ảnh: Reuters.

Những tháng qua, quan hệ Nga - Trung đã khởi sắc rõ rệt, khi thương mại song phương gia tăng về giá trị, đồng thời hai bên lên kế hoạch ký một thỏa thuận hợp tác mới về quốc phòng. Tuy nhiên, mức độ cam kết của quan hệ đối tác song phương vẫn chưa được kiểm chứng.

Thời gian gần đây, các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Nga đã giảm xuống thấp hơn so với kỳ vọng ban đầu khi Nga chuyển hướng ưu tiên hợp tác sang phía Đông, sau khi quan hệ với phương Tây xấu đi vì khủng hoảng Ukraine năm 2014. Điều này nhen nhóm lên hy vọng cho các cường quốc khu vực như Ấn Độ và Nhật bản tìm cách khai thác những điểm yếu trong mối liên kết giữa Moscow và Bắc Kinh.

Trong bối cảnh Nga không thể thu hút những khoản đầu tư kinh doanh lớn vào vùng Viễn Đông kém phát triển, Diễn đàn Kinh tế phương Đông trở thành sân khấu cho giới lãnh đạo chính trị Nga trình bày những kế hoạch phát triển trước các nhà đầu tư.

Ấn Độ và hợp đồng vũ khí 5,4 tỷ USD

Ngoài mục tiêu thúc đẩy quan hệ song phương để cân bằng với Bắc Kinh, Thủ tướng Modi nhiều khả năng sẽ tìm kiếm sự ủng hộ từ Moscow đối với chính sách về Kashmir của Ấn Độ, sáp nhập vùng đất đang tranh chấp với Pakistan vào lãnh thổ nước này. Trung Quốc đã công khai phản đối bước đi của Thủ tướng Modi, trong khi Nga chưa đưa ra phản ứng cụ thể nào.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Modi cũng quan tâm tới nhiều nội dung hợp tác khác, như các dự án hạt nhân và thúc đẩy các hợp đồng mua bán vũ khí, bên cạnh những cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp Ấn Độ ở Viễn Đông.

Trong tuần trước khi Diễn đàn khai mạc, các quan chức và nhà đầu tư Ấn Độ đã lùng sục khắp Viễn Đông để tìm kiếm các cơ hội, trong đó nổi lên là ngành khai thác mỏ kim cương, để đáp ứng nhu cầu khổng lồ từ thị trường nội địa.

Thủ tướng Modi sử dụng hợp đồng mua hệ thống phòng không S-400 trị giá 5,4 tỷ USD để cải thiện quan hệ với Nga. Ảnh: AFP.

Quan hệ giữa Ấn Độ và Nga, trước đó là Liên Xô, từng một thời đi xuống khi Delhi ngả về phía Washington trong những thập kỷ qua. Tuy nhiên, Thủ tướng Modi đã tìm cách vực dậy mối quan hệ Moscow hồi đầu năm nay bằng hợp đồng mua hệ thống phòng không S-400 trị giá 5,4 tỷ USD.

Bất chấp những phản đối gay gắt từ Mỹ, Nga khẳng định sẽ dành mọi nỗ lực để hoàn thành hợp đồng vũ khí này kịp tiến độ vào năm 2023.

Không chỉ dừng lại ở vấn đề kinh tế và quân sự, phái đoàn cấp cao Nga và Ấn Độ cũng dự kiến thảo luận về thúc đẩy hợp tác hạt nhân, với việc xây dựng một lò phản ứng năng lượng hạt nhân mới tại Ấn Độ.

Nhật Bản tập hợp lực lượng để đối phó Trung Quốc

Đối với Thủ tướng Abe, thảo luận với Tổng thống Putin là một phần của mục tiêu làm thân với các nước châu Á - Thái Bình Dương, trong bối cảnh nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump đang ngày càng có xu hướng giảm các cam kết quốc tế, và trở nên thiếu tin cậy để bảo vệ Tokyo trước Bắc Kinh.

"Nhật Bản đang đề ra một kế hoạch cấp lục địa phức tạp nhằm đối phó với những bước đi của Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ đang trở nên thiếu tin cậy. Vì vậy, họ đang cố gắng xây dựng mạng lưới các quan hệ đối tác, trong đó có Nga", Vasily Kashin, chuyên gia Đông Á từ Đại học Kinh tế Moscow, nhận định.

Thủ tướng Abe và Tổng thống Putin. Ảnh: AP.

Đối với Nga, việc qua lại gần gũi với các đối thủ khu vực của Trung Quốc thực chất không gây ra hậu quả gì đáng lo ngại.

"Quan hệ giữa Nga và Trung Quốc có sự không rõ ràng mà cả hai đều cảm thấy hài lòng. Hai bên hiểu rằng bên kia cần những đối tác khác", ông Kashin nhận định.

Nếu muốn đạt được đột phá trong quan hệ với Nga, Thủ tướng Abe gần như chỉ có một lựa chọn là nhượng bộ trong tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Kuril mà trước đó ông từng cam kết sẽ giải quyết rốt ráo. Tuy nhiên, lựa chọn này khó khả thi với nhà lãnh đạo Nhật Bản.

Quần đảo Kuril, nơi mà Tokyo gọi là các lãnh thổ phương Bắc, đã trở thành biểu tượng của chủ quyền quốc gia tại cả Nga và Nhật Bản, và là vật cản chính trong quan hệ song phương. Bất kỳ chính trị gia nào của cả hai bên đều sẽ trả giá đắt nếu nhượng bộ về vấn đề nhạy cảm này.

Tới nay, thỏa thuận duy nhất mà Tokyo và Moscow đạt được là văn kiện hợp tác giải quyết rác thải trên quần đảo Kuril, đạt được trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka hồi tháng 6 giữa ông Putin và ông Abe.

Trong hàng chục cuộc gặp lớn nhỏ trước đây với Tổng thống Putin, Thủ tướng Abe nhìn chung luôn tránh bất đồng công khai và cố gắng đưa ra viễn cảnh về cải thiện quan hệ song phương. Các nhà quan sát cho rằng nhà lãnh đạo Nhật Bản sẽ tiếp tục chiến lược này tại Vladivostok, với mục tiêu có thêm một đối tác để củng cố vị thế trong cuộc đấu với Trung Quốc.

Duy Anh
Theo Wall Street Journal

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nga-tq-ngay-cang-nong-am-giua-su-lo-ngai-cua-cac-nuoc-lang-gieng-post986868.html