Nắng nóng khiến số trẻ em mắc bệnh về đường tiêu hóa tăng
Theo các bác sỹ chuyên khoa nhi, thời tiết nắng nóng của mùa hè làm gia tăng sự phát triển của ruồi, muỗi, gián, kiến… dẫn đến dễ lây lan các mầm bệnh đường tiêu hóa ở trẻ em.
Thạc sỹ Trương Văn Quý - Trưởng Khoa Nhi nội tổng hợp (Bệnh viện E) cho biết, khoảng hai tuần trước, mỗi ngày khoa Nhi của bệnh viện tiếp nhận 70-80 trường hợp; trong đó 50% có các dấu hiệu của bệnh đường tiêu hóa, còn lại là các bệnh lý khác.
Trong khi đó, Tiến sỹ Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Trung tâm Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, mỗi ngày tại Trung tâm tiếp nhận khám khoảng 300 trẻ tới khám nhiều các bệnh khác nhau, trong đó có khoảng 10-15 trẻ phải nhập viện.
Phó Giáo sư Nguyễn Thị Việt Hà - Trưởng khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Nhi Trung ương) nhận định, có nhiều nguyên nhân gây đau bụng và nôn ở trẻ em. Tùy theo từng nhóm nguyên nhân khác nhau mà tình trạng của trẻ có thể diễn biến cấp tính trong vài ngày hoặc kéo dài nhiều tuần đến nhiều tháng.
Nguyên nhân thường gặp nhất gây nôn và đau bụng ở trẻ em là viêm dạ dày - ruột cấp do virus như rotavirus, norovirus, calicivirus, adenovirus, COVID-19. Viêm dạ dày ruột có thể xảy ra khi trẻ ăn thức ăn, nguồn nước bị nhiễm khuẩn hoặc trẻ ngậm tay, chơi đồ chơi bị nhiễm bẩn. Thời tiết nắng nóng của mùa hè làm gia tăng sự phát triển của ruồi, muỗi, gián, kiến… dẫn đến dễ lây lan các mầm bệnh. Bên cạnh đó, việc các gia đình thường xuyên sử dụng đá, nước giải khát được làm lạnh cũng là một nguyên nhân gây dễ nhiễm khuẩn nếu nguồn nước ô nhiễm.
Đặc biệt, mùa hè là thời điểm trẻ cùng gia đình được đi du lịch nhiều hơn, sử dụng các thực phẩm chuẩn bị sẵn hoặc thức ăn đường phố dễ bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm độc tố vi khuẩn như thịt, cá, hải sản, kem, trứng, sữa và rau quả làm gia tăng tình trạng viêm dạ dày - ruột do nhiễm khuẩn.