Năng lượng Trung Đông 'đắt hàng' sau loạt chuyến thăm tấp nập của phương Tây?

Vùng Vịnh, Trung Đông, những ngày qua 'tấp nập' các chuyến thăm cấp cao của quan chức nhiều nước – khi các mỏ dầu, khí đốt nơi đây có khả năng giúp hạ nhiệt giá thành năng lượng, do chịu tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine, các lệnh trừng phạt lên Nga.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều trở ngại, để vùng Vịnh có thể thay thế Nga trên thị trường dầu mỏ, khí đốt.

“Cuộc chiến tại Ukraine là một bước ngoặt đối với Liên minh châu Âu. Cụ thể, chúng tôi sẽ xem xét kỹ hơn các chính sách quốc phòng và năng lượng của mình.” - đó là tuyên bố của Thủ tướng Đức Olaf Scholz đưa ra, nhấn mạnh sự cần thiết phải giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga.

Quốc vương Qatar tiếp Bộ trưởng Kinh tế Đức. Ảnh: Reuters.

Trong một nỗ lực như vậy, hôm qua (20/3), Đức và Qatar – quốc gia xuất khẩu khí đốt hàng đầu thế giới, đã ký một thỏa thuận hợp tác năng lượng dài hạn, trong chuyến thăm Doha của Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck.

Thỏa thuận được ký sau các cuộc gặp của ông Habeck với Quốc vương, các Bộ trưởng ngoại giao và năng lượng của Qatar. Theo thỏa thuận, trong thời gian tới, các công ty của Đức sẽ sớm bước vào các cuộc đàm phán hợp đồng cụ thể với phía Qatar.

Tuy nhiên, theo Các hiệp hội doanh nghiệp Đức, dù Qatar có tiềm năng trở thành nhà cung cấp thay thế một phần nguồn cung khí đốt từ Nga. Tuy nhiên, vẫn còn những trở ngại trong việc hợp tác, đặc biệt là trong vấn đề vận chuyển. Ngoài ra, nước Đức hiện không có cảng và kho dự trữ khí đốt tự nhiên hóa lỏng để có thể tiếp nhận khối lượng lớn nhập khẩu.

Cũng có mặt tại Qatar cùng ngày, Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum đã có cuộc gặp với người đồng cấp nước chủ nhà Khalid bin Khalifa bin Abdulaziz Al-Thani và có cuộc hội kiến Quốc vương Qatar, để thảo luận về các hợp tác song phương, trong đó cũng bàn về năng lượng.

Dầu và khí đốt cũng là chương trình nghị sự chính trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi tới Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hôm qua. Cụ thể, ông Hayashi đã đề nghị UAE tăng sản lượng khai thác, để xuất khẩu nhằm sự ổn định của thị trường dầu mỏ quốc tế.

UAE cũng là điểm dừng chân tiếp theo của Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck.

Trước đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đã tới UAE và Saudi Arabia nhằm thuyết phục hai quốc gia có vai trò quan trọng trong OPEC+ “mở van dầu” khai thác xuất khẩu, nhằm hạ cơn sốt giá dầu tăng. Tuy nhiên, OPEC+ vẫn giữ cam kết trước đó của mình về sản lượng khai thác và xuất khẩu.

Hôm qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng nhấn mạnh tới các cam kết duy trì sản lượng xuất khẩu của các nước OPEC+ và cơ chế này không có lý do gì để hủy bỏ.

“Như chúng tôi đã lưu ý, trong vấn đề khí đốt và dầu mỏ, hạn ngạch phân bổ cho các nước xuất khẩu được các nước OPEC+ thảo luận và nhất trí thông qua đồng thuận. Vì vậy, định dạng OPEC+ vẫn sẽ cần thiết đối với những nước tham gia mới xuất hiện trên thị trường cung ứng dầu mỏ toàn cầu. Và tôi không có lý do gì để tin rằng cơ chế OPEC + sẽ bị hủy bỏ”.

Hạn ngạch dầu mỏ của mỗi nước thành viên OPEC+ cần được bàn với Nga. Những trở ngại về việc vận chuyển cũng sẽ khiến vùng Vịnh, Trung Đông chưa thể “một sớm, một chiều” có thể thay thế nguồn cung cấp của Nga ra thị trường. Theo giới chức Qatar, không quốc gia đơn lẻ có đủ khả năng thay thế Nga đảm bảo nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho châu Âu. Cộng thêm những rủi ro bất ổn tại Trung Đông cũng sẽ khiến thị trường dầu mỏ thế giới gặp nhiều biến động nếu các nước châu Âu, châu Á phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ khu vực này./.

Đình Nam/VOV1 Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/nang-luong-trung-dong-dat-hang-sau-loat-chuyen-tham-tap-nap-cua-phuong-tay-post931913.vov