Nga sắm vai ông lớn, dàn xếp thỏa thuận lịch sử

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đang kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ và Chính phủ Syria tiến hành hòa giải.

Ngày 11/10, đài truyền hình Lebanon Al-Mayadeen đưa tin, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đang kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ và Chính phủ Syria tiến hành hòa giải.

Nếu lời kêu gọi từ Moscow được hai bên hưởng ứng thì đây sẽ là dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi Ankara tuyên bố cắt đứt quan hệ với Damascus năm 2012, hai nước chưa từng có một cuộc đàm phán nào.

Trong suốt thời gian qua, Ankara liên tục bác bỏ các cuộc đàm phán hòa bình với Syria với lý do Tổng thống Bashar Al-Assad vẫn nắm quyền. Thổ Nhĩ Kỳ chỉ chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán khi "Assad Must Go".

Tổng thống Nga Putin (phải) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan.

Với việc Nga đứng ra làm trung gian hòa giải, nhiều khả năng Syria và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có được một thỏa thuận lịch sử, đem lại tương lai tươi sáng hơn cho người dân Syria.

Cả Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đều coi trọng Nga, vai trò của Nga ở Syria là nhân tố quyết định đến vận mệnh của đất nước Trung Đông này.

Giới phân tích nhận định, khả năng Ankara và Damascus ngồi vào bàn đàm phán là rất cao. Bởi lẽ, cả Moscow và Damascus đã dành cho Ankara những món quà vô cùng ý nghĩa.

Đầu tiên phải kể đến đó là việc Moscow tuyên bố đứng ngoài cuộc chiến giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) ở biên giới đông bắc Syria. Điều này giúp quân đội Thổ Nhĩ Kỳ triển khai chiến dịch Mùa xuân hòa bình một cách suôn sẻ.

Tiếp đó, về phía chính quyền Tổng thống Assad, sau khi người Kurd kêu gọi hợp tác để chống lại cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ, Damascus đã thẳng thừng từ chối yêu cầu này.

Tất nhiên, Damascus vẫn lên tiếng chỉ trích cuộc tấn công của Ankara song có lẽ đó chỉ là vấn đề thủ tục. Thổ Nhĩ Kỳ đã "hứa" với Nga rằng sẽ tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Syria, do đó chính quyền Tổng thống Assad cũng không quá lo lắng về chiến dịch của Ankara.

Người Kurd là bên chịu thiệt thòi lớn nhất, sau khi bị Mỹ "bỏ rơi", SDF đã phải đối mặt với hàng loạt vấn đề nghiêm trọng. Trước sức ép từ chiến dịch Mùa xuân hòa bình do Thổ Nhĩ Kỳ phát động, lực lượng này đã đánh mất nhiều vị trí quan trọng ở đông bắc Syria.

Là đồng minh từng sát cánh chiến đấu với liên quân chống khủng bố do Mỹ cầm đầu trong nhiều năm qua, cuối cùng cái kết mà Lực lượng Dân chủ Syria nhận được quá chua xót.

Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch Mùa xuân hòa bình, Tổng thống Donald Trump cảnh báo rằng, Mỹ sẽ hủy diệt toàn bộ nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nếu phát hiện nước này hành động quá mức trong chiến dịch quân sự tại Syria.

Việc Mỹ áp đặt thêm biện pháp trừng phạt có thể gây ra phản ứng dữ dội ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trong bài phát biểu hôm 9/10, ông Erdogan đã khơi dậy tinh thần chủ nghĩa dân tộc chống lại các nước châu Âu đã chỉ trích Ankara.

"Hiện giờ, tinh thần chủ nghĩa dân tộc ở Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng vọt", Galip Dalay, học giả tại Đại học Oxford nói.

"Nếu được thông qua, các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ chỉ khiến các quan chức ở Ankara tin rằng họ đã quyết định đúng đắn khi xích lại gần Nga (bằng cách mua hệ thống phòng thủ tên lửa), và dù Tổng thống Trump có thiện cảm với Thổ Nhĩ Kỳ, phần còn lại của Washington đều có quan điểm thù địch", ông Dalay nói.

Trung Dũng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nga-sam-vai-ong-lon-dan-xep-thoa-thuan-lich-su-3389287/