Nga thông báo bổ sung 61 công dân Mỹ vào danh sách trừng phạt

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nằm trong danh sách trừng phạt bổ sung của Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Ngoại giao Liên bang Nga ngày 6/6 thông báo nước này đã đưa 61 công dân Mỹ vào danh sách trừng phạt, trong đó có Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm. Theo đó, 61 công dân này bị cấm nhập cảnh vào Liên bang Nga.

Động thái này được coi là biện pháp đáp trả hành động tương tự trước đó của Mỹ. Bộ Ngoại giao Nga cho biết để đáp lại các lệnh trừng phạt ngày càng mở rộng của Mỹ đối với các nhân vật chính trị và công chúng của Nga, cũng như đại diện của các doanh nghiệp trong nước, Moscow đã đưa 61 công dân Mỹ là những người đứng đầu các tập đoàn công nghiệp quân sự hàng đầu, các nền tảng truyền thông và cơ quan xếp hạng tín nhiệm, hãng hàng không và các công ty đóng tàu, vào danh sách trừng phạt.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết thêm danh sách nêu trên cũng có tên các quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ, cùng nhiều nhân vật khác như Chủ tịch hãng hàng không United Airlines Brett Hart, Chủ tịch hãng phim Universal Pictures Peter Kramer, Giám đốc điều hành cấp cao của hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s Rob Fauber, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq Adena Friedman, người đứng đầu Cục chính sách kỹ thuật số và an ninh mạng của Bộ Ngoại giao Mỹ Jennifer Bacchus, và Giám đốc truyền thông của Nhà Trắng Katherine Bedingfield.

Kể từ sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi cuối tháng hai, Mỹ và các nước phương Tây đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt nhằm vào các quan chức Nga, cô lập các lĩnh vực tài chính và kinh tế của nước này. Để đáp trả, Nga cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt tương tự.

Trong khi đó, báo Politico (Mỹ) dẫn lời các quan chức tại nước này cho biết Washington sẽ không dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Nga để hỗ trợ thông thương xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine. Một quan chức Mỹ cho biết những lời kêu gọi từ phía Nga về việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt trong bối cảnh khủng hoảng lương thực toàn cầu không nhận được phản hồi tích cực phía Washington. Theo quan chức này, Washington sẽ không đồng ý với thỏa thuận liên quan xuất khẩu ngũ cốc, trong đó bao gồm các bước dỡ bỏ trừng phạt Nga.

Trong khi đó, báo trên cũng dẫn lời một quan chức Liên hợp quốc phát biểu ngày 5/6 đánh giá các đề xuất của Nga làm "phức tạp" thêm các cuộc đàm phán vốn "mong manh" đang diễn ra giữa hai bên. Hiện các quan chức Mỹ đang theo dõi chặt chẽ các cuộc đàm phán giữa Nga và Liên hợp quốc, cũng như những cuộc thảo luận riêng rẽ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ liên quan vấn đề tạo hành lang xuất khẩu ngũ cốc an toàn từ Ukraine trong bối cảnh xung đột.

Trong diễn biến liên quan, ngày 6/6, Đại sứ Mỹ tại Moscow John J.Sullivan kêu gọi Nga không nên đóng cửa đại sứ quán Mỹ trong bối cảnh khủng hoảng tiếp diễn vì hai bên cần tiếp tục đối thoại. Cụ thể, phát biểu với hãng tin TASS (Nga), Đại sứ Mỹ tại Moscow John J.Sullivan nhấn mạnh Nga và Mỹ đơn giản là không nên cắt đứt các mối quan hệ ngoại giao. Hai bên phải duy trì khả năng đối thoại song phương.

Ông khẳng định phía Mỹ cũng sẽ không bao giờ cắt đứt toàn bộ các mối quan hệ với Nga. Dù thừa nhận có khả năng hai bên sẽ đóng cửa các đại sứ quán tại mỗi nước nhưng ông Sullivan cho rằng đây sẽ là một sai lầm lớn. Đại sứ Mỹ tại Nga cho rằng một nguyên nhân duy nhất có thể dẫn đến khả năng đóng cửa đại sứ quán Mỹ tại Nga là vì điều kiện làm việc không đủ an toàn.

Về tương lai quan hệ song phương, ông Sullivan hy vọng có một ngày hai bên sẽ có mối quan hệ hữu nghị nhưng cũng dự báo kịch bản này khó có thể xảy ra trong tương lai gần.

Trong diễn biến khác, một trong những nội dung chính trong chuyến thăm tới Thổ Nhĩ Kỳ của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov là xem xét các cơ chế nhằm giúp thông thương ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine. Chia sẻ với báo giới tại thủ đô Moscow ngày 6/6, Ngoại trưởng Lavrov cho biết đoàn quan chức Nga sẽ tới Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 7/6 để thảo luận về những chủ đề liên quan đến vận chuyển ngũ cốc của Ukraine.

Ông bày tỏ hy vọng hai bên sẽ đưa ra được kế hoạch cụ thể về giao hàng, bảo hiểm, bảo trì những con tàu sẽ vận chuyển ngũ cốc đến các cảng của châu Âu. Tuyên bố ngày 3/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Moscow sẵn sàng tìm cách vận chuyển ngũ cốc bị mắc kẹt tại các cảng của Ukraine và yêu cầu phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Theo Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO), Nga và Ukraine lần lượt là các nước xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất và lớn thứ 5 thế giới. Hai nước này đóng góp 19% nguồn cung lúa mạch thế giới, 14% lúa mì và 4% ngô, chiếm hơn 30% lượng ngũ cốc xuất khẩu trên toàn cầu.

Tại Ukraine - nơi được coi là “vựa” lúa mì của châu Âu, xung đột đã khiến lúa mỳ chưa thể thu hoạch được, trong khi các diện tích trồng ngô và hoa hướng dương không được chăm bón đúng cách. Ước tính, sản lượng ngũ cốc của Ukraine vụ mùa này có thể giảm hơn 50%.

Trong khi đó, Nga là nhà sản xuất phân bón hàng đầu, chiếm 13% sản lượng toàn cầu. Việc hoạt động xuất khẩu phân bón của Nga bị hạn chế do các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã khiến giá mặt hàng này tăng vọt trên toàn cầu. Nông dân ở Brazil, Mỹ và các nước nông nghiệp lớn khác phải giảm sử dụng phân bón và tình trạng này có thể ảnh hưởng đến năng suất vụ mùa sau đó.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/277394/nga-thong-bao-bo-sung-61-cong-dan-my-vao-danh-sach-trung-phat.html