Nâng tầm nông sản Việt, hướng tới thị trường toàn cầu

Ngày 2/7, tại Trung tâm Hành chính tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng phối hợp cùng Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) tổ chức hội thảo với chủ đề 'Nâng tầm nông sản Việt: Chứng nhận số thông minh và truy xuất nguồn gốc hướng tới thị trường toàn cầu'.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án “Trao quyền cho nông dân sản xuất nhỏ thông qua chứng nhận và khả năng truy xuất nguồn gốc bằng AI cho nền nông nghiệp bền vững tại Việt Nam” do Đại học Griffith (Úc) phối hợp cùng QUACERT thực hiện.

Bà Phạm Thị Nhâm - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng, ông Nguyễn Tuấn Anh - Quyền Giám đốc Trung tâm Chứng nhận phù hợp đồng chủ trì hội thảo. Cùng dự có bà Mai Thị Thanh Nga - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, ông Lê Minh Tâm - Giám đốc Trung tâm Đào tạo Nghiệp vụ Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, TS. Nguyễn Thành Tâm - Trường Đại học Griffith, Chủ nhiệm Dự án, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và đại diện gần 50 đơn vị, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, bà Phạm Thị Nhâm - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng cho biết: Sau khi sáp nhập, tỉnh Lâm Đồng mới có diện tích lớn nhất nước, dân số hơn 3,8 triệu người, xã xa nhất cách trung tâm tỉnh đến 400 km. Trong cuộc cách mạng 4.0, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chứng nhận số vô cùng quan trọng, những công cụ này sẽ biến những khoảng cách xa trở nên gần. Lâm Đồng là tỉnh đi đầu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh của cả nước; sau khi sáp nhập, các sản phẩm chủ lực như cà phê, rau hoa, hải sản… rất cần thiết để áp dụng khoa học, công nghệ, chứng nhận phù hợp. Lâm Đồng mong nhận được sự phối hợp của bộ, ngành Trung ương, các tổ chức trong nước và quốc tế trong việc thử nghiệm mô hình mới, nâng cao giá trị nông sản của tỉnh.

Bà Phạm Thị Nhâm - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng phát biểu khai mạc hội thảo

Bà Phạm Thị Nhâm - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng phát biểu khai mạc hội thảo

Từ hội thảo, Lâm Đồng mong muốn được các chuyên gia, nhà khoa chia sẻ những công cụ phù hợp nhất, hiệu quả nhất, những kiến thức tiên tiến nhất; đồng thời chỉ ra những khó khăn mà Lâm Đồng đang gặp phải, đặc biệt là trong việc truy xuất nguồn gốc các nông sản địa phương giữa bối cảnh hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng lẫn lộn khó phân biệt.

Đại diện các doanh nghiệp, đơn vị, HTX, trang trại tham dự hội thảo

Đại diện các doanh nghiệp, đơn vị, HTX, trang trại tham dự hội thảo

Tại hội thảo, các diễn giả đã chia sẻ thông tin về yêu cầu của tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ và hệ thống truy xuất nguồn gốc áp dụng trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời giới thiệu nền tảng số phát triển bởi dự án - nền tảng V-STANDARD. Nền tảng này được xây dựng nhằm mục đích nâng cao hiệu quả áp dụng tiêu chuẩn trong lĩnh vực nông nghiệp và khả năng truy xuất nguồn gốc thông qua phân tích dữ liệu thời gian thực, đảm bảo năng suất cao, kết hợp các công cụ xanh. Từ đó, giúp cho bà con có cách tiếp cận một cách hiện đại, cụ thể ứng dụng chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI để thuận tiện hơn trong quá trình quản lý, truy cập; giúp cho bà con cung cấp dữ liệu để chứng minh sản phẩm nông nghiệp là an toàn, là hữu cơ, nâng cao giá trị nông sản.

Hội thảo giới thiệu nền tảng V-STANDARD chứng nhận và truy xuất nguồn gốc hỗ trợ bởi AI cho Việt Nam

Hội thảo giới thiệu nền tảng V-STANDARD chứng nhận và truy xuất nguồn gốc hỗ trợ bởi AI cho Việt Nam

Cụ thể, giới thiệu về Dự án, ông Nguyễn Thành Tâm – Trường Đại học Griffith, Chủ nhiệm Dự án cho hay, hiện nay việc đăng ký chứng nhận mất rất nhiều thời gian, quy trình thủ tục giấy tờ phức tạp; để giải quyết vấn đề đó, nền tảng chứng nhận và truy xuất nguồn gốc hỗ trợ bởi AI cho Việt Nam (V-STANDARD) giúp cập nhật tiêu chuẩn động: Liên tục cập nhật và so sánh tiêu chuẩn quốc tế, giúp doanh nghiệp dễ dàng tra cứu và xác minh tuân thủ; Phân tích, ra quyết định dựa trên AI: Ứng dụng AI để đề xuất tiêu chuẩn phù hợp và xác định khoảng cách giữa các tiêu chí, giúp nông dân canh tác đạt chuẩn quốc tế; Giám sát và báo cáo tương tác: Giám sát tuân thủ theo thời gian thực, hiển thị qua bảng điều khiển trực quan, truy cập dễ dàng mọi lúc trên web và di động.

Nền tảng V-STANDARD giúp nông dân Việt đạt chuẩn quốc tế dễ dàng hơn, nâng giá trị nông sản nhờ số hóa và truy xuất minh bạch. Bên cạnh đó, giúp cơ quan quản lý số hóa toàn diện quy trình chứng nhận, minh bạch hóa truy xuất, từng bước đưa tiêu chuẩn Việt Nam tiệm cận quốc tế. Nền tảng V-STANDARD cũng mang lại lợi ích thiết thực như tăng giá trị nông sản, truy xuất minh bạch, dễ tin cậy; rút ngắn thời gian chứng nhận; hỗ trợ hoạch định chính sách tiêu chuẩn.

Nhiều ý kiến nêu khó khăn, khúc mắc từ thực tiễn sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Nhiều ý kiến nêu khó khăn, khúc mắc từ thực tiễn sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Chia sẻ về tình hình áp dụng nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam, thuận lợi và khó khăn, bà Đặng Thị Bích Hường – Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho biết, trước nhu cầu thị trường nội địa và quốc tế đối với sản phẩm hữu cơ ngày càng tăng, mở ra nhiều cơ hội. Việt Nam có thể phát triển liên kết chuỗi giữa nông dân – doanh nghiệp – nhà phân phối để ổn định đầu ra và xu hướng tiêu dùng bền vững, thân thiện với môi trường đang lan rộng.

Các chuyên gia tận tình giải đáp, tháo gỡ nhiều vướng mắc

Các chuyên gia tận tình giải đáp, tháo gỡ nhiều vướng mắc

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng tham luận về nguyên tắc và quy trình chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế; Giới thiệu về nền tảng quản lý và tham khảo các tiêu chuẩn nông sản; Tổng quan chung về nền tảng ứng dụng cho nông dân, ứng dụng cho tổ chức chứng nhận; Giới thiệu chi tiết về các thông tin phải cập nhật cho nông dân, trích xuất nhật ký, xuất mã QR code cho sản phẩm cuối cùng; khả năng tích hợp thông tin trên cổng truy xuất quốc gia.

Phần trao đổi, thảo luận diễn ra sôi nổi, các doanh nghiệp, HTX, trang trại đã nêu nhiều khó khăn vướng mắc trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trong việc áp dụng công nghệ số đã được các chuyên gia, diễn giả giải đáp, tháo gỡ; phổ biến các yêu cầu của tiêu chuẩn hữu cơ trong trồng trọt...

QUỲNH UYỂN

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/nang-tam-nong-san-viet-huong-toi-thi-truong-toan-cau-343135.html