Nếu không có 'Về nhà đi con', 'Nàng dâu order' có thể tạo hiệu ứng mạnh mẽ hơn

Cách xây dựng kịch bản của Nàng dâu order khiến khán giả đại chúng nhớ đến phim Sống chung với mẹ chồng cách đây không lâu, tác phẩm cũng tạo hiệu ứng mạnh mẽ với đề tài hôn nhân gia đình. Thế nhưng, vào thời điểm phát sóng, phim Sống chung với mẹ chồng không có đối thủ cùng thể loại.

Bộ phim Nàng dâu order và tác phẩm truyền hình Về nhà đi con vốn được khán giả đại chúng dành cho cùng mức kỳ vọng trong những tập đầu tiên lên sóng. Thế nhưng, phim Về nhà đi con với câu chuyện về ba cô con gái nhà ông Sơn nhanh chóng vượt qua đối thủ và trở thành phim được quan tâm bậc nhất trên màn ảnh nhỏ Việt Nam. Trong khi đó, phim Nàng dâu order cũng bước vào giai đoạn cao trào song vẫn bị người xem thờ ơ.

Phim Nàng dâu order là bộ phim theo chân đôi vợ chồng mới cưới Phong (Thanh Sơn) và Hoàng Yến (Lan Phương), một nhà văn nổi tiếng với những tác phẩm viết về tình yêu. Dù mới quen biết và tìm hiểu được chưa đầy 1 tháng, Phong và Hoàng Yến đã nhanh chóng tổ chức đám cưới, Yến bước vào gia đình nhà chồng với nhiều bỡ ngỡ, nhất là khi cô không hề biết nấu ăn, thường phải thức đêm viết văn và ngủ dậy muộn. Trong khi đó, bà nội của Phong (Minh Vượng) là người rất kỹ tính, coi trọng công dung ngôn hạnh và hết mực cưng chiều cháu trai.

Thực chất, phim Nàng dâu order cũng đề cập đến những vấn đề gây tranh cãi trong xã hội: hôn nhân gia đình, mối quan hệ giữa nàng dâu - nhà chồng, mối quan hệ với người yêu cũ của chồng, “em gái mưa” của chồng, câu chuyện bán hàng đa cấp, cuộc sống của người nổi tiếng, chuyện tình giữa thầy giáo và cô giáo trong trường… Tác phẩm vừa thẳng thắn khai thác những vấn đề thường gặp trong đời sống, chạm đến sự đồng cảm của khán giả, vừa khéo léo cài cắm các tình tiết hài hước thông qua nhân vật bố Phong - ông Phú, em trai của Yến…

Thế nhưng, phim Nàng dâu order vẫn thua kém hẳn đối thủ Về nhà đi con về sức hút và hiệu ứng trên mạng xã hội. Một số khán giả cho rằng, tác phẩm về ba con gái của ông Sơn chia câu chuyện thành nhiều nhánh với các tuyến nhân vật khác nhau: mối tình của ông Sơn, chuyện hôn nhân hợp đồng giữa Vũ và Thư, chị cả Huệ với những sóng gió trong hôn nhân, chuyện tình gà bông của cô em gái mạnh mẽ, cá tính Ánh Dương; đồng thời vẫn tạo ra sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình.

Những câu chuyện nếu tách lẻ ra sẽ không tạo hiệu ứng mạnh mẽ đến vậy, nhưng khi gộp chung lại, tác phẩm Về nhà đi con tạo nên cảm giác thích thú lẫn mới lạ cho khán giả đại chúng.

Câu chuyện cặp đôi “oan gia ngõ hẹp” có hợp đồng hôn nhân rồi nảy sinh tình cảm vốn không còn xa lạ trên màn ảnh nhỏ.

Câu chuyện cặp đôi “oan gia ngõ hẹp” có hợp đồng hôn nhân rồi nảy sinh tình cảm vốn không còn xa lạ trên màn ảnh nhỏ.

Trong khi đó, mâu thuẫn của phim Nàng dâu order chỉ tập trung quanh vợ chồng của Phong và Yến. Các biến cố lặp đi lặp lại tạo nên mối bất hòa không dứt giữa nàng dâu và nhà chồng dễ khiến khán giả chán nản: hết rắc rối từ người yêu cũ của chồng đến Nguyệt Anh (Quỳnh Kool) - “em gái mưa” thân thiết với bà nội Phong… Khán giả dễ thấy biên kịch Nàng dâu order muốn tạo sự chân thật cho tác phẩm, xây dựng mâu thuẫn “mưa dầm thấm lâu”, “tích tiểu thành đại”, tạo ra những bất hòa nhỏ rồi dẫn đến giọt nước tràn ly làm đổ vỡ gia đình.

Cách xây dựng kịch bản này khiến khán giả đại chúng nhớ đến phim Sống chung với mẹ chồng cách đây không lâu, tác phẩm cũng tạo hiệu ứng mạnh mẽ với đề tài hôn nhân gia đình. Thế nhưng, vào thời điểm phát sóng, phim Sống chung với mẹ chồng không có đối thủ cùng thể loại mà tạo thế cộng sinh với phim Người phán xử - bộ phim lấy đề tài giang hồ mang màu sắc hoàn toàn đối lập.

Còn với phim Nàng dâu order, cách xây dựng 4 nhân vật trung tâm cùng tình tiết nhanh của đối thủ Về nhà đi con khiến tác phẩm về nhà văn Lam Lam trở nên kém sức hút hơn. Tính giải trí từ nhân vật ông Phú - cô giáo thể chất Thùy Linh và em trai của Hoàng Yến không đủ sức tạo hiệu ứng viral trên các trang mạng xã hội. Trái lại, những đoạn nhỏ hay nhất (bestcut) của Về nhà đi con đánh trúng tâm lý khán giả nên lan tỏa rất nhanh.

Vai ông Phú trong “Nàng dâu order” được yêu thích vì sự tâm lý, dí dỏm.

Vai ông Phú trong “Nàng dâu order” được yêu thích vì sự tâm lý, dí dỏm.

Với thể loại rom-com, đề tài hôn nhân gia đình chủ yếu hướng đến khán giả nữ, phim Về nhà đi con được lợi thế vì sở hữu ba nhân vật có tính cách khác biệt, đại diện cho những mẫu hình phụ nữ khác nhau trong xã hội. Còn phim Nàng dâu order cũng có chiều sâu và sự kịch tính nhất định để giữ chân những khán giả gắn bó.

Grassie

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/dien-anh/neu-khong-co-ve-nha-di-con-nang-dau-order-co-the-tao-hieu-ung-hon-5542841.html