Nên giảm tối đa mức lãi suất chiết khấu

Theo Ngân hàng nhà nước, hơn 375 ngàn tỷ đồng vốn hỗ trợ lãi suất đã được giải ngân. Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả mà gói kích thích kinh tế mang lại cho nền kinh tế là hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp (DN) thì nguy cơ lớn nhất có thể xảy ra là lạm phát có thể tái phát vào thời gian tới.

Theo ông Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, việc cần làm hiện nay là chúng ta cần có những theo dõi sát sao để có dự báo tốt về lạm phát. Chúng ta không hoàn toàn tránh được lạm phát nhưng mức kiểm soát tốt nhất là dưới 10%. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Bùi Kiến Thành, chuyên gia kinh tế, cho rằng giải pháp tối ưu hiện nay là Chính phủ nên điều chỉnh và thay thế ngay chính sách bù lãi suất bằng một chính sách tín dụng với lãi suất thấp cho mọi đối tượng mà không tạo ra thâm hụt ngân sách. Ông nhấn mạnh: “Đây là hướng mà hầu hết các nền kinh tế thị trường trên toàn thế giới đang triển khai. Tức là Ngân hàng nhà nước nên hạ tối đa mức lãi suất chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn. Cụ thể, lãi suất chiết khấu nên giảm xuống 1% thay 5% như hiện hành và lãi suất cấp vốn xuống 2% thay mức 7%. Khi đó, các ngân hàng thương mại mới có điều kiện cho DN vay vốn với lãi suất từ 4% đến 5% mà không làm mất cân bằng tài chính vĩ mô”. Cũng theo ông Thành, Ngân hàng nhà nước sẽ phải giám sát chặt chẽ các khoản vay của các ngân hàng thương mại theo đúng quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và quy chế cho vay. Nghĩa là khách hàng phải có dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khả thi và phải có hiệu quả; hoặc dự án đầu tư, phương án phục vụ đời sống khả thi và phù hợp với quy định của pháp luật. Tất cả đối tượng DN sẽ được đối xử bình đẳng. Việc cho vay vốn dựa trên tiêu chí khách quan của từng dự án. Ngắn hạn hay dài hạn thì tùy thuộc vào lịch trình phát triển kinh doanh. Còn theo ông Nghĩa, Chính phủ sẽ chưa điều chỉnh gì về gói kích thích kinh tế. Kinh tế thế giới hồi phục chậm chạp, một số nguồn lực tài chính còn bất ổn, tình trạng đầu cơ một số lĩnh vực cũng có thể khiến Việt Nam chịu một số cú sốc nho nhỏ vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2010. Cú sốc đó là: Thị trường bất động sản sẽ giảm, thị trường chứng khoán cũng thế, nhất là tăng trưởng bị chùng xuống mạnh do cầu nội địa bị yếu đi sau một thời gian căng lên. Kéo theo đó là việc tiêu dùng, đầu tư cũng ít nhiều giảm...

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/news/kinh-te/view.aspx?news_id=262362