Nga đang bị ngầm ép phải rời WTO?

Khi Duma Quốc gia có ý định luật hóa việc đưa nước Nga rời WTO, đó được xem là cơ hội cho phương Tây gạt Nga khỏi định chế thương mại này...

Nga chính thức tuyên bố có thể rời WTO

Ngày 7/1, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Kinh tế Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) Sergei Kalashnikov tuyên bố nước này có thể rút khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong trường hợp tổ chức này chấp thuận đơn kiện Nga của EU.

Theo Politico, Liên minh Châu Âu đang tìm kiếm ủy quyền áp dụng chế tài thương mại hàng năm trị giá tương đương 1,65 tỷ USD với Nga, khi cáo buộc Moscow không tuân thủ nguyên tắc của WTO về quản lý xuất nhập khẩu thịt lợn.

Trước đó, ngày 3/1/2018, EU đã đệ trình yêu chấp lên WTO và WTO đã gửi yêu cầu của Brussels đến Tòa án trọng tài. Từ đó gây ra một cuộc tranh chấp pháp lý giữa Moscow và Brussels, Reuters tường thuật.

Nếu rời WTO là Nga sập bẫy phương Tây

Mức yêu cầu bồi thường mà Brussels đưa ra với Moscow ngang bằng với tổng giá trị xuất khẩu thịt lợn từ EU vào Nga năm 2013. Theo kế hoạch, mức phạt sẽ tăng lũy tiến 15% mỗi năm, cho đến khi Moscow dỡ bỏ lệnh cấm.

Cũng xin được nhắc lại là từ ngày 30/1/2014, Cơ quan giám sát nông nghiệp Nga (Rosselkhoznadzor) đã cấm nhập khẩu các sản phẩm của ngành chăn nuôi lợn từ các nước thành viên EU cho tới khi nhận được giấy bảo đảm an toàn từ Ủy ban châu Âu (EC).

Theo lập luận từ phía chính phủ Nga, quyết định này được thông qua là nhằm đối phó với việc bùng phát bệnh dịch lợn châu Phi (ASF) được ghi nhận tại Lithuania và Ba Lan, có thể gây nguy hại cho người tiêu dùng Nga.

Tuy nhiên, EU coi lệnh cấm này là không hợp lý và đệ đơn lên WTO yêu cầu thành lập nhóm chuyên gia giải quyết tranh chấp giữa Nga và EU xung quanh vấn đề này, vì nó gây thiệt hại cho EU và không phù hợp với nguyên tắc của WTO.

Được biết, Nga đã mất quyền kháng cáo chống lại phán quyết của WTO về lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm lợn và heo của EU vào tháng 2/2017. Vì vậy, theo quy định của WTO, đơn kiện của EU chống Nga sẽ được xem xét trong vòng 60 ngày.

Phát biểu với báo giới, ông Kalashnikov cảnh báo rằng trong trường hợp đơn kiện của EU được chấp thuận, Nga sẽ phải hạn chế sự tham gia vào WTO, thậm chí có thể “ngừng tham gia hoàn toàn” trong định chế thương mại này.

Theo Politico, lệnh cấm của Nga đối với thịt lợn châu Âu đã được áp dụng trước khi xảy ra xung đột chính trị và vũ trang tại Ukraine, dẫn đến việc Nga thực hiện sát nhập Crimea, song phương Tây vẫn cho là Moscow "kinh tế hóa chính trị".

Chính ông Peter Ungphakorn, một cựu quan chức của WTO, cũng lưu ý rằng vụ kiện này đã tiến xa hơn bình thường trong một cuộc tranh chấp thông thường về các vấn đề kiểm dịch thực vật theo nguyên tắc của WTO.

"Đó đã dược nâng lên thành một vấn đề lớn, bởi thông thường thì không có nhiều các vấn đề liên quan đến sức khỏe động vật trở thành tranh chấp pháp lý toàn diện tại WTO", Politico tường thuật

Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Kinh tế Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) Sergei Kalashnikov

Nga đang bị ngầm ép phải rời khỏi WTO?

Reuters bình luận rằng, Brussels đang gia tăng sức ép lên Nga trong một trận chiến trừng phạt - trả đũa qua lại kể từ ngay những ngày đầu của cuộc khủng hoảng ở Ukraine nổ ra vào năm 2014.

Theo hãng tin Anh, EU hiện đang cố gắng thu hồi 1,4 tỷ euro mỗi năm từ Nga, khi lập luận rằng Kremlin cấm nhập khẩu thịt lợn từ EU vào tháng 1/2014 là bất hợp pháp, giống như xung đột giữa chính quyền Tổng thống Putin với phương Tây".

Chính ông Kalashnikov cũng nhấn mạnh rằng việc EU áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Nga hoàn toàn đi ngược lại các nguyên tắc WTO. Do đó, việc Nga hạn chế nhập khẩu thực phẩm từ EU cũng nằm ngoài logíc pháp lý liên quan đến WTO.

Còn nhớ, hồi tháng 8/2017, Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) đã soạn thảo dự luật về khả năng đưa nước Nga rời khỏi WTO, mà nguyên nhân được nhận diện là với tư cách thành viên WTO thì nước Nga mất nhiều hơn được.

Có hai luồng dư luận phản ứng với thông tin này. Luồng dư luận thứ nhất xem đây là một trong những phương cách giúp cho nước Nga sống chung với cấm vận lâu dài của Mỹ sau khi đã được luật hóa.

Luồng dư luận thứ hai xem đây là việc nước Nga đang tìm cách tránh làm mất đi nhiều lợi ích khi tham gia vào một tổ chức mà Moscow không được tham gia soạn thảo quy chế hoạt động cho nó.

Tuy nhiên, giới phân tích đã nhìn nhận rằng, nếu Moscow chọn đưa nước Nga rời khỏi WTO thì đó là một sự lựa chọn mạo hiểm, cả kinh tế - chính trị lẫn kinh tế - xã hội Nga đều bị thiệt hại rất lớn sau hành động này.

Bởi lã, WTO là tổ chức quản lý tất cả các hoạt động thương mại đa phương - biểu hiện của xu thế toàn cầu hóa. Các thành viên WTO có thể tham gia các cuộc đàm phán thương mại đa phương, cũng như thúc đẩy quan điểm và tầm nhìn của mình.

Ngoài việc giám sát thực hiện các quy tắc và quy định hiện hành thì WTO còn không ngừng phát triển các điều kiện mới cho thương mại quốc tế, khiến hệ thống thương mại toàn cầu thích ứng với xu hướng thị trường toàn cầu.

Rào cản nguyên tắc WTO đã giúp kinh tế Nga - nhất là nông nghiệp - đạt được nhũng thành quả lớn ngay trong thời cấm vận

Tham gia WTO là hướng tới đa lợi ích, bởi các hiệp định thương mại đa phương được xem như một công cụ giúp các quốc gia thành viên có thể khai thác những lợi ích đan xen mà những hiệp định thương mại song phương không thể mang lại được.

Biểu hiện rõ nhất khi tham gia vào WTO là tham gia vào liên kết chuỗi, từ đó khiến cho lợi ích của các thành viên WTO có được cả từ những mối quan hệ trực tiếp và những quan hệ gián tiếp, cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nga-dang-bi-ngam-ep-phai-roi-wto-3350557/