Nền nhiệt ngày càng tăng lên, số ngày rét đậm, rét hại ở miền Bắc ngày càng giảm
Nhiệt độ trung bình năm trên toàn quốc vào giữa thế kỷ có mức tăng 1,2 - 1,7 độ C; đến cuối thế kỷ, có mức tăng 1,6 - 2,4 độ C.
Bộ TN-MT vừa công bố kịch bản mới nhất về biến đổi khí hậu. Theo đó, tại kịch bản lần này, dự báo, nhiệt độ không khí trung bình năm ở tất cả các vùng của Việt Nam đều có xu thế tăng so với thời kỳ cơ sở (1986-2005); mức tăng phụ thuộc vào các kịch bản và vùng khí hậu.
Theo kịch bản này, nhiệt độ trung bình năm trên toàn quốc vào giữa thế kỷ có mức tăng 1,2-1,7 độ C; đến cuối thế kỷ, có mức tăng 1,6-2,4 độ C. Nhìn chung, nhiệt độ phía Bắc tăng cao hơn phía Nam.
Nhiệt độ cực trị có xu thế tăng ở tất cả các vùng khí hậu. Đến cuối thế kỷ, theo kịch bản, nhiệt độ tối cao trung bình năm tăng phổ biến từ 1,7-2,6 độ C, trong đó, mức tăng phổ biến phía Bắc từ 2,0-2,6 độ C, phía Nam từ 1,7-2,9 độ C. Nhiệt độ tối thấp trung bình năm tăng 1,7-2,1 độ C.
Ngoài ra, lượng mưa năm có xu thế tăng ở tất cả các vùng khí hậu. Lượng mưa mùa mưa, mùa khô có xu thế tăng trên đa phần diện tích cả nước. Mưa cực trị có xu thế tăng.
Theo kịch bản, lượng mưa năm có xu thế tăng trên phạm vi cả nước, với mức tăng phổ biến 10-15% vào giữa thế kỷ và 10-20% vào cuối thế kỷ.
Ngoài ra, biến đổi khí hậu có khả năng làm thay đổi tần suất, cường độ, quy luật hoạt động của các hiện tượng khí hậu cực đoan. Một số kết quả dự tính như, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới có xu thế ít biến đổi nhưng có phân bố tập trung hơn vào cuối mùa bão, đây cũng là thời kỳ bão hoạt động chủ yếu ở phía Nam.
Bão mạnh đến rất mạnh có xu thế gia tăng. Số ngày rét đậm, rét hại ở các tỉnh miền núi phía Bắc, Đồng bằng Bắc bộ, Bắc Trung bộ đều giảm.
Số ngày nắng nóng và nắng nóng gay gắt có xu thế tăng trên phần lớn cả nước, lớn nhất là ở Bắc Trung bộ, Đồng bằng Bắc bộ và Nam bộ.
Về tình hình hạn hán, theo kịch bản, đến cuối thể kỷ 21, số tháng hạn tăng trên đa phần diện tích của Bắc Trung bộ, Tây Nguyên và một phần diện tích đồng bằng Bắc bộ và Nam Trung bộ và có xu thế giảm trên đa phần diện tích Bắc bộ và Trung Trung bộ.
Cũng theo kịch bản này, mực nước biển sẽ dâng khoảng 55 cm. Phân bố không gian của mực nước biển dâng trên Biển Đông cho thấy, khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) có mực nước biển dâng cao hơn đáng kể so với các khu vực khác.
Khu vực có mực nước biển dâng thấp nhất là khu vực Vịnh Bắc bộ và Bắc Biển Đông. Nếu xét riêng dải ven biển Việt Nam, khu vực ven biển từ Đà Nẵng đến Kiên Giang có mực nước biển dâng cao hơn so với khu vực phía Bắc. Kết quả này phù hợp với xu thế biến đổi mực nước biển được tính theo số liệu thực đo tại các trạm trong quá khứ.
Cụ thể, vào năm 2050, khu vực ven biển Móng Cái - Hòn Dấu có mực nước biển dâng thấp nhất là 22 cm. Khu vực quần đảo Trường Sa có mực nước biển dâng cao nhất là 24 cm; trung bình toàn dải ven biển là 23 cm.
Vào năm 2100, khu vực ven biển Móng Cái - Hòn Dáu có mực nước biển dâng thấp nhất là 52 cm, khu vực quần đảo Trường Sa có mực nước biển dâng cao nhất là 57 cm; trung bình toàn dải ven biển là 53 cm.