Nâng cấp hạ tầng, không để ngập úng Khu công nghiệp Yên Lư

Cùng với đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án khu công nghiệp (KCN) Yên Lư, chủ đầu tư, cơ quan chuyên môn của tỉnh Bắc Giang tập trung rà soát, xây dựng phương án tiêu thoát nước cho KCN và vùng ven.

Nguy cơ ngập úng cao

Dự án KCN Yên Lư do Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Capella (TP Hà Nội) làm chủ đầu tư với quy mô 377 ha, vốn đầu tư gần 2,7 nghìn tỷ đồng.

Giai đoạn 1 của dự án, UBND huyện Yên Dũng thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) 173 ha tại 7 thôn của xã Yên Lư gồm: Yên Hồng, Yên Tập Bắc, Yên Tập, Yên Tập Bến, Long Trường Vân, An Thái và Yên Tập Cao. Đến nay, địa phương đã bàn giao hơn 100 ha cho chủ đầu tư.

Chủ đầu tư KCN Yên Lư san lấp khu vực đã có mặt bằng.

Chủ đầu tư KCN Yên Lư san lấp khu vực đã có mặt bằng.

Ông Trần Văn Thế, Phó Ban Quản lý dự án KCN Yên Lư cho biết: “Do diện tích mặt bằng được bàn giao xôi đỗ, thiếu đất san lấp nên đến nay chủ đầu tư mới san lấp được hơn 20 ha. Tại các vị trí đã, đang san lấp, cùng với hoàn thiện hạ tầng giao thông, chúng tôi nâng cấp, cứng hóa hệ thống kênh dẫn nước thay thế kênh đất trước đây, bảo đảm tiêu thoát nước”.

Theo đại diện Phòng Kinh tế huyện Yên Dũng, tiêu thoát nước mưa, nước mặt của KCN Yên Lư chủ yếu theo hướng Bắc xuống Nam bằng các tuyến kênh tiêu nội đồng và tự chảy theo độ dốc địa hình dồn về 2 tuyến kênh tiêu chính N4 và N5 để dẫn nước về Trạm bơm Yên Tập (xã Yên Lư), tiêu ra sông Cầu.

Khu vực Trạm bơm Yên Tập là "rốn" tiêu thoát nước của toàn bộ lưu vực nên vào mùa mưa mực nước sông Cầu lên cao, nước được tiêu thoát bằng máy bơm của Trạm bơm Yên Tập. Mặc dù có hai nhà trạm song do nhà trạm số 1 được xây dựng từ năm 1964 nên thông số kỹ thuật của 3 tổ máy chỉ đạt 9 nghìn m3/giờ; thiết bị cơ khí, máy bơm và công trình nhà trạm đã xuống cấp, sửa chữa nhiều lần. Trong khi đó, 4 tổ máy nhà trạm số 2 cũng chỉ đạt 24 nghìn m3/giờ.

“Từ khi Trạm bơm Yên Tập đi vào vận hành tới nay chưa xảy ra tình trạng ngập úng khu vực song nguy cơ sẽ hiện hữu khi KCN Yên Lư hình thành. Bởi toàn bộ lưu vực thuộc KCN đều tiêu thoát nước qua kênh N4, N5 dẫn về Trạm bơm tiêu Yên Tập, trong khi đây đều là kênh đất, xuống cấp, khả năng dẫn nước hạn chế”, ông Lại Văn Hà, Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Yên Dũng nói.

Đầu tư đồng bộ hệ thống thoát nước

Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 và theo bản đồ kế hoạch sử dụng đất của huyện Yên Dũng năm 2022, tổng diện tích lưu vực của Trạm bơm Yên Tập là hơn 1,5 nghìn ha, trong đó đất KCN, đô thị, dịch vụ hơn 722 ha; đất ở khu dân cư, đường giao thông hơn 608 ha; đất ao hồ, kênh mương 45,55 ha và đất nông nghiệp hơn 131 ha.

Đoạn kênh trước bể hút Trạm bơm Yên Tập (đoạn hợp giữa kênh N4 và N5) xuống cấp, khả năng dẫn nước kém.

Đoạn kênh trước bể hút Trạm bơm Yên Tập (đoạn hợp giữa kênh N4 và N5) xuống cấp, khả năng dẫn nước kém.

Đại diện Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Nam Sông Thương cho biết, do công trình đầu mối Trạm bơm tiêu Yên Tập và hệ thống kênh tiêu N4, N5 được thiết kế, thi công xây dựng đã lâu nên năng lực tiêu chỉ đáp ứng được lưu lượng thoát nước 9,17 m3/s (thời điểm trước khi có KCN Yên Lư).

Do quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, cơ cấu diện tích sử dụng đất trong lưu vực đã thay đổi theo hướng tăng tỷ trọng đất công nghiệp, đô thị và dịch vụ; giảm tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp dẫn đến lưu lượng yêu cầu tiêu thoát nước cho lưu vực khi có KCN là 26,67 m3/s, tăng 17,5 m3/s so với năng lực thực tế.

Nhìn nhận rõ nguy cơ ngập úng, mới đây Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khảo sát hiện trạng khả năng tiêu thoát nước của Trạm bơm Yên Tập, kênh N4, N5. Căn cứ kết quả khảo sát, ngày 3/4, Sở Nông nghiệp và PTNT có văn bản tham mưu UBND tỉnh về phương án bảo đảm khả năng tiêu thoát nước KCN Yên Lư.

Sau khi khảo sát, Sở Nông nghiệp và PTNT đề xuất UBND tỉnh bố trí kinh phí cải tạo, nâng cấp hệ thống kênh N4, N5 và trạm bơm Yên Tập. Đối với công trình trạm bơm, giữ nguyên nhà trạm số 2; phá bỏ nhà trạm số 1, xây dựng bổ sung trạm bơm mới, nâng tổng công suất sau khi nâng cấp, bổ sung xây mới là 26,67 m3/s.

Theo đó, Sở đề xuất UBND tỉnh bố trí kinh phí cải tạo, nâng cấp hệ thống kênh N4, N5 và Trạm bơm Yên Tập. Đối với công trình trạm bơm, giữ nguyên nhà trạm số 2 (hiện công suất 6,67 m3/s), phá bỏ nhà trạm số 1, xây bổ sung trạm bơm mới công suất 20 m3/s; qua đó nâng tổng công suất sau khi nâng cấp, bổ sung xây mới là 26,67 m3/s, đáp ứng nhu cầu tiêu thoát nước hiện trạng cho lưu vực cũng như tương lai. Đầu tư, nâng cấp hơn 9,3 km kênh N4, N5, bảo đảm mở rộng đáy kênh lên tối thiểu 5 m; làm mới cầu, cống trên kênh. Đối với gần 1,3 km kênh đi qua KCN, chủ đầu tư bố trí kinh phí nâng cấp chiều rộng đáy kênh từ 10-20 m.

Ông Nguyễn Văn Dĩnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Nếu phương án được UBND tỉnh phê duyệt sẽ giải quyết triệt để nguy cơ ngập úng tại KCN Yên Lư cũng như khu vực sản xuất của người dân. Trước mắt, chúng tôi yêu cầu đơn vị khai thác công trình thủy lợi phối hợp chặt chẽ với địa phương, chủ đầu tư nắm bắt tình hình để triển khai các phương án, không để xảy ra ngập úng trong mùa mưa sắp tới”.

Bài, ảnh: Sỹ Quyết

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/402986/nang-cap-ha-tang-khong-de-ngap-ung-khu-cong-nghiep-yen-lu.html