Nếu ở Úc có Nhà hát Con Sò thì Việt Nam tự hào có Nhà hát Hồ Gươm

Tọa lạc tại 40-40A Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, Nhà hát Hồ Gươm là điểm nhấn kiến trúc, văn hóa Thủ đô Hà Nội. Để bạn đọc hiểu rõ hơn về công trình này, chúng tôi đã phỏng vấn ông Hồ Thiệu Trị, Kiến trúc sư (KTS) trưởng của Nhà hát Hồ Gươm – một trong những kiến trúc sư gắn bó với nhiều công trình nổi tiếng ở trong nước và nước ngoài, trong đó có dự án trùng tu Nhà hát Lớn Hà Nội.

Khán phòng chính Nhà hát Hồ Gươm trong buổi biểu diễn đầu tiên.

PV: Việc đầu tư xây dựng Nhà hát Hồ Gươm hướng tới một công trình văn hóa mang tầm vóc quốc tế nhưng cũng đồng thời là công trình biểu tượng về văn hóa, du lịch của Thủ đô Hà Nội và Việt Nam. Trước yêu cầu này, ông đã suy nghĩ, tính toán triển khai thực hiện thiết kế của mình như thế nào để có một Nhà hát Hồ Gươm như hiện nay?

KTS Hồ Thiệu Trị: Với tôi, được tham gia thiết kế Nhà hát Hồ Gươm - một công trình văn hóa nghệ thuật đặc biệt, cần thiết của đất nước nhằm phục vụ đời sống tinh thần, góp phần phát triển văn hóa đồng bộ với phát triển kinh tế là sự vinh hạnh. Trước khi bắt tay vào công việc, tôi nghĩ, thiết kế một nhà hát Opera hiện đại trong giai đoạn hiện nay thì phải vừa có hình thức đáp ứng được kiến trúc đương đại, vừa có tính chất riêng của nhà hát Việt Nam. Về công năng, thiết kế nhà hát cũng phải đáp ứng được mong muốn của nhà đầu tư – Bộ Công an đối với công trình này.

Nếu nói về kiến trúc, lịch sử Opera xuất phát khoảng thế kỷ thứ 17 tại châu Âu, cụ thể là tại Ý. Kiến trúc của những nhà hát thời đó theo phong cách Hy Lạp, La Mã rất nhiều, kể cả các nhà hát cổ ở Pháp, Ý, Đức và các nước châu Âu khác. Khi thiết kế Nhà hát Hồ Gươm, tôi cố gắng chuyển tải lịch sử nói trên, lấy ý tưởng những cột kiến trúc thời La Mã từ bên Ý. Đầu tiên, nhìn vào Nhà hát Hồ Gươm, chúng ta thấy hệ thống cột là những nét thẳng đứng, tượng trưng cho sự vươn cao lên, hoành tráng. Đối với tôi, hệ thống cột này như là nốt nhạc trong không gian. Những nét uốn lượn chung quanh nét thẳng đứng như những nốt nhạc trong các bài hát. Chúng tôi sử dụng kỹ thuật, tạo những đường cong cho mái vòm. Với đường cong của mái vòm và nét thẳng của những chiếc cột tạo những nốt nhạc trong không gian, tôi mong muốn mang tới tính chất đương đại của nhà hát. Chúng tôi sử dụng những họa tiết, hoa văn trên trống đồng để nói rằng đây là Nhà hát Hồ Gươm - nhà hát của Việt Nam và của Hà Nội.

Hoa văn trống đồng trên mái vòm, hệ thống cột của nhà hát có sự hòa trộn giữa kiến trúc mới và kiến trúc cổ. Bên cạnh nhà hát có chiếc cổng trại Bảo An Binh – di tích gắn với Cách mạng tháng Tám năm 1945. Chúng tôi yêu cầu phục chế, trùng tu. Vì vậy, đi qua 40-40A Hàng Bài, mọi người sẽ thấy một bên là chiếc cổng mang dấu tích xưa, một bên là công trình mang tính chất có một vài nét cổ nhưng hiện đại của Nhà hát Hồ Gươm. Sự “đối thoại” đó như là nốt thăng và trầm trong một bản nhạc để tạo nên tính tổng thể của nhà hát.

Kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị.

PV: Ngoài hệ thống cột, họa tiết, hoa văn, khi thiết kế Nhà hát Hồ Gươm, ông còn có những ý tưởng nào để công chúng nhìn vào có thể nhận ra ngay đây là nhà hát hiện đại nhưng rất Việt Nam?

KTS Hồ Thiệu Trị: Đó là sảnh nhà hát. Thường thường nhìn vào các nhà hát, chúng ta thấy không gian khép kín với tường hay là vật liệu xây dựng bao quanh, nhiều khi đi ngang, không biết đó là nhà hát. Khi thiết kế sảnh nhà hát, tôi muốn đây là không gian mở. Đi qua nơi này, nhìn xuyên qua hệ thống cột, nhìn qua mái vòm, chúng ta có thể thấy được tận ở bên trong. Những người qua đây, nhìn qua hệ thống cột, mái vòm cong và sảnh một cách xuyên suốt, giống như là khi vào nhà hát, khi vén màn lên là sẽ thấy ngay không gian sân khấu. Yếu tố này chúng tôi cũng đưa vào kiến trúc của sảnh. Nhìn vào sảnh, chúng ta thấy hệ thống màn tường bao quanh khán phòng như tấm màn nhung - ở đây chúng tôi dùng chất liệu màu đồng để diễn tả như bức màn sân khấu.

Vì tôi rất yêu các vũ điệu ballet, opera và nghệ thuật khác trong nhà hát nên thiết kế không gian sảnh, tôi mượn ý tưởng của vở kịch Hồ Thiên Nga. Hệ thống thang đi lên đi xuống, tôi cũng sử dụng các đường cong, uyển chuyển như các vũ công trên các sàn biểu diễn. Tất cả như là sân khấu được mở ra để cho tất cả mọi người nhìn vào hiểu được, thấy được một nhà hát ngay từ cái nhìn đầu tiên.

PV: Hai khán phòng – “trái tim” của Nhà hát Hồ Gươm có gì đặc biệt không, thưa ông?

KTS Hồ Thiệu Trị: Nhà hát có khán phòng lớn và khán phòng nhỏ hỗ trợ, bổ sung cho nhau để nhà hát trở lên đa năng, trở thành nơi tổ chức nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn khác nhau. Khán phòng 900 chỗ là sân khấu lớn theo định hình của opera, trong đó kết hợp với các thể loại trình diễn khác như múa ballet, hát nhạc kịch hay là kịch, hòa nhạc thính phòng. Về mặt kiến trúc nội thất, chúng tôi lấy ý tưởng để trang trí là nhánh lúa. Ý tưởng này xuất phát từ logo của Bộ Công an, có nhánh lúa 2 bên. Nhánh lúa vừa có tính biểu tượng của Bộ Công an nhưng cũng mang tính biểu tượng của quốc gia. Chúng tôi nghiên cứu các vách làm sao vừa phản âm, vừa thu âm, đáp ứng được những điều kiện khó khăn, khoa học về mặt âm thanh. Các trang thiết bị âm thanh đều được đặt hàng riêng tương thích với thiết kế nhà hát, tuân thủ những tiêu chuẩn cao cấp, hiện đại bậc nhất thế giới. Chúng tôi mời những chuyên viên, công ty đặc biệt về trang thiết bị sân khấu âm thanh, ánh sáng nhằm tạo không gian vừa mang tính chất mỹ thuật, vừa mang tính chất khoa học để làm sao một người diễn viên hát opera không cần micro mà tiếng vang có thể vang đến từng người xem.

Khán phòng nhỏ có thể tùy chỉnh theo các sự kiện. Tùy theo tính chất của buổi biểu diễn, nhà tổ chức cần sân khấu ở giữa hay ở một bên mà có thể sắp xếp ghế thay đổi. Ví dụ, nếu trình diễn thời trang thì sân khấu được điều chỉnh dài thành hình chữ I. Nếu biểu diễn thính phòng thì sân khấu ở giữa, các ghế ngồi chung quanh, hoặc sân khấu ở bên, tùy theo sự kiện. Đây là sân khấu đa năng. Tất cả các nhà hát ở Việt Nam chưa có mô hình này.

Trong thiết kế của nhà hát còn có những không gian phụ trợ đặc biệt như không gian hậu trường – nơi các nghệ sĩ, diễn viên chuẩn bị cho các buổi biểu diễn. Ngoài ra, nhà hát còn có các khu dành cho các dịch vụ khác để mọi người gặp gỡ, giao lưu, giải lao, thư giãn, ăn uống sau hoặc trước những buổi trình diễn. Khu vực này nằm ở dưới mái vòm của nhà hát.

Cổng trại Bảo An Binh bên cạnh Nhà hát Hồ Gươm sau khi tu bổ.

PV: Là người theo sát công trình này từ những ngày đầu, ông cảm nhận như thế nào về Nhà hát Hồ Gươm trong thực tế?

KTS Hồ Thiệu Trị: Không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người đều nói Nhà hát Hồ Gươm được hoàn thành nhanh và đẹp. Kết quả này đến từ quyết tâm của chủ đầu tư là Bộ Công an, đã tạo sự hào hứng, phấn khởi cho những người tham gia công trình. Chúng tôi là kiến trúc sư thiết kế, miệt mài làm việc theo tiến độ yêu cầu, luôn suy nghĩ mô hình đặc biệt để đưa vào nhà hát, đáp ứng yếu tố khoa học, mỹ thuật, hiện đại. Đội ngũ nhà thầu thi công cũng nỗ lực rất lớn. Theo tôi, đây là công trình quy mô và xây nhanh nhất ở Việt Nam, xứng đáng được mọi người quan tâm. Nếu ở Úc có Nhà hát Con Sò, ở Pháp có Nhà hát Opera Garnier, ở Ý có Nhà hát Opera La Scala thì Việt Nam có thể tự hào vì có Nhà hát Hồ Gươm.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nhung Hoa (thực hiện)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/neu-o-uc-co-nha-hat-con-so-thi-viet-nam-tu-hao-co-nha-hat-ho-guom-i700133/